Cho góp vốn, bị quy kết lừa đảo?

Theo Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, sự việc hoàn toàn chỉ là tranh chấp dân sự…

TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ Lê Văn Phùng (giám đốc Công ty CP ĐT XD Lê Gia, trụ sở ở quận 9, TP.HCM) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngay sau phần thủ tục, HĐXX đã nhận định gia đình bị cáo Phùng có đơn kêu oan gửi nhiều ban ngành, cơ quan chức năng và nhận được phản hồi. Tuy nhiên, nhiều tài liệu có lợi, gỡ tội cho bị cáo lại không có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để có thêm thời gian nghiên cứu.

Cấp sơ thẩm: Lừa bán đất dự án

Theo cáo trạng, tháng 4-2008, Công ty Lê Gia ký hợp đồng liên doanh liên kết với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín để thực hiện dự án nông lâm nghiệp tại xã Đắk Ngô (Tuy Đức, Đắk Nông) với tổng diện tích gần 297 ha. Thực hiện dự án, Công ty Lê Gia không trồng được diện tích cao su nào (có trồng keo nhưng bị chết), diện tích đất liên doanh liên kết để người dân xâm chiếm hết… nên tháng 11-2011, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Công ty Quảng Tín chấm dứt hợp đồng liên doanh liên kết với bốn công ty, trong đó có Công ty Lê Gia.

Công ty Quảng Tín nhiều lần mời Công ty Lê Gia đến giải quyết nhưng phía Công ty Lê Gia không đến. Tháng 2-2012, Công ty Quảng Tín đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty Lê Gia. Không đồng ý, Công ty Lê Gia đề nghị Công ty Quảng Tín đề xuất với UBND tỉnh Đắk Nông cho Công ty Lê Gia được thuê lại diện tích đất này để tiếp tục thực hiện dự án. Tháng 6-2012, Công ty Quảng Tín phối hợp với sáu doanh nghiệp liên doanh liên kết (trong đó có Công ty Lê Gia) tiến hành kiểm tra tài sản trên đất của dự án. Trên đất không có tài sản gì của Công ty Lê Gia, toàn bộ diện tích đã bị người dân lấn chiếm. Sau đó, hai bên không thỏa thuận gì thêm. Công ty Lê Gia nhiều lần gửi đơn kiến nghị xin UBND tỉnh Đắk Nông thuê lại diện tích đất này nhưng chưa được giải quyết.

Bị cáo Lê Văn Phùng, người kêu oan rằng bị hình sự hóa quan hệ dân sự. Ảnh: L.TRINH

Tháng 9-2012, biết bà LTV muốn mua đất trồng cà phê, ông Phùng gặp bà V. đưa thông tin dự án và nói dự án vẫn tiến hành bình thường, Công ty Lê Gia chuẩn bị được cấp giấy đỏ. Bà V. đồng ý mua 50 ha đất với giá 3,25 tỉ đồng. Sau đó, ông Phùng nói với bà V. rằng đất chưa chuyển nhượng được, giờ có bà Phùng Thị Bạch Tuyết - một cổ đông của công ty có số vốn góp 30%, sẽ đứng tên bán lại cổ phần cho bà V., khi nào làm thủ tục được thì ông Phùng sẽ làm giấy đỏ cho bà V. Bà V. đồng ý và đã giao cho ông Phùng, bà Tuyết 800 triệu đồng.

Sau đó, bà V. nhiều lần yêu cầu ông Phùng giao đất nhưng không được. Bà V. đòi lại tiền thì ông Phùng chỉ hứa hẹn, không trả nên bà V. tố cáo ông Phùng, bà Tuyết ra Công an tỉnh Đắk Nông.

