Chính trường Thái Lan hậu bầu cử: Liên minh cầm quyền rạn nứt

Không lâu sau khi Quốc hội Thái Lan bầu chọn Tướng Prayut Chan-o-cha làm Thủ tướng nước này, rắc rối đang xảy ra với liên minh cầm quyền do đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (Palang Pracharath) lãnh đạo. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do mâu thuẫn về việc chia sẻ các bộ ngành chủ chốt trong nội các.

Quốc hội Thái Lan đêm 5-6 đã bầu đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, ứng cử viên của liên minh do đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân lãnh đạo, làm thủ tướng thứ 30 của Vương quốc này. Ông Prayut Chan-o-cha nhận được 500 phiếu ủng hộ trong phiên họp của lưỡng viện Quốc hội, bỏ xa số phiếu 244 mà ứng cử viên Thanathorn Juangroongruangkit, thủ lĩnh đảng Tương lai Mới nhận được.

Tuy nhiên, theo báo Bangkok Post, sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân đã rút lại những cam kết trước đó khi đòi lại các vị trí Bộ trưởng Nông nghiệp và Thương mại từ đảng Dân chủ và ví trí Bộ trưởng Giao thông từ đảng Tự hào nước Thái (Bhumjaithai) trong bối cảnh Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak - cánh tay phải của Thủ tướng Prayut về các vấn đề kinh tế - có thể quyết định không tham gia nội các mới nếu ông không kiểm soát 3 bộ ngành chủ chốt nói trên.

Thủ tướng Prayuth Chan-o-Cha sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn trong nhiệm kỳ mới. Ảnh tư liệu

Thủ tướng Prayuth Chan-o-Cha sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn trong nhiệm kỳ mới. Ảnh tư liệu

Lãnh đạo đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân Uttama Savanayana đã được giao nhiệm vụ thương lượng lại với hai đảng "mang tính chi phối" trên khi mà đảng này ở một mức độ nào đó đã mất đi những lợi thế mặc cả sau cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng tại Quốc hội. Tuy nhiên, do ông Uttama không phải là người ra quyết định thực sự nên sứ mệnh của ông có thể thất bại vì 2 thành viên trên trong liên minh gần như sẽ chắc chắn bác bỏ một thỏa thuận mới.

Bangkok Post cho rằng một nhân vật nào đó có quyền lực thực sự trong đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân sẽ phải đứng ra chấm dứt xung đột để chính phủ có thể được thành lập sau khi có sắc lệnh của Hoàng gia bổ nhiệm ông Prayut làm Thủ tướng. Người đó chắc chắn không phải là Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon, bởi sẽ có nguy cơ cao đảng đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân bị giải tán vì để một người ngoài đảng điều hành công việc, không phù hợp với Hiến pháp, vốn được soạn thảo để đảm bảo chính quyền quân sự vẫn nắm quyền lực. Điều này khiến cho Thủ tướng đắc cử Prayut Chan-o-cha sẽ phải chọn một trong 2 giải pháp: thực hiện các cam kết mà đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân đưa ra để cứu vãn liên minh và "trả giá" bằng việc “hi sinh” Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak, hoặc từ bỏ 2 đảng trên để lấy lại 3 bộ Nông Nghiệp, Giao thông, Thương mại và đánh đổi bằng sự ổn định của chính phủ mới.

Đây không phải là một lựa chọn dễ chịu. Nhưng đó lại là một cơ hội để ông Prayut Chan-o-cha chứng tỏ những phẩm chất lãnh đạo thực sự và chấm dứt sự hỗn loạn để đưa đất nước tiến lên, ngay cả khi không có “cây gậy thần” là Điều 44 của Hiến pháp lâm thời và không có sự hậu thuẫn của Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) do quân đội hậu thuẫn.

Theo Bangkok Post, tình trạng hỗn độn nói trên phản ánh một điều về các chính trị gia ở Thái Lan, đó là rất nhiều người trong số họ đang mất niềm tin. Một số thành viên đảng Dân chủ đang phản đối đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân, cho rằng đảng này không tôn trọng cam kết trao cho đảng Dân chủ những bộ ngành chủ chốt. Thế nhưng, liệu đảng Dân chủ có nhận thức được rằng chính họ đã phá vỡ cam kết trước bầu cử do thủ lĩnh đảng này lúc đó là ông Abhisit Vejjajiva tuyên bố sẽ không ủng hộ nỗ lực của Tướng Prayut Chan-o-Cha trở lại làm Thủ tướng. Rất nhiều người trung thành với đảng Dân chủ được cho là đã từ bỏ đảng và đi theo đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân vì họ cảm thấy bị phản bội khi đảng của họ quay ra chống lại một đảng cùng chia sẻ lập trường chung chống Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.

Trong khi đó, đảng Tự hào nước Thái cũng phá vỡ cam kết với những người ủng hộ rằng họ sẽ bầu cho thủ lĩnh đảng này là ông Anutin Charnvirakul làm Thủ tướng. Trong lúc tuyệt vọng, đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) cũng từ bỏ lời hứa chỉ định một trong 3 ứng cử viên Thủ tướng của mình để bầu cho ứng cử viên của đảng Dân chủ nhằm lôi kéo các thành viên đảng Dân chủ tham gia liên minh của họ.

Tác giả bài báo trên Bangkok Post kết luận: “Dường như tất cả đều có sẵn một lời giải thích giống nhau để biện hộ cho sự thay đổi của họ - đó là vì lợi ích của nhân dân hoặc vì lợi ích quốc gia. Chúng ta đã bị đối xử bằng sự coi thường của những chính trị gia không có nguyên tắc đạo đức trong một thời gian dài. Đã đến lúc chúng ta thức tỉnh và nói thẳng với họ rằng đã quá đủ rồi."

Trong bối cảnh liên minh cầm quyền đang rạn nứt như vậy, Đại học Suan Dusit Rajabhat đã công bố kết quả cuộc thăm dò dư luận được tiến hành từ ngày 6 đến 8-6 sau khi Quốc hội bỏ phiếu bầu Thủ tướng mới. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận, phần lớn người dân Thái Lan (73,65%) tin rằng Chính phủ liên hiệp do đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân lãnh đạo sẽ không tồn tại hết nhiệm kỳ 4 năm. Số còn lại (26,35%) cho rằng chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-Cha sẽ hoàn thành nhiệm kỳ bởi Hiến pháp đã được sửa đổi để chính phủ mới tiếp tục thực hiện chức năng của Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia dưới sự hỗ trợ của 250 thượng nghị sỹ.

Với những gì đã và đang diễn ra ở Thái Lan hiện nay, khó ai có thể khẳng định một cách chắc chắn về tương lai chính trường quốc gia Đông Nam Á này.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chinh-truong-thai-lan-hau-bau-cu-lien-minh-cam-quyen-ran-nut-151644.html