Chính trường Hàn Quốc dậy sóng vì BTS

Quyết định thực hiện nghĩa vụ quân sự của Jin - thành viên nhóm nhạc BTS - hôm 17/10 đã giải tỏa cuộc tranh luận gây chia rẽ chính trường Hàn Quốc suốt nhiều năm qua.

Hôm 17/10, Yonhap News dẫn thông báo của Big Hit Music đưa tin thành viên lớn tuổi nhất của nhóm nhạc BTS - Kim Seok Jin - sẽ nộp đơn hủy bỏ việc hoãn nhập ngũ và tham gia quân đội trong thời gian tới.

Quyết định này dường như đã khép lại cuộc tranh luận kéo dài suốt nhiều năm qua giữa các đảng phái chính trị Hàn Quốc.

"Chúng ta phải quyết định cần xem xét điều gì trước tiên - lợi nhuận kinh tế mà BTS mang lại cho đất nước hay thúc đẩy sự công bằng và bình đẳng xã hội bằng cách để họ nhập ngũ. Đừng tốn quá nhiều thời gian (để đưa ra quyết định). Cục Quản lý Nhân lực Quân đội cần có thông báo thuyết phục trong năm nay", Hạ nghị sĩ Lim Byung Heon đã nêu vấn đề một cách trực diện hôm 7/10, theo Korean Times.

Trước đó, các nhà lập pháp từ đảng cầm quyền và đảng đối lập đã đệ trình dự luật riêng để sửa đổi đạo luật nghĩa vụ quân sự liên quan đến việc nhập ngũ của các thành viên BTS, theo Nikkei Asia.

Các dự luật kêu gọi những người đạt được thành tựu lớn trong lĩnh vực văn hóa đại chúng được miễn nhập ngũ và được phép thay thế nghĩa vụ quân sự bằng các hình thức dịch vụ công.

"Tổn thất quốc gia"

Ở Hàn Quốc, tất cả nam giới từ 18 tuổi trở lên đều phải nhập ngũ trước 28 tuổi, trong hầu hết trường hợp thời gian nhập ngũ sẽ kéo dài 18-21 tháng. Hiện tại, chỉ những vận động viên ưu tú, chẳng hạn người đoạt huy chương Olympic, người chiến thắng trong các cuộc thi âm nhạc và nghệ thuật mới được miễn trừ.

Vào năm 2020, Quốc hội Hàn Quốc đã sửa đổi luật cho phép những người như thành viên Jin - đạt được thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực nghệ thuật đại chúng - được phép hoãn nhập ngũ cho đến tuổi 30.

Jin sẽ đến thời hạn nhập ngũ vào cuối năm nay. Sau đó, các thành viên khác của BTS cũng sẽ nhập ngũ bắt đầu từ năm 2023.

Vấn đề miễn trừ nghĩa vụ quân sự đã gây nhiều tranh cãi, do sự quan tâm của dư luận và sự mâu thuẫn giữa các yếu tố kinh tế và chính trị.

"BTS đang đóng góp to lớn cho nền kinh tế của chúng ta", một nhân viên văn phòng ở độ tuổi 40, ở Seoul, nói. "Các thành viên của nhóm nên được miễn trừ để tiếp tục hoạt động".

 Người hâm mộ theo dõi concert của nhóm nhạc BTS. Ảnh: Reuters.

Người hâm mộ theo dõi concert của nhóm nhạc BTS. Ảnh: Reuters.

Ngược lại, một sinh viên ở độ tuổi 20 đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc, không đồng ý với quan điểm này. "Có nên đối xử khác biệt với một người chỉ vì người đó đã có một sự nghiệp thành công?", sinh viên này cho biết. "Thật không công bằng khi sử dụng các tiêu chí mơ hồ".

Theo một cuộc khảo sát được công bố vào ngày 18/9, 60,9% những người được thăm dò ý kiến ủng hộ việc miễn nghĩa vụ quân sự cho BTS, trong khi 34,3% phản đối. Tỷ lệ những người phản đối việc miễn trừ đặc biệt cao ở nam giới và những người trẻ tuổi. Cuộc khảo sát này được thực hiện bởi Ủy ban Quốc phòng - một nhóm nghị sĩ chủ chốt đang cân nhắc những thay đổi đối với đạo luật nghĩa vụ quân sự.

Một cuộc khảo sát khác từ một tạp chí chỉ ra rằng trong khi hơn 60% nhóm người từ 40 tuổi trở lên ủng hộ việc miễn trừ nghĩa vụ quân sự cho BTS, chỉ 31% nhóm người 18-29 tuổi có cùng ý kiến.

Những người trong độ tuổi này đặc biệt nhạy cảm với vấn đề công bằng về trình độ học vấn và giới tính, vì họ thường phải vật lộn để tìm được công việc tốt.

