Chợ đầu mối ở TP.HCM bị chợ tự phát 'bao vây'

Các chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn đang chung cảnh ngộ bị chợ tự phát bên ngoài 'bủa vây', khiến các tiểu thương trong chợ bất bình đồng thời gây khó khăn cho công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đêm 25/1, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cùng đoàn công tác tiến hành kiểm tra nguồn cung hàng hóa và khảo sát chất lượng an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) và chợ Hóc Môn (huyện Hóc Môn).

Theo ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, khó khăn hiện nay của chợ là tình trạng buôn bán tự phát xung quanh khu vực vẫn diễn ra phức tạp. Giá cả hàng hóa như trong chợ đầu mối nhưng do thuận tiện nên khách vẫn tấp nập.

Điều này dẫn đến tình trạng bất công cho các tiểu thương ở chợ đầu mối, đồng thời gây khó khăn cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cùng đoàn công tác khảo sát tình hình thực tế tại chợ đầu mối Bình Điền.

Do đó, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền đề xuất lãnh đạo các cấp xem xét, chỉ đạo thực hiện giải tỏa dứt điểm nhằm đảm bảo chợ Bình Điền hoạt động công bằng, ổn định và phát triển.

Tương tự, chợ đầu mối Hóc Môn cũng thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong chợ nhưng nhưng bên ngoài còn nhiều bất cập cũng do nạn buôn bán tự phát.

Ông Lê Văn Tiển, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ Hóc Môn cho biết: “Khi xảy ra sự cố, nhiều người mua hàng bên ngoài chợ lại đổ cho chợ đầu mối bán hàng kém chất lượng, không đạt an toàn thực phẩm. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay, tình trạng trên vẫn chưa được cải thiện”.

Dọc theo các tuyến đường Nguyễn Thị Sóc, quốc lộ 22, đường số 3, đường số 4 và đường số 12 hình thành chợ tự phát “bao vây” chợ đầu mối. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, lề đường, mua bán bát nháo không bảo đảm an ninh trật tự vẫn tiếp diễn.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Văn Dũng cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương cần có giải pháp xử lý các tồn tại.

Phó chủ tịch TP. HCM cũng lưu ý 21 quận, huyện và 312 xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP.HCM phải phối hợp với ngành chức năng để kiểm soát giá cả, an toàn thực phẩm của hàng hóa tại địa phương.

Ông Dũng yêu cầu ban quản lý chợ chuẩn bị nguồn lực hàng hóa, kiểm tra giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng đầu cơ, ghim hàng để làm biến động giá cả.

“Phải nỗ lực giữ vững giá cả. Dĩ nhiên giá cả ngày Tết khó như ngày thường nhưng sự tăng giá phải nằm trong kiểm soát của các cơ quan chức năng như kế hoạch”, ông lưu ý.

Thông tin về tình hình mua bán hàng hóa dịp cận Tết, đại diện Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, những tháng cuối năm 2023 đến nay, giá cả các mặt hàng nông sản giữ ở mức ổn định, không có hiện tượng tăng đột biến, dự kiến biến động tăng nhẹ vào thời điểm cận Tết (từ 25 đến 28 tháng Chạp).

Theo đó, cá thu, cá ngừ, tôm sú sống, mực tươi, quýt đường, cải thảo sẽ tăng giá từ 10-20%. Một số mặt hàng hoa tươi cao cấp như hoa ly, hoa huệ đỏ, cẩm chướng tăng giá gấp 2-3 lần so với bình thường.

Trong tuần cận Tết, sản lượng hàng hóa nhập chợ có thể tăng bình quân với mức 20-35% so với ngày thường, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm nhất (dự kiến từ 26 và 27 tháng Chạp), sản lượng có thể tăng từ 40-60%, đạt khoảng 3.200 đến 4.000 tấn/đêm.

Bùi Vân

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/pho-chu-tich-tp-hcm-cho-dau-moi-phai-du-hang-khong-dau-co-lam-bien-dong-gia-2244172.html