Chờ đợi gì từ nhà đầu tư mới của hãng bia số một Việt Nam?

Ngày 21.7, các cổ đông của Tổng công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) chính thức thông qua một loạt đề xuất mới, đánh dấu cột mốc quan trong trọng lịch sử phát triển của công ty bia lớn nhất Việt Nam, quyền điều hành công ty hoàn toàn thuộc về nhà đầu tư nước ngoài sau bảy tháng cuộc thâu tóm đình đám trong ngành bia.

Thay đổi cấu trúc quản lý

Các cổ đông công ty, thực chất có thể nói là hai cổ đông lớn đang sở hữu 53,59% - Thai Beverage và 36% - Bộ Công Thương Việt Nam, đã thông qua một số đề xuất được trình tại đại hội như thay đổi mô hình quản trị và thay đổi nhân sự hội đồng quản trị (HĐQT).

Mô hình quản trị công ty mới sẽ gồm Đại hội cổ đông- HĐQT - Tổng giám đốc và Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT, thay thế cho mô hình cũ là Đại hội cổ đông- HĐQT - Ban kiểm soát - Tổng giám đốc.

Việc bỏ Ban kiểm soát và thay thế Ban kiểm toán nội bộ được giải thích là áp dụng mô hình theo điểm b khoản 1 điều 134 luật Doanh nghiệp 2014 và điều 11 Điều lệ mẫu theo thông tư 95/2017/TT-BTC.

Trước đây, với mô hình quản trị hai cấp, Ban kiểm soát tồn tại độc lập đóng vai trò là đơn vị “tư pháp", có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát hoạt động của HĐQT và Ban giám đốc công ty. Tuy nhiên, trên thực tế, Ban kiểm soát tồn tại trên lý thuyết mà không hoạt động hiệu quả. Phần lớn được đổ lỗi cho việc thành viên của Ban kiểm soát là nhân viên, không tham gia quản lý, không được phép nắm giữ nhiều cổ phần dẫn đến việc tiếng nói của họ không có ảnh hưởng đến các quyết định quan trọng của công ty, thậm chí không được tham dự vào các cuộc họp quan trọng của lãnh đạo công ty.

7 thành viên mới trong HĐQT của Sabeco với 4 thành viên đại diện cho Thai Beverage, 2 thành viên đại diện bộ công thương VN và một thành viên từ hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam.

Trong khi đó, với mô hình quản trị một cấp, gồm ban kiểm toán trực thuộc HĐQT, thành viên của Ban kiểm toán sẽ là thành viên độc lập của HĐQT, người có uy tín và chuyên môn, đặc biệt về kiểm soát và kiểm toán. Như vậy, về cơ bản họ sẽ có sự độc lập nhất định và tiếng nói sẽ có trọng lượng hơn. Mô hình này hiện nay được đánh giá là mô hình quản trị tiên tiến, tăng khả năng giám sát của cổ đông đối với HĐQT và Ban điều hành công ty.

Điều khoản mà Luật Doanh nghiệp về mô hình quản lý mới cho công ty cổ phần tại Việt Nam đã có hiệu lực được 3 năm nhưng hiện mới chỉ có vài công ty cổ phần áp dụng, trong đó có Vinamilk, Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, và Novaland, phần lớn là các công ty có số lượng thành viên HĐQT đông và ít nhất 20% số thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập.

Tại đại hội, các cổ đông Sabeco cũng đồng ý loại bỏ một số danh mục kinh doanh không thuộc hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp như bỏ hoạt động quảng cáo thương mại, tổ chức tour trong nước và ngoài nước. Trong đó, công ty cũng chỉnh sửa điều lệ, nhằm nâng cao lượng cổ phần sở hữu từ 5% lên 10% của một cá nhân hoặc một nhóm nhà đầu tư nắm giữ liên tiếp 6 tháng với một số quyền hạn như quyền đề cử đại diện vào HĐQT.

Thành viên HĐQT và Ban điều hành hoàn toàn mới

Tại đại hội cổ đông bất thường hồi tháng 4.2018, cổ đông lớn nhất của Sabeco đã đưa ông Koh Poh Tiong lên vị trí chủ tịch HĐQT, thay thế cựu chủ tịch Sabeco Võ Thanh Hà.

