Chợ âm dương miền Kinh Bắc

Xuất hiện cách đây cả ngàn năm, phiên chợ Âm Dương trong Lễ hội truyền thống làng Ó, nay là khu phố Xuân Ổ A, phường Võ Cường (thành phố Bắc Ninh) là một sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian của người dân vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh. Hòa vào không gian phiên chợ tâm linh độc đáo này, mọi người đều tin rằng sẽ gặp được linh hồn người thân đã khuất, những rủi ro, phiền muộn được xua tan, những điều may mắn sẽ đến.

Mỗi năm chợ Âm Dương họp một lần vào đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 Tết Nguyên đán. Mặt hàng được mua bán nhiều nhất trong chợ là gà đen và các đồ vật tế lễ. Chợ không thắp đèn, người mua, kẻ bán không mặc cả, không đếm tiền, không cười nói ồn ào sợ làm ảnh hưởng đến những linh hồn đã khuất. Ngay ở cổng chợ, người ta đặt một chậu nước để thử tiền âm dương...

Vắng bóng từ hàng trăm năm trước, phiên chợ Âm Dương làng Ó chỉ còn trong ký ức của các thế hệ người dân qua truyền ngôn. Kể rằng, chợ Âm Dương có từ những năm 40 sau Công nguyên, là phiên chợ tâm linh độc đáo nhất xứ Kinh Bắc. Bấy giờ, trong vùng diễn ra cuộc chiến ác liệt của Hai Bà Trưng chống quân Hán và đã có rất nhiều người bị chết trong các cuộc giao tranh ấy. Người dân khắp mọi nơi về đây tìm người thân, nhất là các bà mẹ họ xuôi thuyền về bến Lái (bên dòng Tiêu Tương cổ) mua vàng mã, hương nến, trầu cau để làm lễ cho vong hồn người thân của mình được siêu thoát; cũng là được hội ngộ âm dương bằng tâm tưởng, từ đó giải tỏa về mặt tâm lý cho những người đang sống để khi ra về tâm hồn được thanh thản, nhẹ nhõm... Dần dần, người dân quan niệm, cửa âm phủ một năm chỉ mở một lần vào đêm mồng 4, rạng ngày mồng 5 tháng Giêng cho người âm lên gặp người thân của mình trên trần gian. Từ đó chợ Âm Dương làng Ó hình thành với nhiều ý nghĩa nhân văn, trong đó giá trị nổi bật là thể hiện đạo lý, lối sống, ứng xử nhân văn của người đang sống với người đã khuất, giữa thế giới dương và âm.

Trong Nghị quyết của BCH Đảng bộ thành phố Bắc Ninh về “Tăng cường phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống thành phố Bắc Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định việc tái hiện phục dựng phiên chợ Âm Dương làng Ó là một nhiệm vụ trọng tâm. Chính vì vậy, kể từ mùa xuân Nhâm Dần 2022, phiên chợ Âm Dương làng Ó đã được chính quyền và nhân dân địa phương phục dựng. Qua 2 năm tổ chức đã có rất nhiều người tìm đến chợ Âm Dương làng Ó để mua may bán rủi, bày tỏ nỗi nhớ quê hương và tri ân những người thân đã khuất. Kết quả bước đầu này mang lại niềm tin, hy vọng trong nhân dân và du khách về một điểm đến văn hóa du lịch tâm linh đặc sắc, nhân văn, huyền bí và kỳ diệu. Việc phục dựng phiên chợ Âm Dương là một nỗ lực mang tầm nhìn của địa phương trong công tác bảo tồn, giữ gìn một sinh hoạt văn hóa đặc sắc, độc đáo, riêng có ở vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh, đồng thời đáp ứng nguyện vọng, niềm mong mỏi của cộng đồng người dân địa phương.

Cảnh bán mua ở chợ Âm Dương làng Ó diễn ra thì thào trong ánh nến leo lét.

Nhằm tiếp tục bảo tồn phục dựng và phát triển các giá trị văn hóa độc đáo của lễ hội truyền thống khu phố Xuân Ổ A, đồng thời huy động nguồn lực tham gia các hoạt động sáng tạo và xây dựng đời sống văn hóa, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa phát triển, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển, UBND thành phố Bắc Ninh đã chỉ đạo tổ chức Lễ hội khu phố Xuân Ổ A và hoạt động Phiên chợ Âm Dương năm 2024 quy mô cấp phường.

Đến nay, UBND phường Võ Cường đã hoàn thiện xây dựng kế hoạch nội dung chương trình kịch bản và kiện toàn Ban Quản lý di tích, thành lập Ban Tổ chức lễ hội, các Tiểu ban phục vụ lễ hội, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên tham gia. Theo kế hoạch, phiên chợ Âm Dương làng Ó năm 2024 gồm các hoạt động chính: Lễ tuyên văn khai hội mở chợ; hoạt động cầu siêu cho các linh hồn đã khuất, thể hiện sự thương nhớ khôn nguôi của người sống đối với thân nhân đã qua đời; lễ phát lộc diễn ra vào đúng 12 giờ đêm ngày mồng 4 Tết... các hoạt động trải nghiệm, trao đổi hàng hóa “mua may, bán rủi” theo nghi thức chợ Âm Dương xưa tại khu vực Bãi Hồ. Bên cạnh đó là các lán Quan họ với sự tham gia diễn xướng giao duyên giữa liền anh, liền chị các làng Quan họ: Đào Xá, Thị Cầu, Ném, Đống Cao, Bựu, Lim, Hòa Đình, Khả Lễ, Bồ Sơn, Viêm Xá... Hiện nay các CLB Quan họ đang tích cực luyện tập chờ đến ngày.

Các mặt hàng bày bán trong phiên chợ âm dương năm 2024 dự kiến phong phú và đa dạng hơn. Cùng với mặt hàng đặc trưng là gà đen mang biểu tượng tâm linh, còn có hàng mã, hương nến, rượu, trầu cau, muối, bật lửa, hoa, cây, hạt giống và các loại hoa quả như gấc, cà chua, đu đủ, cà rốt... Ngoài ra còn bổ sung bày bán đồ lưu niệm, các giỏ quà lễ, hoa, một số nông cụ, cây cảnh, cuốc, xẻng, đồ thủ công mỹ nghệ, ẩm thực truyền thống của địa phương, sản phẩm OCOP của thành phố như: Bánh ngũ sắc, kẹo lạc, bánh giò; một số sản phẩm thiết yếu khác như quần áo, giầy dép...

Để Lễ hội làng Ó và phiên chợ Âm Dương năm 2024 được tổ chức trang trọng, an toàn, lành mạnh, văn minh, Ban Tổ chức đã và đang chuẩn bị các phương án quy hoạch sắp xếp khu vực hàng quán, dịch vụ đảm bảo gọn gàng, mỹ quan. Yêu cầu các hộ kinh doanh tham gia lễ hội chấp hành nội quy, quy định, niêm yết công khai giá các mặt hàng, dịch vụ, không chèo kéo, ép giá khách và nghiêm cấm mua bán ấn phẩm văn hóa, tiền nhái polime chưa được phép lưu hành. Các chủ kinh doanh cần có thái độ ứng xử, phục vụ khách văn minh, lịch sự, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường chung...

TK (Theo baobacninh.com.vn)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nhin-ra-tinh-ban/cho-am-duong-mien-kinh-bac/209416.htm