Chợ di động

Phụ nữ ở vùng 3 xã đi chợ di động ở ngay đầu ngõ. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Với chiếc xe máy chất đầy các loại hàng hóa, thực phẩm, nhiều người len lỏi khắp vùng miền núi bán hàng, kiếm đồng tiền lời nuôi gia đình. Ròng rã hàng chục năm với những chợ di động này, có người từ xe gắn máy đèo hai giỏ cần xé đã lên đời xe tải.

Đi chợ ở đầu ngõ

Sáng sớm, chị Bùi Thị Trang ở xã An Mỹ (huyện Tuy An) xếp hàng trong 2 giỏ cần xé được móc vào đòn gánh đèo hai bên xe gắn máy xuất phát từ ngã tư quốc lộ 1 - Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An) theo đường cứu hộ, cứu nạn, tránh lũ Tuy An - Sơn Hòa ngược lên hướng tây. Chị Trang thồ chợ di động lên dốc Súc, dốc Bà Ngồi rồi đến vùng 3 xã: Sơn Long, Sơn Xuân, Sơn Định (huyện Sơn Hòa) rao hàng, bán dạo. Nghe tiếng rao, nhiều người bước vài bước chân ra đầu ngõ là có thể mua hàng. Người thì mua chục cá nục, chai nước mắm, gói bột ngọt; người mua bì bún khô, gói bánh bèo, bánh hỏi... Chợ di động này có rất thiếu thứ, người mua cần là người bán có.

Chị Hồ Thị Sen ở xã Sơn Long, cầm trên tay gói bánh bèo, bánh hỏi vừa mua xong, cho biết: Chị Trang tình nghĩa lắm. Có lúc tôi kẹt tiền, mua nợ bì bún khô, chai xì dầu, chị đều gật đầu.

Chị Trang cười hiền: Chỗ quen biết mình vui vẻ bán chịu năm mười ngàn, có người cả tháng mới trả. Chỗ ơn nghĩa ai đâu mà đành lòng không bán.

Tình cảm vậy, nên giữa người mua và người bán gắn kết với nhau, trở thành bạn hàng thân thiết. Hôm trước chị Trang có việc nhà nên nghỉ vài bữa, chợ di động không hoạt động, bạn hàng ai cũng trông ngóng. Sau vài bữa gặp lại, đầu tiên là những lời hỏi thăm, câu trách trả thân thiện, rồi mới tính chuyện mua gì.

Chợ trên xe tải của bà Nguyễn Thị Bích Ly ở xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Hàng tạp hóa trên xe chị Trang được tính toán với số lượng vừa đủ bán trong ngày, cho bao nhiêu gia đình và phân chia từng góc nhỏ. Nơi nào để đồ tươi sống như cá, thịt heo; nơi nào để cá khô, tôm tép, rồi rau, hành tiêu, ớt tỏi, dưa muối, thậm chí vài bì chè, sâm nam…, người bán đều thuộc lòng.

Mùa hè biển êm, cá nục khá rẻ, tươi. Biết người dân miền núi thích loại cá này nên chị Trang sỉ nhiều hơn. Người bán chỉ cần dựng chân chống xe đứng một ngõ, chưa kịp rao, những người nhà gần đó đã vây quanh. Nhiều gia đình chỉ cần mua rổ cá nục trụng, mua thêm ít rau sống cuốn bánh tráng là có bữa ăn ngon lành. Có hôm gặp con cá ngừ tươi, người mua phần đầu, người mua đầu đuôi, chia sẻ món ngon.

Xe máy thồ chợ di động vận hành lâu ngày cũng có lúc trục trặc đứng bánh. Chị Trang kể, có lần đang giữa đường, chiếc Citi giò gà trở chứng không chịu nổ máy. Một người đàn ông tốt bụng kiểm tra xăng còn nửa bình, tháo bugi kê vô chỗ làm nguội đạp thử không thấy củi lửa gì hết. “Tôi dắt lên hết dốc cao dựng đứng mới đến tiệm sửa xe. Ông thợ tháo nắp cá, chà giấy nhám mặt vít lửa, đạp thử bugi mới đá lửa… Tối về người mỏi rã rời, xương cốt như ai dần, hôm sau tôi đuối sức phải nghỉ phiên chợ, lại bị bà con trách trả”, chị Trang trải lòng.

Ở đây mùa mưa mau tối. “Hồi chưa làm đường bê tông, tôi chạy xe có bữa về đến nhà thì chồng con đã lên giường ngủ, cơm nước lủi thủi một mình. Bởi khi vào vụ mùa, đồng bào dân tộc thiểu số đi làm luôn trưa, chiều mới về đi chợ, mình phải nán lại chờ bán”, chị Trang kể.

