Chính trường Malaysia bất ổn vì liên minh Mahathir - Anwar hợp rồi tan

Thủ tướng Mahathir Mohamad, 94 tuổi, đã từ chức giữa những diễn biến bất ngờ trên chính trường Malaysia, khi ông bị buộc tội phản bội lời hứa trao quyền cho người kế nhiệm.

Số phận của liên minh cầm quyền Malaysia đang bị nghi ngờ sau cuộc đàm phán bất ngờ giữa đảng PPBM của Thủ tướng Mahathir Mohamad và các nhóm khác về việc thành lập một chính phủ mới loại trừ người kế nhiệm được chỉ định và đồng minh của ông, Anwar Ibrahim.

Cuộc tranh đấu giữa các đối thủ cũ, Mahathir, 94 tuổi, và Anwar, 72 tuổi, đã định hình chính trị Malaysia trong nhiều thập kỷ, với những căng thẳng vẫn tồn tại bất chấp liên minh năm 2018 của họ để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử dựa trên lời hứa rằng một ngày nào đó Mahathir sẽ trao quyền cho Anwar.

Liên minh thất thường

Năm 1982, là một chính trị gia trẻ tuổi đang lên, ông Anwar gia nhập đảng của ông Mahathir, Tổ chức Quốc gia Mã Lai (UMNO), ngay sau khi ông Mahathir lần đầu tiên trở thành thủ tướng.

Năm 1993, ông Anwar trỗi dậy nhanh chóng trong đảng để trở thành phó thủ tướng, trên lộ trình kế nhiệm ông Mahathir.

 Thủ tướng Mahathir, thứ 2 từ trái sang, nói chuyện với người kế nhiệm dự tính của ông, Anwar Ibrahim, phải, trong Hội nghị thượng đỉnh Kuala Lumpur vào tháng 12/2019. Ảnh: Al Jazeera.

Thủ tướng Mahathir, thứ 2 từ trái sang, nói chuyện với người kế nhiệm dự tính của ông, Anwar Ibrahim, phải, trong Hội nghị thượng đỉnh Kuala Lumpur vào tháng 12/2019. Ảnh: Al Jazeera.

Năm 1998, nhiều tháng mâu thuẫn với ông Mahathir về cách Malaysia xử lý cuộc khủng hoảng tài chính châu Á lên đến đỉnh điểm với vụ sa thải ông Anwar.

Ngược lại, ông Anwar giành được sự ủng hộ từ phần lớn người Hồi giáo Malay, nhóm dân tộc thống trị ở quốc gia đa văn hóa, để thúc đẩy phong trào Cải cách của ông và Parti Keadilan Rakyat (PKR), hoặc Đảng Công lý Nhân dân.

Những năm tiếp theo, ông Anwar liên tục bị cáo buộc và bỏ tù vì đời tư, điều mà ông cho rằng có động cơ chính trị trong cuộc tranh giành quyền lực với các đối thủ khác.

Từ năm 2016 đến năm 2017, ông Mahathir thành lập đảng mới Bersatu trước khi gia nhập lực lượng với liên minh đối lập của ông Anwar, Pakatan Harapan (PH).

Ông hứa sẽ xin ân xá hoàng gia cho ông Anwar và trao cho ông chức thủ tướng nếu liên minh thành công trong nỗ lực lật đổ ông Najib, người bị cáo buộc tham nhũng hàng tỷ USD, và chính phủ do UMNO lãnh đạo.

Năm 2020, ông Mahathir đối mặt áp lực từ các đồng minh của ông Anwar trong liên minh để sắp xếp ngày bàn giao.

Hôm 23/2, ông Anwar đã cáo buộc đảng của Mahathir và "những kẻ phản bội" trong Đảng Công lý Nhân dân (PKR) của mình âm mưu thành lập một chính phủ mới với Tổ chức Quốc gia Mã Lai (UMNO) - một phần của liên minh Barisan Nasional từng cai trị trong 60 năm và đã bị loại bỏ trong cuộc bầu cử năm 2018 giữa những cáo buộc tham nhũng.

