Chờ đợi những mốc son mới

Văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là mảng đề tài quan trọng nhất của nền văn học cách mạng nói riêng, văn học hiện đại nói chung.

Dư luận lâu nay không hài lòng khi hiện thực các cuộc kháng chiến của quân dân ta rất vĩ đại nhưng tác phẩm văn học lại chưa xứng tầm. Thêm vào đó là băn khoăn tại sao trong chiến tranh có nhiều tác giả và tác phẩm giá trị về người lính mà nay thì số lượng ít và chất lượng có phần giảm sút? Lý giải những điều trên có lẽ phải quay trở về bản chất, đặc trưng, quy luật của văn học mà ngành lý luận văn học đã chỉ ra. Từ những cơ sở lý luận có thể hiểu được các giai đoạn phát triển văn học, phân tích và đánh giá các tác giả, tác phẩm cụ thể.

Hai yếu tố chính tác động lên việc ra đời tác phẩm văn học (và cả nghệ thuật) đó là môi trường và tài năng cá nhân. Đã là sáng tạo thì khó có thể đòi hỏi tác phẩm nào cũng có giá trị, thuộc dạng “để đời”. Tài năng sáng tác văn học không có quy luật xuất hiện, có thể ngay năm sau hoặc hàng chục năm nữa như trường hợp hơn 50 năm sau trận Borodino (1812) mới có tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” của đại văn hào Lev Tolstoy. Môi trường sáng tác hiện nay là thời bình nên các nhà văn, nhất là nhà văn trẻ thiếu hiểu biết thực tế về chiến tranh, có nhiều đề tài đời tư thế sự cần quan tâm hơn. Ngoài ra, thực tế khác là văn học đã bị các loại hình giải trí hiện đại “đánh bật” từ vị trí trung tâm đời sống văn hóa ra vị trí ngoại vi. Số lượng người trẻ theo đuổi văn chương chữ nghĩa vốn đã không nhiều như trước đây, mà lại chọn đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng để “lập ngôn” lại càng ít, cũng là điều dễ hiểu.

Xét về bản chất văn học là nghệ thuật ngôn từ, là một hình thái phản ánh thẩm mỹ. Bên cạnh đó, văn học còn có chức năng giáo dục, định hướng, tuyên truyền gắn với sự định hướng chính trị... Trước đây, do hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh, tất cả vì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cho nên văn học phải tập trung làm nhiệm vụ phục vụ xã hội, đưa mục đích tuyên truyền, giáo dục lên hàng đầu. Những bài thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm…, những trang văn của Tô Hoài, Anh Đức, Phan Tứ, Nguyễn Quang Sáng… có sức mạnh ngang một đội quân. Văn học đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, xứng đáng là một “binh chủng” đặc biệt trong chiến tranh.

Cần lưu ý một đặc điểm quan trọng về sự hình thành giá trị tác phẩm văn học không chỉ nằm ở tài năng sáng tạo của nhà văn mà còn được sự ủng hộ, sự tiếp nhận của người đọc. Trong xã hội thời chiến cũng là lúc văn học vẫn đang ở vị trí trung tâm đời sống văn hóa thì văn học về người lính được hâm mộ, yêu thích là đương nhiên. Đến thời bình, độc giả ít đọc tác phẩm về chiến tranh cách mạng là điều khó tránh khỏi. Điều này dẫn đến các nhà văn phải viết khác đi mới đáp ứng nhu cầu mới của độc giả. Một số nhà văn lại cho rằng, viết khác đi nghĩa là thay đổi nội dung như xóa nhòa ranh giới giữa ta và địch, “làm mờ” bản chất chiến tranh chính nghĩa… Chính cách hiểu lệch lạc, sai trái này đã vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch lợi dụng văn học chống phá sự nghiệp cách mạng. Chúng tôi cho rằng, để có tác phẩm giá trị về người lính cần chú trọng thay đổi cách viết theo hình thức tác phẩm, chứ không phải nội dung vì viết cái gì không quan trọng bằng viết như thế nào. Nhà văn cần tìm cách cân bằng các thuộc tính chức năng như thẩm mỹ, hình thức, giáo dục, tuyên truyền… để làm sao đạt đến mức độ hoàn thiện nghệ thuật cao nhất có thể. Đây là một việc rất khó đòi hỏi tài năng nổi trội mới có thể sáng tác được một tác phẩm người lính có sức lan tỏa rộng khắp ở thời bình.

Bất cứ ai yêu mến văn học nước nhà, đau đáu về mảng đề tài người lính, thiết nghĩ không nên sốt ruột. Nhà văn có tài và có tâm, có tác phẩm xứng tầm với hiện thực chiến tranh, sự hy sinh lớn lao của người lính sẽ xuất hiện. Vấn đề là cần phải chuẩn bị môi trường thuận lợi để tài năng phát triển như hạt giống sớm nẩy mầm. Để hình thành môi trường thuận lợi cần chuẩn bị rất nhiều hành động thiết thực như: Giáo dục truyền thống, cung cấp thông tin tư liệu cho đến đầu tư sáng tác, hỗ trợ xuất bản và truyền thông, động viên, khuyến khích, chấp nhận các cách biểu đạt mới mẻ… Với nhiều nỗ lực từ các cơ quan chức năng đang triển khai, chúng ta có quyền hy vọng về những mốc son mới của văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.

VIỆT PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/cho-doi-nhung-moc-son-moi-605706