Cho đi là hạnh phúc

Không chỉ dạy dỗ, chăm sóc, rèn luyện trẻ kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, những cán bộ Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen luôn yêu thương trẻ bằng cả trái tim và tìm cách bù đắp thiệt thòi để các em tiến bộ mỗi ngày, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Thắp sáng niềm tin

Không bảng viết, không sách vở, mỗi phòng học chỉ dành cho 2 cô trò... Đó là hình ảnh của những “phòng học” đặc biệt tại khoa Vật lý trị liệu, Hoạt động trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu, Tâm lý trị liệu của Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen. Tại đây, hàng ngày, các cán bộ, nhân viên của bệnh viện cần mẫn làm việc để giúp đỡ trẻ em tàn tật; mỗi đợt điều trị của trẻ tự kỷ ít nhất cũng phải 6 tháng, thậm chí có trẻ phải mất vài năm.

Những giây phút quây quần của bác sỹ Bùi Thị Yến, Phó Trưởng khoa Phục hồi chức năng Nội Nhi - Y học cổ truyền với trẻ điều trị tại khoa.

Những giây phút quây quần của bác sỹ Bùi Thị Yến, Phó Trưởng khoa Phục hồi chức năng Nội Nhi - Y học cổ truyền với trẻ điều trị tại khoa.

Dạy trẻ bình thường đã khó, việc dạy trẻ khuyết tật, mắc các hội chứng chậm phát triển còn khó và gian nan hơn. Có những bé rất hiền lành, ngoan ngoãn nhưng khả năng nhận thức, ghi nhớ hạn chế; có trẻ phải mất 1 - 2 tháng mới có thể ghi nhớ được màu sắc, chữ số. Bởi vậy, công việc này đòi hỏi mỗi cán bộ của bệnh viện không chỉ có chuyên môn vững, mà còn phải có lòng yêu thương và sự kiên trì, nhẫn nại. Bác sỹ chuyên khoa I Âu Thị Tuyên, Trưởng khoa Vật lý trị liệu, Hoạt động trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu, Tâm lý trị liệu, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen chia sẻ: các cháu đến điều trị tại khoa ở mỗi độ tuổi khác nhau, chứng bệnh, trí tuệ, nhận thức, tâm sinh lý cũng không giống nhau, nên khoa bố trí mỗi cháu có một cán bộ giáo dục chuyên biệt. Trong quá trình điều trị cho các cháu chỉ lơ là có thể bị các cháu cấu, giật tóc... và các cử chỉ như ném đồ chơi, gào thét thường xuyên xảy ra. Tuy vất vả, mệt mỏi nhưng mọi người đều yêu thương, kiên trì động viên các cháu tập luyện, điều trị. “Nhiều lúc mệt nhưng thấy các bé làm được điều gì mới, chúng tôi thấy vui lắm. Có hôm kết thúc tập, các bé nói: “Con cảm ơn cô” khiến mình xúc động - Bác sỹ Tuyên nói.

Điều trị, tập luyện cho những bệnh nhân bị bại não, đột quỵ, bàn chân khèo, chấn thương cứng khớp... công việc này không hề nhẹ nhàng, nhất là những trẻ bị bại não với các cử chỉ, hành động không kiểm soát được. Tuy nhiên, không vì thế mà các bác sỹ, kỹ thuật viên ở bệnh viện nản chí.

Kỹ thuật viên Trần Thị Thanh Thủy, Khoa Phục hồi chức năng Nội Nhi - Y học cổ truyền điều trị cho trẻ.

18 năm gắn bó với công việc điều trị cho bệnh nhân bị bại não, kỹ thuật viên Trần Thị Thanh Thủy, Khoa Phục hồi chức năng Nội Nhi - Y học cổ truyền cho biết, với những bệnh nhân bị bại não có khi phải tập luyện kéo dài gần như cả cuộc đời... Trong khi đó, phần lớn các gia đình đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn do chi phí điều trị cho trẻ bại não lâu dài và tốn kém, nên việc tập khó duy trì thường xuyên, ảnh hưởng rất lớn đến sự phục hồi của trẻ. Với chị Thủy, ấn tượng nhất từ ngày vào nghề là trong buổi đầu nhận công việc chị được khoa giao nhiệm vụ điều trị cho một em nhỏ ở xã Yên Hoa (Na Hang) bị bại não, chỉ bò thôi không đi được. Mẹ còn trẻ, chưa xuống thành phố bao giờ nên mọi việc đều còn rất mới, bỡ ngỡ, nhiều lúc mẹ của em đã định bỏ cuộc. Thấy vậy, hàng ngày ngoài giờ làm việc chị lại lên phòng của 2 mẹ con để động viên chia sẻ, giải thích cho người mẹ hiểu việc điều trị sẽ tốt cho sức khỏe của con mình. Có hôm, 2 giờ sáng, người mẹ gọi điện thảng thốt: “Cháu ốm quá cán bộ ơi, em không biết phải làm sao bây giờ”. Không chút suy nghĩ, chị vùng dậy đến bệnh viện, mặc dù lúc đó chỉ cần một cuộc điện thoại đến cơ quan là sẽ có bác sỹ xuống kiểm tra cho cháu. Đối với chị công việc đó không khó khăn gì mà điều chị vui hơn cả là nhờ sự chăm sóc, chỉ bảo, rèn giũa kiên trì của chị mà sau hơn 1 năm điều trị, bệnh nhân đã đi được, sau này tự làm được mọi việc, mặc dù không được như những đứa trẻ khác. “Nhìn bọn trẻ chỉ thấy thương chứ không thể tức giận, dù chúng quậy phá, nhiều khi còn làm cô và các bạn bị thương nhưng đều là những hành động vô thức, ngoài tầm kiểm soát của trẻ”, chị Thủy chia sẻ.