Ngoài ra, hai thành viên khác là ông Tan Tiang Hing, Maicolm (người Malaysia) và ông Sunyaluck Chaikajornwat (người Thái Lan) cũng được chỉ định, nâng tổng số thành viên HĐQT từ 4 lên 6.

Sau đó vài tuần, HĐQT tăng lên 7 với sự tham gia của bà Trần Kim Nga, Tổng giám đốc của Vietnam Beverage (VietBev) - pháp nhân trực tiếp mua lại Sabeco.

Nhưng trong đại hội thường niên hôm thứ bảy vừa qua hai thành viên HĐQT mới được đưa vào hồi tháng 4 đã không tiếp tục tham gia trong nhiệm kỳ 2018-2023.

Danh sách 7 thành viên trúng cử vào HĐQT nhiệm kỳ 5 năm tới của Sabeco gồm 4 thành viên thuộc nhóm nhà đầu tư Thái Lan gồm: Chủ tịch HĐQT Koh Poh Tiong (người Singapore gốc Hoa), hiện nắm nhiều chức vụ quan trọng trong các công ty thuộc tập đoàn Berli Jucker tại nhiều nước khu vực châu Á, trong đó có Thái Lan, Singapore và Trung Quốc.

Ông Michael Chye Hin Fah, người Singapore gốc Hoa, đại diện pháp luật của công ty VietBev, cũng trúng cử trong nhiệm kỳ này. Ông Michael đã và đang nắm một số chức vụ quan trọng trong hệ thống công ty của tỉ phú Thái Lan tại Singapore, Việt Nam, Myanmar và Hongkong, trong đó có ThaiBev, BeerCo cũng như Fraser and Neave – một công ty Singapore đã được tỉ phú Thái Lan mua lại, và nhà đầu tư lớn tại Vinamilk. Ông Michael cũng là đại diện vốn cho Fraser and Neave tại Vinamilk và có chân trong HĐQT của công ty này.

Bà Trần Kim Nga, người được bổ sung vào HĐQT Sabeco từ 9.5.2018, tiếp tục là thành viên nhiệm kỳ này. Từ năm 2000 đến nay, bà Nga đã và đang nắm nhiều chức vụ tại các công ty, tài sản thuộc tập đoàn Berli Jucker của tỉ phú Thái Lan tại Việt Nam. Ông Michael và bà Nga là hai người xuất hiện chính trong cuộc đấu giá mua cổ phần Sabeco hồi tháng 12.2017.

Ông Pramoad Phornprapha, quốc tịch Thái Lan, là thành viên thứ tư được giới thiệu có kinh nghiệm về quản trị kinh doanh, tốt nghiệp tại Harvard. Ông hiện là thành viên độc lập và thành viên Ban kiểm toán tại nhiều công ty ở Thái Lan.

Ba thành viên còn lại từ phía Việt Nam: Ông Nguyễn Tiến Dũng và ông Lương Thanh Hải lần lượt đại diện cho 20% và 16% cổ phần của bộ công thương Việt Nam tại Sabeco trong nhiệm kỳ tới. Ông Dũng hiện là kế toán trưởng của Sabeco, còn ông Hải là Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn. Hai đại diện này chính thức thay thế cho ông Nguyễn Thành Nam (Tổng giám đốc nhiệm kỳ trước) và ông Bùi Ngọc Hạnh trong ban quản trị cũ.

Với sở hữu 36% còn lại, về lý thuyết thì nộ Công Thương Việt Nam có quyền phủ quyết nhiều vấn đề như: thay đổi thương hiệu, thay đổi điều lệ, định hướng sản xuất kinh doanh, cơ cấu tổ chức doanh nghiệp…

Ngoài ra, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam cũng được bầu vào HĐQT. Trong khi đó, đại diện của nhà đầu tư nắm giữ trên 5% trước đây của Heineken không tham gia ứng cử đợt này. Điều này có thể do điều lệ công ty đã thay đổi về tỉ lệ nắm giữ của cá nhân hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu từ 10% mới được đề cử 1 đại diện vào hội đồng hoặc Heineken đã dần thoái vốn tại Sabeco.

