Chỉnh sửa gen có thể gây ra tác dụng ngoài ý muốn

Mặc dù kỹ thuật chỉnh sửa gen có nhiều ưu thế vượt trội phục vụ cho con người, nhưng sau thời gian ứng dụng CRISPR-Cas9 vào trị liệu đã bộc lộ những bất lợi, trong đó có thay đổi di truyền, dẫn đến những rủi ro lâu dài.

Ba nghiên cứu độc lập vừa được công bố trên tạp chí y học bioRxiv (Anh) cho thấy chỉnh sửa gen trong phôi người có thể tạo ra tác dụng phụ ngoài ý muốn.

Nghiên cứu thứ nhất của Viện nghiên cứu Francis Crick, London, Anh do TS. Kathy Niakan đứng đầu nhằm đánh giá quá trình phát triển phôi bằng cách tạo đột biến gien POU5F1 và tìm ra những thay đổi ADN sau khi sử dụng CRISPR/Cas9 để chỉnh sửa gen ở phôi. Kết quả, trong 18 phôi được chỉnh sửa gen, có khoảng 22% thay đổi về ADN không mong muốn tại các vị trí xung quanh POU5F1, bao gồm cả việc xóa và sắp xếp lại AND.

Chỉnh sửa gen người có thể tạo ra những tác dụng không mong muốn.

Nghiên cứu thứ hai do TS. Dieter Egli thuộc Đại học Columbia ở New York, Mỹ dẫn đầu cũng phát hiện thấy, khi sử dụng CRISPR-Cas9 để điều chỉnh đột biến gây mù ở phôi, khoảng một nửa số phôi được xử lý đã kết thúc thiếu trình tự trên nhiễm sắc thể, thậm chí có trường hợp còn làm mất toàn bộ nhiễm sắc thể.

Nghiên cứu thứ ba của TS. Shoukhrat Mitalipov thuộc Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon ở Portland (Mỹ) chủ trì cũng phát hiện thấy bất lợi tương tự. Cụ thể, khi kiểm tra phôi được tạo ra bằng tinh trùng cho thấy chúng mang đột biến gây ra các vấn đề về tim.

Đánh giá về những phát hiện trên, TS. Kiran Musunuru ở ĐH Pennsylvania, Mỹ, người không tham gia vào các nghiên cứu này cho hay: “Điều đó có nghĩa, chúng ta không chỉ làm thay đổi gen mong muốn mà còn vô tình ảnh hưởng đến ADN và các gen xung quanh, tạo ra những hệ lụy không thể lường hết”.

Ngọc Anh

(BOU-7/2020)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chinh-sua-gen-co-the-gay-ra-tac-dung-ngoai-y-muon-n176652.html