Ông cũng nói rằng cuộc họp được các chính trị gia triệu tập hôm 24/2 là "sự phản bội".

Các nguồn tin nói với Reuters rằng PPBM của ông Mahathir (Đảng Bản địa Thống nhất Malaysia) và một phe trong PKR của ông Anwar đã gặp các quan chức từ UMNO và đảng PAS Hồi giáo vào ngày 23/2 trong nỗ lực thành lập liên minh mới.

Khi được hỏi về những gì đã diễn ra trong cuộc họp hôm 23/2, Bộ trưởng Ngoại giao Saifuddin Abdullah, người tham dự, nói với Al Jazeera rằng ông không được thảo luận về nó.

Saifuddin, một thành viên của PKR của ông Anwar, cũng không bình luận gì về tương lai của ông với tư cách là nhà ngoại giao hàng đầu của đất nước.

Mâu thuẫn chuyển giao quyền lực

Đảng của ông Mahathir, UMNO và PAS đã gặp nhà vua vào ngày 23/2, mặc dù không rõ những gì họ đã thảo luận và liệu liên minh được đề xuất mới có đảm bảo được sự ủng hộ chủ yếu mang tính hình thức của nhà vua hay không.

Nhà vua có thể giải tán Nghị viện theo lời khuyên của thủ tướng và sự đồng ý của ông là cần thiết cho việc bổ nhiệm thủ tướng hoặc các quan chức cấp cao.

Nhưng không rõ vai trò của ông sẽ ra sao nếu liên minh cầm quyền thay đổi mà không thay đổi thủ tướng.

Ông Anwar Ibrahim nhặt xơ vải từ tay áo của ông Mahathir trong cuộc họp báo năm 1997. Ảnh: AFP.

Người phát ngôn của ông Anwar nói rằng ông Anwar cũng dự định gặp nhà vua vào lúc 14h30 ngày 24/2 nhưng không đưa ra chi tiết về kế hoạch gặp mặt.

Trước đó cùng ngày, ông Anwar cũng đã tổ chức các cuộc họp với các chính trị gia khác từ chính phủ liên minh hiện tại.

Devamany Krishnasamy, Phó chủ tịch nhóm Ấn Độ Malaysia, người cũng có mặt trong cuộc họp hôm 23/2, nói với Al Jazeera rằng ông Mahathir có khả năng thành lập chính phủ mới.

"Đây là chính trị. Nó xảy ra trên khắp thế giới. Hiến pháp nói rằng Nghị viện có thể quyết định rằng bất kỳ đa số nào cũng có thể điều hành chính phủ, và bạn phải có được sự đồng ý của agong (vua), đơn giản như vậy", ông Devamany nói.

Ông Anwar và ông Mahathir đã liên kết trước cuộc bầu cử năm 2018 để đánh bại liên minh Barisan Nasional do UMNO thống trị.

Nhưng căng thẳng đã gia tăng giữa hai người trong liên minh Hy vọng (Pakatan Harapan, hoặc PH) của họ, khi ông Mahathir không chịu đặt thời hạn để giữ lời hứa trao quyền lực cho ông Anwar.

Vận may chính trị của PH cũng đang suy yếu dần, với thất bại trong năm cuộc bầu cử phụ gần đây. Ông Anwar cũng đã chia tay với người bạn cùng đảng, Mohamed Azmin Ali, Bộ trưởng Các vấn đề kinh tế, một trong những người tham gia cuộc họp vào tối 23/2.

Ông Anwar là cấp phó của ông Mahathir, người sau này giữ chức thủ tướng từ năm 1981 đến năm 2003 nhưng ông Mahathir đã sa thải ông năm 1998 sau khi họ không đồng ý về cách xử lý cuộc khủng hoảng tài chính mà Malaysia trải qua vào thời điểm đó.

Ngay sau đó, ông Anwar bị bỏ tù vì tội kê gian, những cáo buộc mà ông cho rằng đã bị thổi phồng lên.

Tuyết Mai

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chinh-truong-malaysia-bat-on-vi-lien-minh-mahathir-anwar-hop-roi-tan-post1051181.html