Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Doanh nghiệp cần trợ giúp

Đề nghị được miễn, giảm thuế, phí, hỗ trợ lãi suất là các vấn đề mà một nhóm doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ ở TP. Hồ Chí Minh đã soạn thảo văn bản kiến nghị trực tuyến, dự kiến khi hội đủ điều kiện cần thiết để kiến nghị lên Thủ tướng và các thành viên Chính phủ vào cuối tuần vừa qua.

Miễn, giảm thuế giá trị gia tăng theo trong năm 2021 và 50% thuế này trong hai năm tiếp theo; giảm 50% thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 và trong 3 năm tiếp theo kể từ khi công bố hết dịch, thuế thu nhập này sẽ được giảm ở mức 30%. Bên cạnh đó là được chấp nhận các chi phí phát sinh khác như xét nghiệm, chi phí chống dịch và chi phí cho các phương án để bảo toàn sản xuất trong đại dịch là các kiến nghị của nhóm DN này ở chính sách thuế. Được nhận gói hỗ trợ lãi suất tối thiểu 4%; được Chính phủ cho phép thực hiện chính sách khoanh, giãn nợ là kiến nghị về chính sách tài chính đối với các DN phải tạm ngừng hoạt động và không có khả năng thanh toán. Được khoanh nợ gốc, giảm lãi suất từ 2% đến 3% kể từ đầu tháng 8/2021 đến 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch là mong muốn của các DN còn lại.

Đối với những vấn đề liên quan đến chính sách dành cho người lao động, các kiến nghị được thể hiện xung quanh việc tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội ít nhất 6 tháng sau khi công bố hết dịch; các DN không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội trong giai đoạn dịch bệnh sẽ không bị phạt và kiến nghị miễn giảm 100% phí BHXH của DN và người lao động trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động và giãn cách xã hội, có chính sách hỗ trợ khẩn cấp đối với người lao động đã và đang hoàn thành đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH cho đến hiện tại…

Những điều này cho thấy, khu vực DN, nhất là DN vừa và nhỏ hiện đang rất khó khăn, nhất là ở khu vực các tỉnh, thành phía nam. Đại dịch COVID-19 vẫn đang kéo sức chống chịu của DN chạm đáy. Thậm chí, khả năng này của nhiều DN đã về 0. Trong khi đó, số DN vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ trên 97% và đóng góp đáng kể trong khoảng trên 40% GDP hàng năm. Đây cũng là khu vực có những đóng góp thúc đẩy sự chuyển mình và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam những năm vừa qua. 85,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường trong 8/2021 là một con số đáng chú ý trong diễn biến chung ở khu vực này. Tỷ lệ tăng là 24,2% so với cùng kỳ năm 2020 - theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Không quá nóng như ở các tỉnh, thành phía nam, song những tác động đa chiều lên hoạt động kinh doanh sản xuất lên khu vực DN, nhất là DN vừa và nhỏ là rất lớn, cả về nguồn cung và thị trường tiêu thụ. Trên 300 DN trên địa bàn tỉnh tạm ngưng hoạt động và trên 75 DN thông báo giải thể là ghi nhận trong 6 tháng đầu năm. Con số này có lẽ sẽ không dừng lại khi tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp và khó lường.

Trước tình hình dịch bệnh gây suy kiệt nguồn lực của DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã đề nghị bổ sung các giải pháp hỗ trợ DN chi phí về phòng, chống dịch bệnh trong quá trình duy trì sản xuất, điều chỉnh các giải pháp hỗ trợ của DN chỉ ban hành đến hết năm 2020 sang hết tháng 6/2022…

Đây cũng là những vấn đề mà Hiệp hội các DN ở địa phương kiến nghị lên chính quyền các cấp, như là những trợ giúp và trợ lực cần kíp trong giai đoạn khó khăn này.

Theo Thanhnien online, ngày 30/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Yên Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doanh-nghiep-can-tro-giup-a103963.html