Chó đã làm bạn với con người từ ít nhất 23.000 năm trước

Trước cả khi có gạo nấu cơm, con người đã quấn quít bên loài động vật bốn chân giàu tình cảm.

Theo kết quả phân tích mẫu ADN của cả người và chó, ta thấy con vật trung thành đã song hành cùng con người khi giống linh trưởng bậc cao lần đầu tiên đặt chân tới Châu Mỹ. Nhận định mới mở ra khả năng con người đã thuần hóa chó vào khoảng 23.000 năm trước tại Siberia; ở vùng đất lạnh giá, một nhóm nhỏ của sói và người đã cố gắng sống sót qua sự kiện Cực đại Băng hà Cuối cùng (Last Glacial Maximum - LGM) để rồi trở thành bạn.

Câu chuyện hai loài

Giới nghiên cứu vốn đồng tình với quá trình tiến hóa từ sói sang chó, nhưng hai câu hỏi “khi nào” và “ở đâu” vẫn chưa có cho mình câu trả lời thỏa đáng. Đó là lý do nhà khảo cổ học Angela Perri và đội ngũ của cô sử dụng bản đồ gen để khoanh vùng các khả năng lại.

Bởi bộ gen bao gồm những đột biến nhỏ, ngẫu nhiên xuất hiện theo một tốc độ dự đoán được, các nhà nghiên cứu có thể so sánh các bộ gen và chỉ ra được đâu là thời điểm loài động vật tách nhánh trên cây tiến hóa. Perri và các cộng sự sử dụng bộ gen đã được giải trình tự của chó cổ đại và chó hiện đại để xác định thời điểm chúng tách khỏi chó hoang hay bắt đầu lai với giống khác. Họ cũng áp dụng quá trình nghiên cứu tương tự với gen người.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Không thể phân biệt hài cốt cổ đại có hình chó là chó hay là sói. Khung xương, bộ gen, khẩu phần ăn giống nhau tới mức các nhà khảo cổ không thể phân biệt hai loài. Hài cốt động vật được khẳng định chắc chắn là chó có niên đại 15.000 năm tuổi, được tìm thấy ở nơi mà ngày nay là nước Đức.

Kết quả cho thấy cư dân khu vực miền bắc Siberia đã thuần hóa chó vào thời điểm hơn 23.000 năm trước. Cô Perri và nhóm nghiên cứu của mình nhận thấy các nhóm chó và người thường sống tách biệt và cùng chung sống ở những khung thời gian và địa điểm trùng nhau, từ đó họ tạo ra một bản đồ gen mô tả lại chuyến hành trình bên nhau của người và chó trong suốt thời gian dài. Một trong những sự kiện như thế diễn ra vào khoảng 16.000 năm trước, cho thấy những người đầu tiên đặt chân tới Châu Mỹ đã có chó chạy bên.

Người nay cũng giống người xưa, cũng dắt chó đi chơi khắp nơi

Một trong những sự kiện sống tách biệt lớn nhất trên cả hai loài, chó và người, diễn ra vào khoảng thời gian giữa 15.000 và 16.000 năm trước. Các bằng chứng khảo cổ cho thấy vào thời điểm này, con người đang tìm đường xuống Nam Mỹ bằng những lối dọc bờ biển Thái Bình Dương - là mép dải băng vĩnh cửu khổng lồ đang phủ lên hầu hết lục địa lớn.

Cùng thời điểm này, có một giống chó mới tách nhánh ra từ chó Bắc Cực (vốn bao gồm cả giống husky Siberia hiện đại ). Chúng được gọi là nhóm đơn bội A2b, dòng dõi bao gồm tất cả các cá thể cái là tổ tiên của chó bản địa Bắc Mỹ. DNA trong ty thể (mtDNA) của chó cổ đại và chó hiện đại cho thấy tổ tiên chung cuối cùng của nhóm đơn bội A2b là giống husky Siberia, sự kiện diễn ra ở thời điểm 16.400 năm trước và cũng là lúc con người đang đi qua “cầu đất liền Bering” - một dải đất tồn tại trong thời tiền sử nối liền Châu Âu và Châu Mỹ có tên riêng là “Beringia”.

Khung thời gian [của việc xuất hiện giống chó mới] hoàn toàn trùng khớp với việc những người đầu tiên đặt chân tới Châu Mỹ”, nhóm nghiên cứu viết trong báo cáo.

Đáng buồn là các nhà khoa học không còn tìm thấy nhiều giống chó thuộc dòng dõi nhóm đơn bội A2b còn tồn tại ở Châu Mỹ.

Vẫn còn những con chó mang chút dấu vết gen của dòng dõi này, ví dụ như Chó Carolina, một vài giống Chihuahua, nhưng đa phần chó tại Châu Mỹ ngày nay đều có bộ gen giống chó Châu Âu”, đồng tác giả nghiên cứu Kelsey Witt Dillon, một nhà sinh học phân tử công tác tại Đại học Brown nói với ArsTechnica.

