Cho em hỏi học sinh làm nhiều bài tập về nhà có ích cho giáo dục Việt Nam không?

Đó là câu hỏi của em Nguyễn Thị Kim Huế, học sinh lớp 12A4 Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy (Thanh Thủy, Phú Thọ) đối với giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Câu hỏi của em Kim Huế đã được hơn 1.000 học sinh trường Trung học phổ thông Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) hưởng ứng và mong muốn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trả lời trong buổi hội thảo: “Hội thảo khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ tổ chức tại đây.

Và câu hỏi đó, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng xin nhường lại phần trả lời cho các thầy cô giáo, những người làm chính sách giáo dục và nhờ Báo điện tử Giáo dục Việt Nam truyền tải.

Sáng ngày 10/4, tập thể giáo viên cùng hơn 1000 học sinh Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) đã tham dự hội thảo.

Với vai trò là diễn giả, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã dành hơn 3 giờ đồng hồ để chia sẻ vai trò, cơ hội và thách thức đối với các em học sinh cấp 3, những người đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Theo nhà tổ chức, việc định hình con đường, định hướng khởi nghiệp tương lai sẽ rất quan trọng đối với các em.

Những khái niệm trừu tượng từ cuộc cách mạng 4.0 mà cả thế giới đang bước vào hiện nay đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đơn giản hóa thành những câu chuyện đời sống, những lợi ích hàng ngày gắn bó gần gũi với các em học sinh vùng nông thôn.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã giúp các em nhận thức rõ cơ hội và thách thức trong thời kỳ cách mạng 4.0 (Ảnh: Lại Cường).

Những câu chuyện về cuộc đời hoạt động khoa học, tấm gương tự học của giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã truyền cảm hứng cho nhiều em học sinh và cả các thầy cô giáo đang học tập và giảng dạy tại Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy.

Mở đầu cuộc nói chuyện, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã truyền tải thông điệp của học sinh phương Tây: "Học để thành người tự do. Tự do để được lựa chọn công việc, tự do mang tri thức của mình ra để phục vụ cuộc sống của bản thân, gia đình, xã hội…”.

Thông điệp của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã nhận được sự hưởng ứng đặc biệt của các em học sinh trường Thanh Thủy.

Những tấm gương vượt khó như “vua bơ” Trịnh Xuân Mười hay tấm gương vươn lên khỏi nghịch cảnh như cô sinh viên sư phạm không tay Lê Thị Thắm đã đem đến cho các em học sinh sự xúc động mạnh mẽ.

Trong phần giao lưu và đặt câu hỏi đối với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, nhiều câu hỏi về khởi nghiệp, định hướng nghề nghiệp tương lai đã được các em đặt câu hỏi với giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Em Nguyễn Thị Kim Huế, học sinh lớp 12A4 đã viện ra việc học sinh các nước Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển chỉ phải học 4 tiếng/ngày, không phải làm bài tập về nhà mà vẫn giỏi để đặt câu hỏi với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng về vai trò của việc làm bài tập về nhà.

Nhiều em học sinh cũng bày tỏ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về sự mệt mỏi khi phải làm quá nhiều bài tập về nhà.

Nhiều em cho rằng nhiều lúc bài tập về nhà nhiều đến mức em không có thời gian để tìm hiểu những kiến thức bên ngoài.

Em Khánh Dương lớp 10A6 bày tỏ lo lắng về việc học đại học trong nước khó xin việc, việc em chọn đi du học nước ngoài theo diện tự túc để tìm kiếm cơ hội có phải là lựa chọn đúng đắn?

Em Dương cũng đã nhận được nhưng tư vấn hết sức đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh từ phía thầy Nguyễn Lân Dũng.

Được nghe, giao lưu, đặt câu hỏi với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là một trải nghiệm khó quên với nhiều em học sinh trường Trung học phổ thông Thanh Thủy (Phú Thọ) (Ảnh: Lại Cường)

Trước ngưỡng cửa đại học, nhiều em học sinh của trường cũng trăn trở về việc chọn ngành nghề an toàn do bố mẹ sắp sẵn để đảm bảo có việc làm hay sẽ học theo nghề nghiệp mà mình say mê và ước mơ nhưng lo lắng về “đầu ra” xin việc.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã lấy ví dụ về tỷ phú Jack Ma, người sáng lập ra tập đoàn Alibaba của Trung Quốc để minh họa cho các em.

Mỗi con người đều có lý tưởng và sự đam mê khác nhau, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khuyên các em hãy chọn cho mình con đường phù hợp với bản thân để mình có thể trở thành người tự do dùng tri thức của mình để phục vụ cuộc sống.

Rất nhiều câu hỏi khác nhau đã được các bạn học sinh gửi đến cho Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, buổi hội thảo đã trở thành một diễn đàn hỏi đáp thật sự sôi động.

Sau buổi hội thảo, bày tỏ với phóng viên, nhiều em học sinh đã cho biết, nhờ nghe thầy nói chuyện nhiều em đã xác định rõ con đường mình sẽ lập nghiệp tương lai.

Em Vũ Thị Kim Cúc lớp 11A2 cho biết được sự động viên và tư vấn của thầy em sẽ quyết tâm theo đuổi niềm đam mê của mình.

Em Trần Quang Trung, học sinh lớp 11A1, học sinh giỏi vượt cấp môn tin học cấp tỉnh của Phú Thọ, nguồn dự bị thi học sinh giỏi tin học cấp quốc gia đã bày tỏ sự cám ơn đối với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Trung cho biết, qua buổi nói chuyện với thầy Nguyễn Lân Dũng, Trung quyết tâm hơn trong việc theo đuổi niềm đam mê công nghệ thông tin và ý thức được cơ hội và thách thức của bản thân trong thời đại công nghệ 4.0.

Không chỉ các em học sinh, không ít thầy cô giáo đã nhờ Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tư vấn cho phương pháp trồng nấm để áp dụng cho việc dạy học có phần trực quan sinh động và nếu có điều kiện có thể làm kinh tế.

Thay mặt tập thể cán bộ công nhân viên, giáo viên nhà trường thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Thanh Thủy đã nói lời cảm ơn đến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo.

Theo thầy giáo Tuấn, buổi hội thảo đã truyền cảm hứng cho thầy và trò Trường Trung học phổ thông Thanh Thủy, một ngôi trường có bề dày truyền thống của ngành giáo dục tỉnh Phú Thọ.

Thầy giáo Tuấn đã hứa với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, nhà trường sẽ quyết tâm phấn đấu hơn nữa để phát huy truyền thống hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành của trường Trung học phổ thông Thanh Thủy.

Lại Cường

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cho-em-hoi-hoc-sinh-lam-nhieu-bai-tap-ve-nha-co-ich-cho-giao-duc-viet-nam-khong-post185215.gd