Chính sách 'xoay trục hướng đông' của Nga chỉ dành riêng cho TQ?

Đã có ý kiến cho rằng chính sách hướng đông của Moscow thực hiện từ năm 2010 cho đến nay dường như đã quên đi sự hiện diện của Đông Nam Á.

Trong bài bình luận của mình trên tờ Straits Time, tiến sĩ Ian Storey, thành viên cấp cao thuộc Viện Iseas-Yusof Ishak nước Nga đánh giá: Kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Moscow "xoay trục về hướng đông" hồi năm 2010, chính sách của ông đã bị chỉ trích tập trung quá nhiều vào Trung Quốc mà chỉ dành phần quá ít cho Đông Nam Á.

Chính sách xoay trục về hướng đông của Nga chỉ dành cho Trung Quốc?

Chuyến công du tuần trước của nhà lãnh đạo Nga đã cho thấy quan điểm này không phải là không có cơ sở.

Mặc dù sải bước tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc, nhưng ông Putin đã quyết định không tới thủ đô Viên Chăn (Lào) để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS).

Kể từ khi Nga trở thành thành viên của EAS từ năm 2011 đến nay - ông Putin vẫn từ chối tham dự cuộc gặp quốc tế hàng đầu của ASEAN - người đảm nhiệm thay ông là Thủ tướng Dmitry Medvedev.

Trong khi Moscow nhích gần hơn đến Bắc Kinh, thì dường như Đông Nam Á nói chung và các nước ASEAN nói riêng, đã nằm ngoài rìa chính sách đối ngoại của Nga.

Tại sao quan hệ Nga-Trung siết chặt hơn trong vài năm qua?

Tiến sĩ Storey cho rằng, quan hệ cá nhân cũng là một yếu tố quan trọng trong tiến trình này. Ông Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có mối quan hệ cá nhân gần gũi và gặp gỡ nhau một cách thường xuyên. Ngược lại, mối quan hệ giữa ông Putin với Tổng thống Mỹ Barack Obama hết sức lạnh nhạt, trong khi quan hệ giữa ông Tập và ông Obama có sự ấm áp hơn chút ít.

Yếu tố thứ hai là sự hội tụ về mặt lợi ích. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga sau khủng hoảng Ukraine năm 2014, cùng với việc giảm giá dầu đã khiến nền kinh tế Nga lao đao. Điều này buộc Moscow phải tìm đến châu Á, và ở đây họ có Trung Quốc - đối tác quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư. Trong khi phía ngược lại Bắc Kinh rất muốn mua công nghệ quốc phòng tiên tiến từ Nga.

Lý do thứ ba đó là sự tương đồng về thế giới quan giữa Nga và Trung Quốc.

Cả hai nước đều xem Mỹ như là quốc gia đối địch lớn nhất và có chung phản ứng với sự bá quyền của Washington. Moscow và Bắc Kinh đều nhận thức rằng họ có chung mục tiêu trong chiến lược ngăn chặn liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Sự mở rộng của NATO tại châu Âu là kìm kẹp Nga, trong khi "xoay trục châu Á" của Mỹ là nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc. Cả hai tin rằng, các chiêu bài "dân chủ" của Mỹ là một nỗ lực để lật đổ chế độ của hai quốc gia. Cảm giác về việc trở thành "nạn nhân chung" dưới bàn tay của phương Tây cũng khiến Nga-Trung xích lại gần nhau hơn.

Thế nhưng một hình ảnh liên minh giữa hai nước trong thời điểm hiện tại là chưa rõ ràng. Về sâu xa, cả hai vẫn có những e ngại đối với đối tác của mình.

Đặc biệt Moscow tỏ ra khó chịu trước tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh đang lan rộng ra vùng Viễn Đông và Trung Á.

Nhưng khi yếu tố đoàn kết lớn hơn một số vấn đề chia rẽ, hai nước đã đồng ý hợp tác chiến thuật trong một loạt các vấn đề quốc tế liên quan đến lợi ích cốt lõi.

Đối với Bắc Kinh, lợi ích cốt lõi là Biển Đông. Với việc quan hệ Trung-Nga ngày một tăng cường, Moscow cũng góp thêm phần ủng hộ cho Trung Quốc ở vấn đề này.

Trước đây, Nga đã thông qua một lập trường trung lập, cẩn thận để không làm mất lòng hai đối tác gần gũi nhất của mình ở châu Á là Trung Quốc và Việt Nam.

Tuy nhiên ông Putin đã lên tiếng đồng tình với Trung Quốc trong việc không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA, mặc dù Nga không hưởng ứng hoàn toàn lập trường cũng như yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tiến sĩ Storey cho rằng Trung Quốc đã và sẽ biết ơn vô cùng đối với động thái nhỏ này từ Nga. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ hài lòng với quyết định chuyển giao vũ khí lớn cho Trung Quốc, bao gồm các tàu bán ngầm, máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không và tên lửa hành trình chống ngầm.

Đây hoàn toàn không phải là tin tốt đối với một số nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông ở Đông Nam Á. Thế nhưng nó sẽ thúc đẩy các quốc gia này nỗ lực mua vũ khí từ các nguồn không đến từ Nga, trong đó có Mỹ.

Mối quan hệ hưng thịnh Trung-Nga có ý nghĩa gì với Đông Nam Á?

Trong khi Nga muốn hiện diện về thương mại nhiều hơn trong khu vực, chính sách ngoại giao nước này vẫn tập trung vào phương Tây, và ở châu Á chỉ là Trung Quốc.

Mặc dù Nga tự coi mình là một cường quốc và yêu cầu một vị thế xứng đáng tại nơi đây, thế nhưng Moscow dành rất ít thời gian cho các tổ chức đa phương, trong đó thiếu ảnh hưởng đáng kể tại các diễn đàn ASEAN mà nổi bật là Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nga tại Sochi hồi tháng Năm vừa qua, hai bên đã nhất trí hợp tác, củng cố hướng tới quan hệ đối tác chiến lược, và coi EAS là "nền tảng quan trọng cho các cuộc đối thoại lãnh đạo về các vấn đề chính trị, kinh tế và chiến lược lớn đối với khu vực".

Việc tham dự của ông Putin tại EAS đã được nhiều người coi là một phép thử quan trọng đối với cam kết của điện Kremlin tới Đông Nam Á và sự ổn định khu vực.

Tuy nhiên sự vắng mặt của người đứng đầu nước Nga đã gây thất vọng khi một lần nữa chứng tỏ rằng chính sách hướng trục về phía đông của Moscow chỉ dành cho Trung Quốc.

Minh Vũ

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/chinh-sach-xoay-truc-huong-dong-cua-nga-chi-danh-rieng-cho-tq-a257935.html