Chó cùng một mẹ chớ hoài cắn nhau?

Tương tự như cách người dân bản địa Châu Mỹ bị sát hại bởi dân Châu Âu bằng chiến tranh hay bệnh tật ngoại lai, nhiều khả năng chó bản địa cũng là nạn nhân của các thực dân Châu Âu và cũng lây bệnh từ chó Châu Âu”, cô Dillon nói. “Và khi người Châu u mang một lượng lớn chó tới đây, giống chó u dần thay thế dòng dõi chó cổ đại”.

Tuy vậy, mtDNA của chó cổ đại cho thấy khi những cá thể đầu tiên vượt cầu đất liền Bering tới lục địa mới, họ đã mang chó theo. Chó vốn giúp con người săn bắt, lần dấu con mồi và bảo vệ cư dân tại khắp các nhóm người sống tại đại lục địa Á-Âu, chắc chắn những con vật trung thành này cũng đã giúp những cư dân đầu tiên của Châu Mỹ tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt.

Chó có thể đóng góp một phần nhỏ trong tổ hợp công cụ giúp con người phân tán khắp Bán Cầu Bắc”, nhà nghiên cứu Perri và cộng sự viết.

Thả chó!

Trong vài ngàn năm trước khi người cổ đại đặt chân tới Châu Mỹ, những cá nhân dũng cảm dám khám phá miền đất mới và những con chó trung thành của họ đã sống tại Siberia của Kỷ Băng hà. DNA lấy từ các khu khai quật cho thấy có nhiều nhóm người với nhiều bộ gen khác nhau sống tại nơi đây, nhưng có vẻ họ đã ngừng việc trao đổi gen vài ngàn năm trước khi những người đầu tiên đi qua cầu đất liền Beringia. Các chuyên gia về gen cổ đại gọi đây là Điểm dừng Beringia - Beringia Standstill.

Nếu những người Châu Mỹ đầu tiên (mà khoa học gọi là Tổ tiên Người Châu Mỹ Bản địa) có nuôi chó, khả năng cao họ đã làm bạn với giống bốn chân này trước khi sự kiện Điểm dừng Beringia bắt đầu diễn ra. Dựa trên các bằng chứng trong DNA, các nhà khoa học cho rằng sự kiện này kéo dài trong khoảng từ 2.400 năm cho tới 9.000 năm trước.

Châu Âu và Châu Mỹ đã từng nối liền nhau thông qua cầu đất liền Beringia.

Dù vậy, trước thời điểm xảy ra Điểm dừng Beringia, người bản địa Bắc Mỹ đã trao đổi DNA với một nhóm được gọi là Người Cổ đại Bắc Siberia. Thực tế, hai nhóm người này đã có với nhau một lịch sử dài: Tổ tiên Người Châu Mỹ Bản địa đã tách nhánh khỏi Người Cổ đại Bắc Siberia từ 24.000 năm trước, nhưng trong khoảng thời gian từ thời điểm này tới khi Điểm dừng Beringia diễn ra, hai nhóm thỉnh thoảng vẫn lai giống qua lại.

Trong khi đó, các bộ gen của chó cổ đại cho thấy nhóm đơn bội A2 - nhánh bao gồm nhóm đơn bội A2b của Bắc Mỹ lẫn husky Siberia - đã tách khỏi cây phả hệ của chó khoảng 22.800 năm trước, ngay gần thời điểm dân số thế giới phân tách khi Kỷ Băng hà diễn ra. Chúng đi đâu nếu như không phải về sống chung với những cụm dân cư biết nhóm lửa ấm và có thức ăn thừa?

Theo nhận xét của cô Perri và các cộng sự, thì số bằng chứng DNA này chỉ ra rằng: Người Cổ đại Bắc Siberia đã thuần hóa chó từ 23.000 năm trước. Khi Tổ tiên Người Châu Mỹ Bản địa tách ra thành nhóm người riêng, họ mang theo chó khi di cư. Vài ngàn năm sau, hậu duệ của những con chó này và hậu duệ của những người chủ cùng băng qua cầu đất liền Beringia để tới Bắc Mỹ.

Khoa học có đủ bằng chứng để chứng minh giả thuyết này. Xác của chó cổ đại từ khu khai quật Afontova Gora tại Siberia có thể vẫn còn mtDNA để lấp đầy khoảng trống trong lịch sử loài chó. “Để tính được bước tiếp theo, hiện tại chúng tôi mong có thể giải trình tự thêm những bộ gen khác nữa, đặc biệt là của chó tới từ Siberia và gần khu vực Beringia, để khoanh vùng khoảng thời gian thuần hóa chó và làm rõ thời điểm chó di cư tới Châu Mỹ”, nhà nghiên cứu Witt Dillon nói.

