Chớ chủ quan với trầm cảm sau sinh

Một nghiên cứu do Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCHIP) phối hợp với Bộ Y tế thực hiện vừa được công bố cho thấy, tại Việt Nam cứ 4 phụ nữ mang thai thì có 1 người có thể bị trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác trong vòng một năm sau sinh.

Áp lực có con trai

Bạo lực gia đình và áp lực phải có con trai để nối dõi tông đường là những nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ trầm cảm đối với phụ nữ sau sinh. Trong những trường hợp nghiêm trọng, điều này có thể dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự tử ở người mẹ hoặc gây tổn hại cho con. Có tới 6,2% phụ nữ bị bạo lực do chồng đã sinh non và 4,9% sinh con nhẹ cân.

Một phụ nữ trầm cảm sau sinh sát hại con ở Hà Nội gây chấn động

Ở nước ta có hơn 1/3 phụ nữ mang thai bị bạo lực nhưng có gần một nửa số trường hợp không thông báo cho người khác. Phụ nữ sinh con gái một bề có nguy cơ bị bạo lực do chồng trong quá trình mang thai gấp gần 2 lần so với phụ nữ có con trai.

Bạo lực tinh thần là hình thức phổ biến nhất đối với phụ nữ mang thai, chiếm 32,2%, tiếp theo là bạo lực tình dục 9,8% và bạo lực thể xác 3,5%. Đây là những yếu tố dẫn đến trầm cảm sau sinh, tuy nhiên chính bản thân người trong cuộc cũng không có kiến thức về căn bệnh này.

Ths Phạm Kiều Linh (Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số) cho biết: Kết quả nghiên cứu của CCIHP tại Hà Nội và một số cán bộ y tế ở Sơn La, Bắc Ninh cho thấy hầu hết phụ nữ mang thai, sau sinh không biết về trầm cảm khi mang thai và sau sinh, trước khi mang thai, sinh con. Chỉ đi khám khi có các biểu hiện nặng như trông thất thần, đờ đẫn, chậm chạp, ảnh hưởng thể chất nặng (không ăn, không ngủ), mâu thuẫn nghiêm trọng với người thân trong gia đình, làm tổn thương con (thả rơi con xuống giường)… Cùng đó, họ không có thông tin về dịch vụ như đi khám chữa ở đâu, lẫn lộn giữa tâm thần, thần kinh và tư vấn tâm lý.

“Em đưa con đi khám có kể cho bác sỹ nhi về việc mất ngủ, sợ con chết và hay nói linh tinh như "anh đừng đi làm, không tối về không gặp được con đâu", thì bác sỹ khuyên đi khám. Chị ấy bảo khám ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương, nhưng vợ chồng em đến đó hoảng sợ quá nên chồng em đưa vào khoa thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai”, một phụ nữ 40 tuổi sinh con lần 3, bị trầm cảm sau khi sinh con thứ 2 chia sẻ.

Ngại đến bệnh viện vì sợ... điên

Mặc dù đây là một thực tế tuy nhiên nhiều người vẫn không thừa nhận có bệnh trầm cảm khi mang thai/sau sinh và cho rằng đó là tính khí bất thường, “chửa tí đã làm nũng”, lười không chăm con… dẫn đến thể hiện thái độ khó chịu, mắng mỏ bỏ mặc hoặc “không thèm chấp”.

Trong khi đó, Ths Linh cũng cảnh báo do cộng đồng mặc cảm, định kiến với “tâm thần” nên không đi khám kể cả khi được bác sỹ chỉ định đi khám tâm thần, điều này dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Đã có những sản phụ giết chết con cũng chỉ vì mắc chứng bệnh này. “Bằng chứng là nhóm nghiên cứu được một cô gái 28 tuổi mang thai lần thứ 2 tự nhận bị trầm cảm bày tỏ: Em ngại đến bệnh viện hay cơ sở y tế gì gì lắm, nhỡ người ta nghĩ mình điên", Ths Linh chia sẻ.

Chung quan điểm này, TS. Dương Minh Tâm, Trưởng Phòng điều trị các rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương cho biết: Trầm cảm sau sinh có hình chóp nón, bệnh nhân khi đã ở đỉnh mới đến bệnh viện còn ở cộng đồng người bệnh không được tư vấn, chăm sóc. Bệnh nhân đến với chúng tôi thường đã nặng, đã xảy ra hậu quả đáng tiếc. Việc điều trị triệu chứng thì dễ nhưng còn nguyên nhân cần điều trị tận gốc là cộng đồng chưa quan tâm, chưa nhận thức đủ.

Để ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, Ths Linh khuyến cáo, phụ nữ mang thai và sau sinh cần được sàng lọc và phát hiện trầm cảm, từ cấp độ cá nhân, gia đình, cộng đồng và y tế cơ sở. Các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và hỗ trợ phụ nữ mang thai và sau sinh trầm cảm cần có sự kết nối và được phổ biến rộng rãi.

Theo bác sỹ Phạm Vũ Thiên, Phó Giám đốc CCHIP, biểu hiện của bệnh dễ nhận thấy là: Buồn chán, bi quan, mất đi niềm vui hoặc mất sự quan tâm - đặc biệt là không quan tâm đến con cũng như những điều mà họ thường thích thú, quan tâm, bao gồm cả ham muốn tình dục.

Lo lắng và hoảng loạn, sợ hoặc cho rằng bản thân không thể làm một người mẹ tốt, sợ bị bỏ rơi một mình với đứa trẻ, sợ bị người khác giành quyền chăm sóc con. Kích động và có nhũng suy nghĩ tiêu cực, đặc biệt có ý định tự làm tổn thương bản thân hoặc đứa con. Cảm thấy tội lỗi và tự lên án bản thân cho rằng bản thân không có giá trị hoặc tự trách mình (đặc biệt với những người có con ngoài ý muốn, sinh con trước khi kết hôn, đơn thân)...

HUYỀN ANH

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/cho-chu-quan-voi-tram-cam-sau-sinh-post201867.html