Ông Nguyễn Văn Nhành (còn gọi là Năm Nhành) 55 tuổi, ở xã An Dân, huyện Tuy An, hằng ngày đưa chợ di động lên tận thôn Suối Cối 2, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân để bán. Theo ông Năm Nhành, ông chủ yếu bán đồ ăn sáng, từ gói xôi, bánh bèo, bánh hỏi, bánh xèo đến bì bún khô, đồng giá 5.000 đồng. “Tôi bán 5 năm rồi, một mình lên xuống con đường này ai cũng biết. Bất kể ngày mưa hay nắng, chỉ khi nào mưa to, đường ngập lụt, tôi mới ở nhà. Còn ngày nắng cháy da, tôi vẫn đi. Bán nhiều năm rồi giờ tôi không rao miệng nữa. Chỉ cần nghe tiếng xe là nhiều người biết. Hàng quán đầy đường, nhưng họ vẫn chờ tôi đưa đồ ăn sáng đến tận nhà. Bán lâu nên bà con cô bác ủng hộ”, ông Năm Nhành tâm sự.

Mồ hôi lấm tấm, ông cười hiền rồi khoe: “Những dịp mùng 5 tết Đoan Ngọ, hay gần tết Nguyên đán, khách hàng rất đông, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Người thì dặn mua khăn trải bàn, người thì nhờ chục chén mỏng… Xe chở nặng, nào cá, su hào, bắp sú, bánh tráng, bánh phồng, đủ thứ. Nhờ vậy mà tôi có thêm nguồn thu nhập”.

Ông Năm Nhành ở xã An Dân, huyện Tuy An hằng ngày chạy xe máy lên các xã miền núi ở Đồng Xuân bán đồ ăn sáng. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Chợ trên xe tải

Chợ di động của bà Nguyễn Thị Bích Ly ở xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), không phải đèo theo giỏ cần xé mà bày hàng hóa trên xe tải 3 tấn. Bà Ly cho hay: Mười bữa như chục, tôi đi bán dọc quốc lộ 19C đoạn qua xã Sơn Định, Sơn Hòa. Đến nơi tháo nắp thùng xe, bày ra cái chợ với đủ thứ, mỗi thứ một ít, đủ bán trong ngày cho trên dưới 100 hộ.

Có người vác bó ngọn mía từ gò về đi ngang qua đặt tạm bên đường ghé lại mua mớ cá cơm với thơm cà về nấu chua. Có người bắc nồi nước lên bếp rồi mới đi chợ, giá cả thuận mua vừa bán.

Người phụ nữ 52 tuổi này cho biết bà có duyên nợ với chợ di động, từ xe máy rồi lên đời xe tải. Cách đây vài chục năm, hồi còn đi bán bằng xe máy, những ngày học sinh đến trường, sáng bán bánh bèo, bánh hỏi, người mua đắt đến nỗi không kịp chà hẹ. Ngày nào bà cũng thồ hàng lên núi, nhiều lúc hàng quá nặng, khi dừng xe, chân chống không nổi nên xe bẻ tay lái. “Trước đó nữa, vùng này người ta gánh mít, măng, trái cây, rau củ này kia, đến đổi lấy cá, mắm… Bán trên 25 năm, khi lớn tuổi, chồng tôi thấy chạy xe máy cực khổ nên sang gánh qua xe tải nhỏ. Sáng ổng ôm vô lăng lái xe tải đến nơi có bóng cây tháo nắp bửng hai bên thùng xe ra, tôi bày hàng lên đó bán. Tôi cũng sắm cái bếp gas mang theo trên xe, trưa ở đâu nấu ăn ở đó. Ngày nào vợ chồng cũng sống trên xe như vậy”, bà Ly tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Hiền ở xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân chia sẻ: Tôi học đại học rồi ở lại TP Hồ Chí Minh làm việc, lâu rồi có dịp về quê thấy chợ di động như tìm lại tuổi thơ của mình. Chợ di động rất hợp với người dân miền núi, vùng sâu vùng xa. Đi xa, tôi nhớ quê, nhớ chợ di động với tấm lòng của người dân quê chịu thương chịu khó, dầu dãi nắng mưa. Có lần tôi gặp chợ di động liền dừng lại, thấy người phụ nữ lựa mua chai nước mắm rẻ tiền, nói nhỏ nhẹ “nợ nhen chị?”. Đi xa rồi mà tiếng “nợ” đó còn thủ thỉ bên tai, cho đến lúc tôi về tới nhà như vẫn còn văng vẳng. Nhớ cảnh cô bán gói món hàng, người phụ nữ dáng như mẹ tôi đội nón rách xách chai nước mắm mua nợ từ ngõ vô nhà mà rưng rưng…

MẠNH HOÀI NAM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/299860/cho-di-dong.html