Chớ chủ quan khi viêm họng, viêm thanh quản

Viêm họng, viêm thanh quản là các bệnh thường gặp về đường hô hấp do nhiều yếu tố như thời tiết, môi trường, đặc thù công việc…

Tuy nhiên, nhiều người thường chủ quan không chữa hoặc tự mua thuốc điều trị. Điều này cực kỳ nguy hiểm bởi nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể chyển thành mạn tính và là yếu tố thuận lợi hình thành các khối u ở thanh quản (đối với bệnh viêm thanh quản); viêm khí quản, viêm khớp, viêm thận nếu chủ quan không điều trị viêm họng kịp thời.

Ảnh minh họa

Đa phần bệnh viêm thanh quản không gây nguy hại cho sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống do viêm thanh quản ảnh hưởng đến giọng, phương tiện giao tiếp chủ yếu của con người. Khi bị viêm thanh quản, dây thanh khép không kín khi phát âm nên lượng không khí từ phổi đi ra mất gấp 3 lần bình thường và làm các cơ hô hấp phải gắng sức. Chính vì vậy, người bị viêm thanh quản sẽ nhanh mệt khi nói. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh viêm thanh quản có thể chuyển thành mạn tính và là yếu tố thuận lợi để hình thành các khối u ở thanh quản, nhất là ở nam giới.

Trong khi đó, viêm họng là một dạng bệnh viêm nhiễm gây đau cổ họng phổ biến thường xuất hiện vào mùa lạnh. Người bệnh sẽ có cảm giác vô cùng khó chịu khi cổ họng của mình đau hoặc rát, đặc biệt là khi nuốt.

PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào, Khoa Tai mũi họng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, bệnh có thể xuất hiện đột ngột ngay sau khi ăn thực phẩm lạnh, tắm nước lạnh, hứng một luồng khí lạnh của điều hòa, ngoài trời vào vùng đầu mặt cổ hoặc sau một đợt viêm mũi họng có chảy dịch mũi sau xuống cổ.

“Viêm thanh quản gây khàn tiếng có thể kèm ho, đau họng, khó thở thanh quản (khó thở thì thở vào, khó thở chậm và có tiếng rít thì thở vào), nói đau tức vùng giữa cổ và nói chóng mệt. Viêm họng do vi-rút, người bệnh có cảm giác ớn lạnh, gai rét kèm theo đau mỏi người. Hội chứng nhiễm khuẩn sẽ gây sốt, môi khô, lưỡi bẩn, cảm giác khô họng, rát họng, đau họng, nuốt đau nhói lên tai, ho khan trong giai đoạn đầu sau đó ho có đờm (viêm họng do vi khuẩn)”, PGS. TS Bích Đào nói.

Nguyên nhân gây ra bệnh này theo bà Đào là do sự thay đổi nhiệt độ vùng họng, thanh quản. Theo đó, bệnh có thể gặp lúc nóng khi sự chênh lệch nhiệt độ giữa môi trường và cơ thể. Sự thay đổi diễn ra đột ngột nên niêm mạc họng thường chưa đủ thời gian để làm ấm như chức năng vốn có, đồng thời làm thay đổi môi trường sống của một số loại vi khuẩn cơ hội trong họng và thanh quản, nhanh chóng gây bệnh. Ngoài ra, bệnh cũng có thể gặp vào thời tiết giao mùa hoặc mùa đông khi chúng ta ra ngoài mà không giữ đủ ấm cho cơ thể.

Một nguyên nhân khác cũng là “thủ phạm” gây bệnh chính là vi-rút. Bởi theo PGS. TS Bích Đào, họng là cửa ngõ của đường ăn và đường thở nên rất dễ nhiễm khuẩn. “Viêm họng, thanh quản do nấm cũng hay gặp trong mùa hè do thời đại công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, thói quen sử dụng điều hòa ngày càng phổ biến. Nếu điều hòa không được vệ sinh thường xuyên thì đây sẽ là một yếu tố thuận lợi làm cho nấm phát triển và phát tán vào không khí trong nhà, khi niêm mạc họng suy yếu nấm sẽ gây ra viêm họng hoặc viêm thanh quản”, bà Đào nhấn mạnh.

Để phòng ngừa, PGS. TS Bích Đào cho rằng người bệnh cần được đi khám đề tùy vào mức độ bệnh có những phác đồ điều trị kịp thời. Thông thường bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng kháng sinh, kháng viêm đường uống, hạ sốt, giảm đau, giảm phù nề, chống dị ứng... Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định làm khí dung họng - thanh quản bằng hỗn hợp dung dịch thuốc kháng sinh, chống viêm, chống phù nề tại các cơ sở y tế.

“Bên cạnh đó người bệnh cần giữ ấm, chườm nóng vùng cổ là rất cần thiết, uống nước giá đỗ luộc nóng, uống trà gừng, ngậm chanh đào ngâm mật ong... để hỗ trợ điều trị. Hạn chế nói trong 3-5 ngày; súc họng bằng nước có thành phần là chất kiềm nhẹ NaHCO3, muối sinh lý...

Ngoài ra, mỗi nhà cần sử dụng điều hòa đúng cách, giữ ấm vùng cổ khi sử dụng nhiệt độ điều hòa thấp dưới 26 độ. Khi sử dụng thực phẩm nên chú ý đừng để quá lạnh nhất là những người có cơ địa dị ứng.

Một đặc điểm cần lưu ý ở viêm thanh quản cấp là nếu viêm thanh quản xảy ra ở trẻ dưới một tuổi rất cẩn trọng bởi niêm mạc thanh quản trẻ em rất dễ phù nề, nhất là vùng dưới niêm mạc nên hay gặp khó thở thanh quản nặng. Trường hợp viêm thanh quản đi kèm với phù nề ở vùng hạ thanh môn gây khó thở dữ dội, có khả năng mở khí quản thì cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn và điều trị kịp thời”, PG, TS Bích Đào lưu ý.

HUYỀN ANH (Kiến thức gia đình số 45)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cho-chu-quan-khi-viem-hong-viem-thanh-quan-post230089.html