Công cụ khai quật được tại Afontova Gora.

Còn một bằng chứng nữa cho thấy Người Cổ đại Bắc Siberia là những người đầu tiên thuần hóa chó. Cũng giống Tổ tiên Người Châu Mỹ Bản địa, nhiều nhóm người ở miền Tây Lục địa Á-Âu cũng “trao đổi gen” với Người Cổ đại Bắc Siberia. Những tương tác giữa hai nhóm người có thể giải thích bằng cách nào chó tới được Trung Âu cũng vào khoảng thời gian chúng tới được Châu Mỹ.

Tôi nói điều này dựa trên trải nghiệm lâu đời nhưng không có tính khoa học của một người nuôi chó: chúng rồi sẽ chạy rông! Vậy nên ngay cả khi tương tác giữa người và vật có ngắn, tôi vẫn có thể mường tượng ra cảnh chó chạy theo những đứa trẻ thuộc nhóm người mà chúng vừa gặp”, đồng tác giả nghiên cứu David Meltzer, một nhà khảo cổ học công tác tại Đại học Giám lý Miền Nam, nói với ArsTechnica.

Kẻ sống sót thân thiện nhất

Những khu vực khảo cổ tại Siberia có niên đại từ thời Cực đại Băng hà Cuối cùng không có nhiều, chúng chủ yếu cho thấy cách sống tập trung và cô lập của những bộ lạc nhỏ. Khu vực bình nguyên của Kỷ Băng hà không hỗ trợ được nhiều cụm dân cư lớn, và khi sự kiện Điểm dừng Beringia diễn ra, thì việc kết nối giữa các nhóm người gần như không có.

Dựa trên các bằng chứng về gen, về khảo cổ và về thời tiết thời cổ đại, ta thấy khả năng rất cao nhiều nhóm người nhỏ tụ tập lại với nhau ở vùng Siberia để nâng cao khả năng sinh tồn: họ tập trung tại các khu vực nhỏ được gọi là các “refugia”, là những nơi có địa hình và khí hậu dễ sống hơn những vùng khác. Những refugia này đủ khả năng hỗ trợ sự sống cho một số loài thực vật, từ đó thu hút những loài động vật ăn cỏ sẽ trở thành nguồn thức ăn, da thú và công cụ cho những nhóm người nhỏ nơi đây.

Điều kiện khí hậu khắc nghiệt có thể đã đưa người và sói lại gần lại với nhau trong những refugia, bởi lẽ cả hai loài đều săn chung một loại mồi”, cô Perri và cộng sự viết trong báo cáo nghiên cứu. Sói và người sống tương đối gần nhau, đều vất vả mưu sinh với những lo lắng riêng của mình. Brian Hare, nhà nghiên cứu về nhận thức của họ nhà chó mô tả sự kiện xảy ra tiếp theo là “kẻ sống sót thân thiện nhất - survival of the friendliest”.

Đã từ ngàn xưa, con người chúng ta yếu lòng trước khuôn mặt dễ thương này.

Có lẽ, người và sói thay phiên “ăn thừa” đồ của nhau, một số con sói đủ dũng cảm đã mò mẫm lại gần khu vực người cắm trại để bới rác. Tuy nhiên, không nhóm săn bắt hái lượm nào lăm lăm giáo nhọn trong tay lại chịu để cho một sinh vật hung tợn làm ảnh hưởng tới trật tự khu sinh sống được, nên những con sói dám tấn công người chắc chắn sẽ không thọ.

Sau cả ngàn năm bới rác, sói cũng khôn ra dần và gây dựng được đủ thiện chí để không tấn công nhóm người vẫn đang nuôi lớn chúng. Đủ thân thiện, những con sói này đã sống sót. Và vào khoảng thời gian nào đó ở 23.000 năm về trước, những con sói thân thiện này tiến hóa thành bạn hữu thân nhất mà loài người, cả cổ đại lẫn hiện đại, có diễm phúc làm bạn cùng.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra một điểm chung nữa giữa các loài động vật hoang dã: sói, cáo hay thậm chí cả gia súc và lợn khi được thuần hóa, ngoại hình chúng đều có biến đổi lớn. Những đốm trên người, tai cụp xuống và đuôi cong dần đi là những xu hướng chung, bên cạnh tính tò mò và sự thân thiện tỏ ra trước những sinh vật đi hai chân khôn khéo. Đó là lý do tại sao chó hiện đại lại có vẻ ngoài thân thiện hơn hẳn sói Kỷ Băng hà.

Theo Báo Tổ quốc

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/cho-da-lam-ban-voi-con-nguoi-tu-it-nhat-23-000-nam-truoc/20210228102611982