Chính trường Thái Lan nóng trước giờ G

Ngày 13-7, Quốc hội Thái Lan sẽ bỏ phiếu để chọn một thủ tướng mới. Mọi quan tâm của người dân giờ đây đổ dồn vào việc đoán xem ai sẽ trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của đất nước.

Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng đối lập Move Forward (MFP) của Thái Lan, tại cuộc họp báo ở Bangkok ngày 18-5. Ảnh: AFP

Ứng viên sáng giá nhất gặp khó

Hai tháng kể từ khi đảng Tiến bước (MFP) giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Thái Lan, nhà lãnh đạo trẻ của đảng này, ông Pita Limjaroenra, đang đứng trước thử thách lớn: Đó là cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Thái Lan để quyết định xem ông có thể làm nên lịch sử hay không.

MFP, bằng những lời hứa cải cách lớn đối với nền kinh tế và cơ cấu quyền lực của đất nước, đã gây sốc cho các đối thủ khi giành được nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử Thái Lan hồi tháng 5 vừa qua, qua đó đưa ông Pita trở thành ứng cử viên sáng giá nhất trong cuộc đua để trở thành thủ tướng. Ông nhanh chóng liên kết với 7 đảng khác, bao gồm cả đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) đứng vị trí thứ hai với 141 ghế, để lập ra một liên minh tiềm năng cho việc thành lập chính phủ sau này.

Tuy nhiên, Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) ngày 12-7 đã chính thức chuyển lên Tòa án Hiến pháp vụ việc liên quan tới khiếu nại ông Pita có sở hữu cổ phần trong một công ty truyền thông, động thái khiến ông có nguy cơ bị gạt khỏi cuộc đua. EC cũng đã yêu cầu đình chỉ vai trò ứng viên Thủ tướng của ông Pita vì cho rằng ông Pita đã vi phạm quy định đối với các ứng cử viên tham gia tranh cử. EC cho biết có đủ bằng chứng để chứng minh ông Pita sở hữu 42.000 cổ phiếu của công ty truyền thông iTV khi ông đăng ký tham gia tranh cử. Theo Luật Thái Lan, công dân đang nắm giữ cổ phần tại các công ty truyền thông không được phép ứng cử hạ nghị sỹ. Nếu vi phạm, ứng cử viên có thể bị tước tư cách tranh cử, cấm hoạt động chính trị, thậm chí đối diện với án tù. Chính trị gia 42 tuổi này khẳng định ông không làm gì sai và số cổ phần trong iTV là do ông được thừa kế. Công ty này đã ngừng hoạt động từ năm 2007.

Quyết định của EC được đưa ra chỉ một ngày trước khi quốc hội Thái Lan bỏ phiếu bầu tân thủ tướng. MFP ngay lập tức phản ứng với động thái của EC, cáo buộc cơ quan này không tuân theo các quy định do chính mình đề ra, có dấu hiệu lạm quyền để vi phạm pháp luật.

Theo quy định của Thái Lan, ngay cả khi bị đình chỉ tư cách nghị sĩ, ông Pita vẫn có thể tranh cử thủ tướng, song động thái này của EC sẽ khiến ông Pita gặp nhiều khó khăn. Ông hiện vẫn còn thiếu 64 phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng của Quốc hội. Còn nếu bị xác định phạm luật, ông Pita có thể bị cấm hoạt động chính trị và đối mặt với án tù đến 10 năm.

Các kịch bản

Theo Hiến pháp Thái Lan, một ứng cử viên thủ tướng đắc cử sẽ phải nhận được ít nhất 376 phiếu bầu trong số 500 nghị sĩ và 250 thượng nghị sĩ. Liên minh 8 đảng do đảng MFP lãnh đạo hiện kiểm soát 312 ghế hạ viện và như vậy sẽ cần sự ủng hộ của ít nhất 64 phiếu bầu từ các thượng nghị sĩ hoặc nghị sĩ bên ngoài để đảm bảo cho nhà lãnh đạo MFP Pita trở thành thủ tướng. Tuy nhiên, việc có được 64 phiếu bầu không phải là điều dễ dàng. Cho đến thời điểm này, bản thân ông Pita cũng như liên minh của ông vẫn đang nỗ lực vận động. Nhưng trên thực tế, chính MFP cũng không chắc chắn liệu mình có nhận đủ phiếu bầu từ các thượng nghị sĩ vốn do chính quyền thân quân sự bổ nhiệm hay không, xuất phát từ quan điểm cấp tiến của đảng này liên quan đến cải cách quân đội và sửa đổi luật khi quân.

MFP giữ lập trường kiên quyết đối với việc thay đổi Mục 112 hoặc luật khi quân mà nhiều thượng nghị sĩ và ngay cả một số đảng trong số 8 đối tác trong liên minh tiềm năng phản đối. Có thể thấy, chính sách tranh cử cấp tiến của MFP là điểm thu hút cử tri Thái Lan mong muốn sự thay đổi của đất nước sau 9 năm dưới sự lãnh đạo của các tướng lĩnh quân đội, song giờ đây quan điểm này cũng đang trở thành rào cản ngăn ông Pita trong hành trình trở thành người đứng đầu chính phủ.

Nếu ông Pita không nhận được đủ số phiếu cần thiết, quốc hội Thái Lan có thể bỏ phiếu thêm vòng thứ hai và thứ ba, dự kiến diễn ra ngày 19 và 20-7. Trong trường hợp lãnh đạo MFP trải qua nhiều vòng bỏ phiếu vẫn không thể trở thành thủ tướng, việc thành lập liên minh có thể sẽ thay đổi. Với kịch bản này, có thẻ xảy ra 2 phương án. Một là, đảng Pheu Thai có thể đề cử một trong 3 ứng cử viên thủ tướng của họ là ông Srettha Thavisin và quốc hội có thể bỏ phiếu bầu ông Srettha làm thủ tướng. Thứ hai là, Pheu Thai sẽ dẫn đầu liên minh và bắt tay với các đối tác mới hoặc thậm chí thành lập một liên minh mới mà không có MFP. Khi đó, MFP có thể bị đẩy sang phe đối lập.

AN BÌNH

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố rút khỏi chính trường

Ngày 11-7, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tuyên bố rút khỏi chính trường sau 9 năm lãnh đạo đất nước. Trong tuyên bố được đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất (UTN) đưa ra, ông Prayut cho biết ông muốn từ bỏ chính trường và từ chức thành viên của đảng UTN. Trước đó, ngày 10-7, lãnh đạo đảng UTN Pirapan Salirathavibhaga cho biết đảng này sẽ không đề cử Thủ tướng sắp mãn nhiệm Prayut Chan-o-cha ra tranh cử thủ tướng trong cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 13-7 tới, mặc dù ông Prayut là ứng cử viên thủ tướng thứ nhất của đảng này.

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/chinh-truong-thai-lan-nong-truoc-gio-g-post280387.html