Chợ đêm – đi tìm bản sắc của chính mình

Nếu là một du khách đến từ phương xa, khi đặt chân đến phố cổ, ai cũng háo hức tìm được những món quà nhỏ xinh nhưng khắc họa rõ nét chân dung Hà Nội, ví như mô hình những chiếc xích lô được làm bằng gỗ hoặc sắt uốn, búp bê thiếu nữ mặc áo dài, hay chú Tễu đang thổi sáo...

Nếu quan niệm hàng hóa cũng là một yếu tố thể hiện văn hóa thì rõ ràng, khách đi bộ trên phố cổ khó mà tìm thấy nét văn hóa thuần Việt.

Nhưng tiếc là, những món đồ lưu niệm này đang thuộc diện "hiếm có khó tìm" tại chợ đêm Hà Nội bởi sự "lên ngôi" của những món đồ chơi ngoại nhập.

Đấy là chưa kể khi đến chợ đêm, nhìn dòng người chen lấn, xô đẩy nhau, không ít thực khách vì nản lòng mà quay lưng. Nói chợ đêm Hà Nội nhộn nhạo cũng không "oan", vấn đề ở chỗ nhận thức của mỗi cá nhân còn quá hạn chế, nói gì đến sự nhất quán của cả một tập thể. Tiểu thương thì chộp giật, người mua thì nhẹ dạ nên chợ đêm trên phố cổ đã đánh mất bản sắc của chính mình.

Những món ăn vỉa hè được "nhập" từ tứ xứ cũng "chung vui" trên phố cổ. Thế mới có chuyện không ít du khách đến chợ đêm mà cứ ngỡ bị lạc vào một khu "China Town" nào đó.

Các gian hàng cũng không được quy hoạch theo hàng lối mà cứ mạnh ai người nấy bành chướng, bên này bán hàng thực phẩm thì ngay bên cạnh lại là gian hàng bán hóa mỹ phẩm và chất tẩy rửa.

Vào thời điểm này, đến chợ đêm Hà Nội để được thưởng thức một bát phở ngon lành quả là một ý tưởng không sáng suốt bởi bạn sẽ chẳng có cơ hội đứng yên một chỗ quá... 20 giây. Buôn bán với phong cách "chộp giật" và chạy đua theo số lượng nên nhiều chủ gian hàng chỉ muốn "đuổi khách đi" cho nhanh, thế nên cứ mạnh ai nấy mua, làm gì có thời gian ngắm nghía hay lựa chọn.

Thử nhìn vào văn hóa chợ đêm ở những nơi khác, ví như China Town - cái tên quá quen thuộc và ấn tượng đối với khách du lịch quốc tế.

Gọi là khu phố Tàu nhưng thực chất, China Town chính là một khu chợ náo nhiệt, đông đúc, nơi quy tụ vô vàn các món ăn địa phương, chính sự náo nhiệt đời thường ấy lại khắc họa rõ nét đời sống chân thực của người Tàu, điều đó làm du khách thích thú.

Những món đồ lưu niệm rực rỡ sắc màu, những chiếc bánh bao to và trắng muốt bốc khói nghi ngút thực sự biết cách níu kéo người đi đường dừng chân để ngắm nghía và thưởng thức.

Nếu cần phải đặt tên cho chợ đêm Hà Nội thì có nghĩ nát óc cũng không... ra, bởi cái tên phải thể hiện được bản sắc của chợ, hay chỉ đơn giản là gợi cho du khách nhớ về một món ăn, một món đồ lưu niệm mà chỉ đến đó, người ta mới thỏa mãn được niềm đam mê tìm tòi, khám phá.

Không náo nhiệt, đông đúc và ồn ào như China Town, nhưng Little India - một khu chợ nhỏ nổi tiếng của người Ấn lại có "bí quyết" riêng để hút khách. Ai cũng bảo đến Little India thì nhộn nhạo và "nhếch nhác" lắm, nhưng khi đến rồi thì không thể cưỡng nổi trước sức hút của những món quà lưu niệm đậm bản sắc của người Ấn, đặc biệt là những lọ dầu mát xa Ayurvedic, vàng, hương trầm và vải vóc với nhiều chất liệu khác nhau.

Các mặt hàng của khu chợ Little India đều khắc họa rõ nét bản sắc người Ấn nên dù nhiều và "chồng chất" thì hàng hóa cũng không hề "nuốt chửng" vẻ đẹp của những con phố xinh đẹp. Xen lẫn giữa hương thơm của các loại gia vị và các loài hoa là đường Serangoon và những con hẻm ẩn mình như Campbell Lane, phố Dunlop và đường Hindon.

Trở lại vấn đề đặt tên cho chợ đêm Hà Nội, hẳn là rất khó, nếu cái tên được gọi theo bản sắc của chợ. Thực chất, chợ đêm của ta đang đứng trước nguy cơ "vô sắc" cho dù vào những ngày này, người đi bộ thực sự choáng ngợp bởi những con phố "nhuộm" trong màu đỏ, xanh, vàng, tím,... Đó là một điểm trừ về mặt hình thức, còn nội dung, tuyệt nhiên chưa có một hoạt động văn hóa đặc sắc nào mang dấu ấn của những sự kiện truyền thống.

Nếu quan niệm hàng hóa cũng là một yếu tố thể hiện văn hóa thì rõ ràng, khách đi bộ trên phố cổ khó mà tìm thấy nét văn hóa thuần Việt, không biết từ lúc nào, chợ đêm trên phố cổ đã biến thành thị trường dung nạp những nét văn hóa lai tạp.

Các món hàng đều "cộp mác" ngoại nhập ngay cả khi đó là một búp bê thiếu nữ mặc áo dài, hay một chiếc áo in chữ Tôi yêu Hà Nội, Tôi yêu Phở,...

Đành rằng, nhập hàng hóa từ đâu, bày bán như thế nào là "bí quyết" riêng của mỗi tiểu thương, chính vì thế mà phố đi bộ đã trở thành một cái chợ chộp giật và nhộn nhạo.

Trời chưa kịp tắt tắt nắng, các tiểu thương đã "tác nghiệp" xong, những món hàng "ưỡn mình" trên vỉa hè chưa đủ, chúng còn trườn dài ở lòng đường, thản nhiên ngáng chân người đi bộ.

Có thể nói, chợ đêm không chỉ là nơi buôn bán của các tiểu thương mà còn là trung tâm văn hóa của Thủ đô. Bên cạnh việc lưu giữ và duy trì những thói quen đẹp của người Hà Nội thì văn hóa chợ đêm cũng nhận được nhiều phản hồi tiêu cực.

Càng ngày, người ta càng ái ngại cho phố cổ, nét đẹp truyền thống đang dần biến thành thứ "văn hóa" chộp giật phản cảm.

Tùng Lâm

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/cho-dem-di-tim-ban-sac-cua-chinh-minh-3906417-c.html