Trong chính phủ Hàn Quốc, bộ phận phụ trách xúc tiến văn hóa là cơ quan chính đề xuất dự thảo miễn trừ cho các thành viên BTS. Khi cựu Tổng thống Moon Jae In còn tại vị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết việc đình chỉ hoạt động của nhóm nhạc để thực hiện nghĩa vụ quân sự rõ ràng là một "tổn thất quốc gia".

Viện nghiên cứu Hyundai cũng ước tính rằng các hoạt động liên quan đến BTS, chẳng hạn xuất khẩu, tiêu dùng và du lịch, sẽ đóng góp khoảng 42.000 tỷ won (29 tỷ USD) cho nền kinh tế Hàn Quốc trong 10 năm kể từ 2014, một năm sau ngày ra mắt của nhóm.

BTS là gương mặt đại diện cho nhiều công ty lớn của Hàn Quốc, bao gồm Samsung Electronics, Hyundai Motor và Lotte, giúp thúc đẩy doanh số bán sản phẩm của Hàn Quốc tại nước ngoài.

Một số chính trị gia cũng đã cố gắng tận dụng sự nổi tiếng của nhóm. Vào năm 2021, cựu Tổng thống Moon từng để BTS cùng đến cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, với tư cách "đặc phái viên" của ông.

Trong khi đó, thị trưởng Busan đã bổ nhiệm BTS làm đại sứ quan hệ công chúng với nỗ lực giúp thành phố đăng cai sự kiện World Expo 2030, đồng thời đề nghị văn phòng tổng thống thay thế nghĩa vụ quân sự bằng các công việc khác cho nhóm nhạc.

Song Bộ Quốc phòng đã phản đối việc miễn trừ nghĩa vụ quân sự cho BTS.

Thế khó của Bộ Quốc phòng

Vào cuối tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong Sup cho biết quyết định về việc miễn trừ sẽ được đưa ra dựa trên kết quả của một cuộc khảo sát công khai, nhưng ông đã nhanh chóng rút lại tuyên bố này. Ông nói với Quốc hội vào ngày 20/9 rằng sẽ rất khó để mở rộng đối tượng miễn trừ, trên quan điểm công bằng.

Các quan chức quốc phòng đã lo lắng về tác động của tỷ lệ sinh giảm nhanh ở Hàn Quốc. Theo một ước tính, nhóm nam giới 20 tuổi ở nước này sẽ giảm từ 330.000 người vào năm 2020 xuống còn 230.000 người vào năm 2025, và chạm mốc 150.000 người vào năm 2040.

Một tháp quan sát của Hàn Quốc đối diện với một đồn quân sự Triều Tiên trong khu phi quân sự ở Paju, Gyeonggi-do, Hàn Quốc. Ảnh: Nikkei Asia.

Quân đội đang tạo ra các thiết bị mới và nỗ lực cải tổ nhân sự để ứng phó. Song trong bối cảnh quân đội Hàn Quốc vẫn cần duy trì một mức độ sẵn sàng nhất định trước mối đe dọa từ Triều Tiên, những nỗ lực này rất hạn chế. Và họ cần tránh khiến giới trẻ nhận thức rằng một số người đang được đối xử đặc biệt.

Quan điểm này từng được Ủy viên Lee Ki Shik của Cục Quản lý Nhân lực Quân đội, nhấn mạnh vào ngày 7/10.

"Hiện có sự sụt giảm về số người tình nguyện phục vụ trong quân đội, chưa kể cần phải đề cao công lý và công bằng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng BTS nên thực hiện nghĩa vụ của họ", JTBC dẫn lời ông Lee.

Theo một số nam giới Hàn Quốc ở độ tuổi 40 và 50, trước đây, các tân binh thường bị bạo lực, chẳng hạn đấm và đá, trong quá trình tập luyện. Tuy nhiên, quân đội đã cải thiện rất nhiều việc đối xử với tân binh để duy trì hệ thống nghĩa vụ quân sự. Và thời gian phục vụ bắt buộc đã giảm một nửa kể từ những năm 1960, khi căng thẳng giữa hai miền tăng cao.

Quân đội cũng đã cắt giảm các hoạt động huấn luyện nguy hiểm, chẳng hạn ném lựu đạn, theo các quan chức. Các tân binh hiện có thể sử dụng điện thoại thông minh để liên lạc với gia đình và những người thân yêu của họ vào buổi tối.

Khi độ tuổi bắt đầu thực hiện nghĩa vụ quân sự tối đa được nâng lên cách đây hai năm, Jin bày tỏ sẵn sàng đáp ứng lệnh gọi nhập ngũ bất cứ lúc nào. Anh khẳng định việc thực hiện nghĩa vụ quân sự khi còn là một thanh niên Hàn Quốc là điều đương nhiên.

Tuy nhiên, khi danh tiếng của nam ca sĩ ngày càng tăng, trớ trêu thay, Jin lại có ít tiếng nói hơn về vấn đề này.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chinh-truong-han-quoc-chao-dao-vi-bts-post1366174.html