Chính thức khánh thành Cầu Vàm Cống

Ngày 19-5, tại TP Cần Thơ, Bộ Giao thông vận tải và Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc ( Korea Eximbank) phối hợp UBND TP Cần Thơ và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ khánh thành Cầu Vàm Cống thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL.

Được khởi công xây dựng vào ngày 10-9-2013, Cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, có tổng chiều dài gần 3 km, rộng 24,5 m bao gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ và 2 làn đường đi bộ, nối liền huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ). Công trình là dự án thành phần 3 thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông được đầu tư từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Công trình được thực hiện bởi các nhà thầu Hàn Quốc. Đại diện chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý Dự án Hạ tầng Giao thông Cửu Long.

 Các đại biểu tiến hành nghi thức cắt băng khánh thành cầu Vàm Cống.

Các đại biểu tiến hành nghi thức cắt băng khánh thành cầu Vàm Cống.

Cầu Vàm Cống khánh thành góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông cho ĐBSCL

Tại buổi lễ, đại diện phía Hàn Quốc nhấn mạnh: "Cầu Vàm Cống nối liền hai hai bờ sông Hậu qua địa bàn TP Cần Thơ và Đồng Tháp. Dự án hoàn thành đã mang về sức sống mới cho địa phương và các vùng lân cận vùng ĐBSCL. Xây dựng cầu Vàm Cống không phải là một điều đơn giản. Chúng tôi tự hào bởi có hơn 9 triệu giờ làm việc an toàn. Dự án hoàn thành là nhờ vào sự nỗ lực hết mình của toàn thể những con người liên quan đến Cầu Vàm Cống mà còn liên quan đến 2 quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc".

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, Cầu Vàm Cống là cây cầu dây văng thứ 2 bắc qua sông Hậu, sau cầu Cần Thơ. Đây là một hạng mục lớn, quan trọng thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh kéo dài từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau). Cây cầu này cùng với đường dẫn, kết hợp với cầu Cao Lãnh đã khánh thành từ một năm trước và tuyến đường nối cầu Cao Lãnh với cầu Vàm Cống sẽ giúp giảm áp lực xe cộ cho tuyến Quốc lộ 1A vốn thường xuyên xảy ra kẹt xe vào những dịp cao điểm lễ Tết. “Cùng với cầu Cao Lãnh, Cầu Vàm Cống được kỳ vọng là sẽ góp phần quan trọng để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng ĐBSCL. Người dân ở An Giang, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ và Kiên Giang sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ cây cầu này, do thời gian di chuyển cũng như đưa hàng hóa từ các địa phương về thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại sẽ được rút ngắn so với trước. Tiết kiệm được thời gian cũng là tiết kiệm được chi phí và tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa nông sản của các địa phương. Dự án không chỉ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và mà còn tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh trong khu vực. Ngày cầu Vàm Cống khánh thành cũng là ngày khép lại sứ mệnh lịch sử trăm năm của phà Vàm Cống, nhưng sẽ mở ra những cơ hội mới để vùng ĐBSCL phát triển hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Tin, ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/chinh-thuc-khanh-thanh-cau-vam-cong-574473