Chính trường Mỹ thời Covid-19: Thay đổi để tồn tại

Đại dịch Covid-19 đã mang đến nhiều thay đổi lớn tại Washington, nửa đáng mừng, nửa đáng ngại. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính Steve Mnuchin, Phó Tổng thống Mike Pence trong một buổi họp báo về Covid-19 tại Nhà Trắng. (Nguồn: The Washington Post)

Đồng lòng trong gian khó

Một trong những thay đổi lớn của chính trường Mỹ giữa đại dịch Covid-19 chính là sự đồng lòng hiếm hoi của hai chính đảng lớn. Sau nhiều cuộc thương thảo “marathon” giữa Nhà Trắng và Thượng viện, gói kích thích 2.000 tỷ USD, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khủng hoảng do đại dịch Covid-19 đã được lưỡng đảng chấp thuận và dự kiến sẽ được Thượng viện và Hạ viện thông qua trong ngày hôm nay, sớm có hiệu lực trong vài ngày tới.

Đây là gói kích thích lớn nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại, cung cấp hỗ trợ tài chính quan trọng cho các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa hoặc cắt giảm hoạt động, cứu trợ các gia đình, bệnh viện Mỹ đang rối bời vì tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh và sự gián đoạn của nền kinh tế.

Phát biểu sau khi đạt đồng thuận, Lãnh đạo Đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho rằng đây là “mức đầu tư như thời chiến”, còn Lãnh đạo Thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer gọi đây là “Kế hoạch Marshall” cho bệnh viện và nhu cầu y tế của nước Mỹ.

Lần gần đây nhất đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đạt được đồng thuận đáng kể là tháng 12/2018, khi lưỡng viện bỏ phiếu chấm dứt hỗ trợ của Mỹ dành cho quân đội Saudi Arabia trên chiến trường Yemen. Đây cũng là lần đầu tiên lưỡng viện Mỹ ủng hộ dự thảo rút quân, chấm dứt chiến dịch quân sự được triển khai dưới đạo luật Quyền Chiến tranh.

Thay đổi tiếp theo đến từ Tổng thống Donald Trump. Sau đoạn đầu bỡ ngỡ, ông đã nhanh chóng đưa ra nhiều động thái kịp thời, khôi phục niềm tin cử tri. Chẳng hạn như việc ông cùng lực lượng chuyên trách chống Covid-19 thường xuyên xuất hiện trong họp báo ngày tại Nhà Trắng và tiến hành thông qua nhiều gói hỗ trợ, áp đặt tình trạng khẩn cấp, kích hoạt Đạo luật cho phép Chính phủ đẩy nhanh sản xuất thiết bị y tế, yêu cầu chính quyền các địa phương đóng cửa trường học, quán bar, nhà hàng...

Kết quả này được thể hiện rõ nét qua khảo sát ngày 24/3 của tổ chức thống kê Gallup: 60% số người được hỏi đồng tình với cách thức ứng phó với Covid-19 trong tình hình hiện nay của ông Trump, tăng gần 20% so với chỉ vài ngày trước đó. Cùng ngày, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống đạt mức 49%, cao nhất nhiệm kỳ của ông.

Thành phố “không bao giờ ngủ” New York vắng bóng người sau khuyến cáo của Chính phủ Mỹ trước tình hình lan rộng của dịch Covid-19. (Nguồn: AP)

Còn đó lắm gian nan

Hai thay đổi trên là đáng mừng, song liệu chừng đó đã đủ để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại Mỹ? Câu trả lời còn đang bỏ ngỏ. Ngày 24/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết Mỹ có thể trở thành tâm điểm toàn cầu của đại dịch Covid-19: 85% ca nhiễm mới đến từ phương Tây, trong đó Mỹ chiếm tới 40%. Theo thống kê sáng ngày 26/3, nước này hiện có 54.968 trường hợp nhiễm Covid-19 với 784 ca tử vong; số lượng người thiệt mạng riêng trong ngày 24/3 là 60 người.

Bất chấp những phản ứng nhanh nhạy, kịp thời của Washington, ngành y tế Mỹ vẫn đang gặp khó trong phòng chống dịch lây lan và điều trị các bệnh nhân mới. Tổng thống Donald Trump thừa nhận: “Thị trường thế giới về khẩu trang và máy thở đang rất khó khăn. Chúng tôi đang giúp các tiểu bang có đủ thiết bị nhưng việc đó không hề dễ dàng”. Trong khi đó, chưa có loại thuốc nào được chính thức công nhận là có thể điều trị hiệu quả Covid-19.

Ngoài ra, cách ông Donald Trump xây dựng hình ảnh thông qua tần suất xuất hiện dày cũng để lại một số hiệu ứng trái chiều. Khảo sát của Đại học Monmouth ngày 24/3 về bầu cử Tổng thống cho thấy ông Trump chỉ được 45% ủng hộ, trong khi ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden có tới 48%. Ông Biden giành phiếu từ nhóm cử tri phụ nữ da trắng có trình độ đại học, còn ông Trump được sự ủng hộ của đàn ông và phụ nữ da trắng không có trình độ đại học.

Đáng ngại hơn, Tổng thống đang đối đầu với giới truyền thông và điều này không có lợi cho hình ảnh của ông. Chiều ngày 23/3, các đài truyền hình lớn như CBS, NBC đã đồng loạt cắt sóng phát biểu trực tiếp buổi họp báo của ông về Covid-19 chỉ sau 20 phút. CNN và MSNBC cũng hành động tương tự sau 19h. Nhiều lời giải thích đã được đưa ra – CBS cắt bỏ để đáp ứng lịch phát sóng của đài, MSNBC cho rằng thông tin được cung cấp “không còn giá trị với những vấn đề quan trọng đang được thỏa luận về sức khỏe cộng đồng”, còn CNN mong Nhà Trắng “đưa ra yêu cầu chính thức”. Chỉ có Fox News, đài truyền hình thân đảng Cộng hòa, đăng tải trọn vẹn bài phát biểu.

Tuyên bố không rõ ràng trước đó của ông về tác dụng của Chloroquine cũng gặp sự phản đối của các quan chức y tế, khi loại thuốc này chưa được thử nghiệm lâm sàng rộng rãi và chưa được chấp thuận để dùng trong điều trị Covid-19.

Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới sẽ tiếp tục chuyển biến phức tạp, với Mỹ và châu Âu nhiều khả năng trở thành tâm dịch mới sau Trung Quốc. Thực tế này sẽ đặt ra vô vàn thách thức đối với các nhà lãnh đạo ở Washington và Brussels, đòi hỏi họ phải phản ứng, thay đổi cách tiếp cận phù hợp để tồn tại trước cơn sóng dữ mang tên SARS-CoV-2.

Minh Vương

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chinh-truong-my-thoi-covid-19-thay-doi-de-ton-tai-112269.html