Chịu sức ép từ dư cung toàn cầu, giá dầu rơi ngưỡng 40 USD/thùng

Giá dầu tiếp tục đi xuống trong phiên 15/9 do triển vọng nhu cầu suy yếu khi nguồn cung dồi dào khiến các thương nhân bán tháo nhiên liệu.

Tuy nhiên, đà lao dốc của giá “vàng đen” trong phiên giao dịch này được hạn chế bớt nhờ kỳ vọng vào nỗ lực cân bằng nguồn cung - cầu khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, sẽ nhóm họp chính sách trong tuần này.

Giá dầu tiếp tục đi xuống trong phiên 15/9.

Giá dầu tiếp tục đi xuống trong phiên 15/9.

Cụ thể, giá dầu Brent giảm 3 xu Mỹ, tương đương 0,1%, xuống 39,58 USD/thùng, sau khi nhích nhẹ trong phiên trước đó. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ sụt 2 xu Mỹ, tương đương 0,1%, xuống còn 37,24 USD/thùng.

Hiroyuki Kikukawa - Giám đốc nghiên cứu của Nissan Securities, nhận định: “Thị trường nhiên liệu chịu áp lực suy yếu do các thương nhân đẩy mạnh bán tháo dầu mỏ trước thềm cuộc họp chính sách của nhóm OPEC+.

Theo ông Kikukawa, các nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp của Ủy ban giám sát cấp bộ trưởng (JMMC) nhóm OPEC+ vào ngày 17/9 tới để thảo luận về việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng, mặc dù giới phân tích không kỳ vọng liên minh này sẽ cắt giảm thêm nguồn cung khi giá dầu rơi xuống dưới 40 USD/thùng.

Giá dầu chịu áp lực đi xuống trong phiên này do những lo ngại về nhu cầu kéo dài khi OPEC tiếp tục giảm triển vọng tăng trưởng nhu cầu, cũng như khả năng có thêm nhiều dầu từ Libya.

Trong một báo cáo định kỳ hàng tháng công bố ngày 14/9, OPEC hiện dự báo nhu cầu dầu trong năm 2020 giảm 9,5 triệu thùng/ngày xuống còn 90,2 triệu thùng/ngày, nhiều hơn so với dự báo trước đó mất 9,1 triệu thùng/ngày.

OPEC cũng hạ triển vọng tăng trưởng nhu cầu trong năm 2021, do những tác động kéo dài của đại dịch Covid-19.

Libya đã đồng ý chấm dứt việc đình chỉ hoạt động các cơ sở sản xuất dầu tại nước này, nhằm giảm căng thẳng giữa các phe phái. Đại sứ quán Mỹ tại Libya hôm 12/9, cho biết Nguyên soái Khalifa Haftar đã cam kết sẽ chấm dứt việc phong tỏa các cơ sở dầu mỏ kéo dài nhiều tháng qua, song không rõ liệu các mỏ dầu và bến cảng có mở cửa trở lại hay không.

Động thái trên dự kiến sẽ bổ sung thêm nguồn cung cho thị trường dầu thế giới. Việc đình chỉ hoạt động đã khiến sản lượng dầu của Libya giảm từ hơn một triệu thùng mỗi ngày xuống còn dưới 100,000 thùng/ngày.

Nhà phân tích thị trường cao cấp Jeffrey Halley của OANDA nhận định động thái này sẽ gia tăng sức ép đối với cuộc họp diễn ra vào ngày 17/9 của nhóm OPEC+.

Cuộc họp này sẽ thảo luận về mức độ tuân thủ của các nước OPEC+ đối với thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu đã nhất trí trước đó.

Tuần trước, cả hai loại dầu này đều ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp.

Dẫu vậy, một cơn bão ở Vịnh Mexico đã khiến các khu khai thác và giàn khoan năng lượng trong khu vực đóng cửa, qua đó kìm hãm đà suy giảm của giá dầu và thúc đẩy giá khí thiên nhiên.

Tính đến chiều ngày 14/9, Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ dự báo bão Sally sẽ tiếp cận Đông Nam Louisiana vào tối nay và đổ bộ vào đất liền vào ngày thứ Ba với khả năng xảy ra lũ quét đe dọa tính mạng dọc theo bờ Vịnh Gulf Coast./.

Nguyễn Thu (Theo Reuters)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chiu-suc-ep-tu-du-cung-toan-cau-gia-dau-roi-nguong-40-usdthung-396185.html