Vun đắp ước mơ cho trẻ khuyết tật

Những giọt nước mắt của những người làm cha làm mẹ khi đưa con xuống khám và điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen khiến cho những người làm công tác điều trị tại đây không khỏi trăn trở. Đối với họ, có một đứa con không may bị khuyết tật đã là nỗi lo, nỗi đau quá lớn, đeo đẳng suốt phần đời còn lại. Giúp các bệnh nhân phục hồi sức khỏe, trí tuệ là giúp gia đình các em vơi đi một phần gánh nặng trong cuộc sống. Bất cứ cha mẹ nào sinh con ra cũng mong muốn con khỏe mạnh ngoan ngoãn, bởi con cái luôn là cả bầu trời của cha mẹ. Còn với chị Hoàng Thị Hậu, xã Tân Thịnh, huyện Bắc Quang (Hà Giang), dường như bầu trời đã sụp đổ trước mắt chị, khi con chị là cháu Hoàng Nhật Duy được 9 tháng tuổi, bác sỹ kết luận con chị bị bại não. “Khi biết con bị như thế thì tất cả niềm vui sống, tất cả những hy vọng của tôi đều tan biến. Có những thời điểm, tôi xem ti vi, nhìn thấy các cháu chơi đùa, tôi đã tắt ti vi, lúc đó tôi cảm thấy rất buồn và mặc cảm”, chị Hậu chia sẻ.

Điều trị trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen.

3 năm, ôm con đi nhiều bệnh viện, để giúp con phát triển về mặt vận động không thành, nhưng chị Hậu vẫn không hề tuyệt vọng buông xuôi. Chị dốc toàn tâm chăm sóc con, bầu bạn, chia sẻ cùng con mọi chuyện, với hy vọng nuôi dưỡng cảm xúc, giúp con luôn vui vẻ và yêu đời. “Tôi luôn cố gắng giữ cho mình một năng lượng tích cực, một niềm vui sống và một nụ cười thường trực. Với sự tích cực của mình, với sự tương tác của mình, nó là nguồn năng lượng tích cực và là nguồn cảm xúc giúp con của tôi biểu hiện được các niềm vui trên khuôn mặt”-chị Hoàng Thị Hậu tâm sự. Chị rất vui mừng sau gần 1 năm đưa con về điều trị tại bệnh viện, con chị từ không biết nói, không biết đi, đến nay đã chập chững những bước đi đầu tiên và hạnh phúc hơn cả là sau 5 năm sinh cháu, lần đầu tiên chị nghe thấy con mình gọi mình một tiếng mẹ.

Với cán bộ tại bệnh viện, những bệnh nhân điều trị tại đây không chỉ là bệnh nhân mà họ còn như là những đứa con tinh thần của mình. Bên cạnh việc điều trị cho các bệnh nhân, các y bác sỹ ở đây còn như một “cô giáo”, như một người “mẹ”, chăm sóc sức khỏe, lo cho các bệnh nhân từng bữa ăn, giấc ngủ. Có nhiều trẻ có hoàn cảnh khó khăn, cán bộ của bệnh viện đã đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ để các cháu được điều trị và hòa nhập với cộng đồng. “Với những bệnh nhân điều trị tại bệnh viện thường là thời gian điều trị rất dài nên cũng đã có nhiều gia đình thấy nản và có ý định bỏ cuộc. Nhưng mình đã cùng với đồng nghiệp luôn gần gũi, động viên, chia sẻ cả về mặt vật chất và tinh thần để các gia đình tiếp tục cho con điều trị” - bác sỹ Bùi Thị Yến, Phó Trưởng khoa Phục hồi chức năng Nội Nhi - Y học cổ truyền nói.

“Với trẻ khuyết tật, việc chăm sóc cần phải kiên trì, phải dành tình thương đặc biệt. Mỗi cháu có một bệnh lý, khuyết tật riêng, tùy từng trường hợp mà có hướng hỗ trợ, phục hồi. Với chúng tôi, giúp đỡ cho một gia đình, một cảnh đời, và giúp cho các em có một tương lai tươi sáng hơn là niềm vui sướng nhất rồi” - bà Trần Thị Kim Thoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen bộc bạch.

Phóng sự: Minh Hoa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/cho-di-la-hanh-phuc-166080.html