Từ tháng 5.2018, Sabeco cũng đã thay đổi một loạt cán bộ cao cấp trong ban điều hành, như bổ sung ba phó tổng giám đốc người nước ngoài phụ trách các mảng về tài chính, kế toán, bán hàng. Trong đó có ông Neo Gim Siong Bennett, (người Singapore gốc Hoa), Phó Tổng giám đốc đề nghị thực hiện các chức năng của Tổng giám đốc, và các công tác ủy quyền, chuyển giao vai trò điều hành công ty, người đại diện pháp luật của Sabeco. Ông Neo sẽ chính thức trở thành tân Tổng giám đốc của Sabeco từ ngày 1.8, thay ông Nguyễn Thành Nam, sẽ kết thúc nhiệm vụ này 31.7. Ông Neo được mô tả là người có kinh nghiệm, chuyên môn và năng lực trong ngành bia, sẽ có trọng trách điều hành Sabeco đạt những mục tiêu phát triển trong nhiệm kỳ tới.

Sabeco cũng thay đổi người được ủy quyền công bố thông tin hôm 19.7.2018, ông Teo Hong Keng - Phó Tổng giám đốc công ty sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ này thay cho Trưởng ban Kế hoạch tổng hợp Bùi Anh Vũ.

Bảy tháng sau khi Thai Beverage (ThaiBev), thông qua VietBev, bỏ 4,8 tỉ USD nắm giữ 53,59% cổ phần tại Sabeco, công ty của tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã hoàn tất nhiều đoạn quan trọng trong việc sắp xếp lại Sabeco, bao gồm thay đổi cấu trúc quản lý, thay nhân lực HĐQT - điều hành và loại bỏ một số ngành nghề kinh doanh không cốt lõi của công ty, một sự chuyển giao mà một vài đại diện mới của công ty Thái Lan tại Sabeco cho rằng nó nhanh chóng và thuận tiện hơn mức họ dự tính.

Thương vụ win-win trong mắt nhà đầu tư

Ông Koh Poh Tiong nhấn mạnh, năm 2018 sẽ là một năm quan trọng đối với Sabeco, khi công ty này được tái cấu trúc và đặt ra nhiều chiến lược phát triển mới nhằm duy trì và phát triển Sabeco đứng số một thị trường Việt Nam cả về thị phần doanh thu, và độ nhận diện thương hiệu.

Ông Koh Poh Tiong, chủ tịch HĐQT và bà Trần Kim Nga, thành viên HĐQT Sabeco nhiệm kỳ 2018-2023.

Hôm 16.6 tại Bangkok, Thái Lan, trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch ThaiBev Charoen Sirivadhanabhakdi, ông Charoen cho biết ông đang triển khai kế hoạch cải thiện tình hình hoạt động, thúc đẩy tăng trưởng của Sabeco, trong đó có việc đưa sản phẩm của Sabeco ra thị trường thế giới thông qua hệ thống của ThaiBev, với mục tiêu vừa giúp Sabeco duy trì thương hiệu này dẫn đầu thị trường Việt Nam và xuất hiện rộng rãi hơn trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, chưa một chỉ tiêu hay chiến lược cụ thể nào được đưa ra cho đến thời điểm này.

Sabeco là công ty bia lớn nhất Việt Nam với thị phần 40%. Tính đến cuối năm 2017, Công ty có 26 nhà máy bia trên cả nước, tổng công suất 2 tỷ lít/năm. Tuy nhiên, biên lợi nhuận của Sabeco còn khá thấp so với các công ty bia đầu ngành khác trong khu vực. Trước đó, chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo Thaibev sẽ hỗ trợ Sabeco cải thiện biên lợi nhuận đáng kể trong dài hạn, bên cạnh việc mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận sau thuế của Sabeco năm 2018 giảm 19% so với năm 2017, dự tính đạt hơn 4 ngàn tỉ đồng từ mức 4,9 ngàn tỉ đồng của năm 2017, dù mục tiêu doanh thu vẫn tăng 2.4%, ước tính đạt hơn 36 ngàn tỉ đồng.

