Chính trị - Xã hội An sinh xã hội A Lưới phấn đấu giảm 1.430 hộ nghèo trong năm 2022

Sáng 16/9, Ban Chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo bền vững huyện A Lưới tổ chức Hội nghị sơ kết công tác giảm nghèo bền vững 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022.

Năm 2021, qua điều tra, rà soát (theo chuẩn nghèo đa chiều) toàn huyện còn 7.022 hộ nghèo, chiếm 49,98%; 2.185 hộ cận nghèo, chiếm 15,55%.

Phát triển mô hình chăn nuôi heo an toàn sinh học giảm nghèo bền vững

Trên cơ sở kế hoạch phân bổ chỉ tiêu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, căn cứ thực tế của địa phương, BCĐ giảm nghèo bền vững huyện đã có Quyết định số 03-QĐ/BCĐ, ngày 8/6/2022 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo cho các xã, thị trấn giai đoạn 2022- 2025. Theo đó, đến năm 2025 huyện A Lưới phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn dưới 12,01% theo chuẩn nghèo đa chiều.

Năm 2022, theo kế hoạch tỉnh giao là giảm tỷ lệ hộ nghèo 7,54% tương đương 1.060 hộ nghèo. A Lưới phấn đấu giảm 10,18% tương đương 1.430 hộ nghèo (vượt tỷ lệ tỉnh giao là 2,64% tương đương với 370 hộ nghèo). Các xã, thị trấn phấn đấu giảm 10,78% tương đương với 1.512 hộ nghèo (vượt tỷ lệ huyện giao là 0,6% tương đương với 82 hộ nghèo). Đến nay, đã có 100% xã, thị trấn hoàn thành kế hoạch phân bổ chỉ tiêu giảm nghèo cho các thôn, tổ dân phố.

Để đạt được mục tiêu giảm nghèo đã đề ra, huyện quán triệt và triển khai 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Đặc biệt, quan tâm nhất là 2 nhóm: Nhóm nhà ở và việc làm. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành 2.325 nhà ở mới và 1.634 nhà ở sửa chữa mở rộng diện tích.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những việc làm được, chưa làm được, những vướng mắc do cơ chế, chính sách trong triển khai thực hiện và trao đổi tìm ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Ông Huỳnh Công Quảng, Bí thư Huyện ủy A Lưới nhấn mạnh, các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy cần quyết liệt hơn nữa trong công tác lãnh, chỉ đạo về việc triển khai các nghị quyết và các chương trình, kế hoạch mà đơn vị, địa phương đã ban hành.

Kiểm soát chặt chẽ số hộ nghèo, cận nghèo, số nhà tạm trên địa bàn quản lý, không để phát sinh, nếu để phát sinh thì bí thư cấp ủy, người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện ủy. Ngoài ra cần căn cứ theo các chỉ tiêu, các văn bản để xác định đối tượng ưu tiên trong việc nhận hỗ trợ từ các nguồn.

Đồng thời đẩy mạnh việc kêu gọi và huy động nguồn lực của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, tổ chức và người dân nhằm thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, kiên quyết không để tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới.

Tin, ảnh: Nguyên Định

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/a-luoi-phan-dau-giam-1-430-ho-ngheo-trong-nam-2022-a117715.html