Lãnh đạo mới của Sabeco giải thích lợi nhuận giảm là do thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia tăng 5% và giá nguyên nhiên liệu đầu vào trên thế giới cũng đang tăng mạnh trong thời gian qua. Ngoài ra, đại diện một số cổ đông nước ngoài của Sabeco cho rằng, có thể công ty sẽ cần kinh phí trong việc tái cấu trúc lại công ty, song song với việc ban lãnh đạo mới đang muốn đẩy mạnh hoạt động bán hàng, làm thương hiệu, cải thiện hoạt động sản xuất, nghiên cứu và giới thiệu các sản phẩm mới cũng như củng cố và mở rộng mạng lưới bán hàng cả trong và ngoài nước cho Sabeco. “Chúng tôi cần đưa mọi hoạt động của công ty theo chuẩn quốc tế”, ông Koh tân chủ tịch Sabeco trấn an các cổ đông nhỏ lẻ tại đại hội.

Trên thị trường, cổ phiếu công ty Sabeco đang giao dịch quanh mốc 220.000 đồng/cổ phiếu, giảm mạnh so với giá mà người thái từng bỏ ra mua ở mức 320.000 đồng/cổ phiếu cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, nhà đầu tư mới và cũng là lãnh đạo của công ty này nhấn mạnh đến yếu tố phát triển lâu dài, với khoảng đầu tư gần 5 tỉ USD, và khẳng định đây là một thương vụ win-win cho tất cả các bên.

Ông chủ mới của Sabeco trấn an các nhà đầu tư rằng, họ đang có mối quan hệ tốt và sẽ mau chóng triển khai đội ngũ làm thương hiệu bia chuyên nghiệp để phát triển thêm cho thương hiệu Sabeco. Nhóm này là những người rất am hiểu thị trường và am hiểu đối thủ, đặc biệt đã từng chịu trách nhiệm xây dựng thương hiệu cho Heinenken và Tiger tại thị trường Việt Nam, đối thủ trực tiếp của Sabeco tại Việt Nam.

Câu chuyện phát triển của Sabeco trong thời gian tới sẽ rất thú vị, những nhà đầu tư Thái Lan họ có kinh nghiệm, có tiềm lực và có động lực để thực hiện những điều họ hứa, trong việc xây dựng thương hiệu Sabeco cả ở thị trường trong và ngoài nước. Tất nhiên, họ cần một quãng thời gian nhất định, một nhà đầu tư quỹ đến từ Singapore nhận định. Trong khi đó, đại diện công bố thông tin của Sabeco cho rằng, sẽ mất 1 hoặc 2 năm, công ty sẽ quay trở lại quỹ đạo phát triển mạnh mẽ cả về doanh thu và lợi nhuận.

Như vậy, thương hiệu bia Sài Gòn với lịch sử hình thành phát triển hơn 140 năm qua sẽ chính thức bước vào giai đoạn mới, giai đoạn hoàn toàn nằm dưới sự điều hành và phát triển của các nhà đầu tư nước ngoài.

Với 100% vốn đầu tư của công ty Vietnam F&B Alliance Investment Company, công ty TNHH Vietnam Beverage được xếp loại là công ty Việt Nam, hợp pháp trong việc đấu giá công khai mua trên 50% tại một công ty bia của Việt Nam, trong trường hợp này là Sabeco, với giới hạn dành cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ ở mức 49%, nhưng đã được nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khoảng 10%.

Trong khi đó, công ty Vietnam F&B Alliance Investment Company có 49% vốn sở hữu của công ty BeerCo Limited, và BeerCo là công ty 100% thuộc sở hữu của công ty Thai Beverage. Như vậy, về thực tế, Thai Beverage là cổ đông nắm giữ hơn 50% cổ phần Sabeco.

Lan Chi

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cho-doi-gi-tu-nha-dau-tu-moi-cua-hang-bia-so-mot-viet-nam-14534.html