Cơ quan CSĐT công an tỉnh này khởi tố, bắt tạm giam ông Phùng, bà Tuyết một thời gian rồi cho tại ngoại (ông Phùng bị tạm giam hơn ba tháng, bà Tuyết bị tạm giam gần hai tháng). VKSND tỉnh Đắk Nông truy tố ông Phùng, bà Tuyết về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS (khung hình phạt từ 12 năm tù đến 20 năm tù hoặc tù chung thân). Trong giai đoạn truy tố, bà Tuyết đã tác động gia đình nộp 120 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Tháng 4-2016, TAND tỉnh Đắk Nông xử sơ thẩm đã phạt ông Phùng 15 năm tù, bà Tuyết bảy năm tù, buộc ông Phùng trả cho bà V. 630 triệu đồng.

Bị cáo: Hợp đồng góp vốn đầu tư

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Phùng kêu oan, tố cán bộ điều tra đánh ông đến mức phải nhập viện cấp cứu. Sau đó khi ông điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Đắk Nông, cán bộ điều tra không cho ông nghỉ ngơi mà liên tục lấy lời khai, buộc ông ký vào các biên bản nhận tội.

Theo ông Phùng, hợp đồng giữa Công ty Lê Gia và Công ty Quảng Tín chưa bị chấm dứt mà vẫn đang tiếp tục được thực hiện. Bị cáo dẫn chứng: Trong biên bản làm việc ngày 9-11-2011, Công ty Quảng Tín thống nhất chấm dứt, thanh lý hợp đồng nhưng các đơn vị đầu tư (trong đó có Công ty Lê Gia) không đồng ý. Trong biên bản làm việc ngày 3-3-2014, Công ty Quảng Tín thống nhất đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông cho Công ty Lê Gia được thuê đất. Tháng 7-2016, UBND huyện Tuy Đức có công văn đề nghị Công ty Quảng Tín và Công ty Lê Gia khẩn trương hoàn thành việc giải quyết tranh chấp đất đai với các hộ dân.

Từ đó, ông Phùng cho rằng mình không hề lừa bà V. như cáo trạng truy tố. Ngay từ đầu, bị cáo đã giải thích rõ cho bà V. biết đây là đất dự án nên không thể chuyển nhượng, chỉ có thể cho bà góp vốn đầu tư bằng cách mua lại phần vốn góp. Bản thỏa thuận góp vốn của bà V. có nội dung thể hiện bà V. đồng ý mua 17% cổ phần của bà Tuyết. Phiếu thu tiền cũng ghi rõ nội dung mua góp vốn cổ đông. Biên bản họp HĐQT Công ty Lê Gia cũng xác nhận phần vốn góp của bà V. là 17%. Bà V. mới đưa trước 800 triệu chứ chưa đủ 3,25 tỉ đồng tương ứng với 17% vốn góp… Đặc biệt, một lời khai của bà V. tại CQĐT cũng thể hiện có việc góp vốn này: “Ông Phùng nói bà Tuyết có vốn góp là 5,8 tỉ đồng, tương đương 30% tổng giá trị vốn góp, chuyển nhượng cho tôi 17%, tương đương với 3,25 tỉ đồng. Tôi đồng ý chấp nhận 17% vốn góp”...

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về phiên xử phúc thẩm.

Cơ quan điều tra Bộ Công an: Chỉ là tranh chấp dân sự!

Lúc ông Phùng bị tạm giam, vợ ông Phùng đã có đơn kêu cứu gửi khắp nơi kêu oan cho chồng. Ngày 28-12-2015, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C44) đã có công văn gửi Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế VKSND Tối cao (Vụ 3) để trao đổi quan điểm về vụ án này.

Theo C44, các tài liệu có lợi, gỡ tội cho ông Phùng mà vợ ông Phùng cung cấp cho C44 không có trong hồ sơ mà Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông cung cấp cho C44. Việc khởi tố, bắt tạm giam ông Phùng, bà Tuyết là nóng vội, chưa vững chắc, thiếu thuyết phục.

C44 phân tích: Thực hiện dự án này, Công ty Lê Gia kê khai đã đầu tư hơn 11 tỉ đồng. Công ty Quảng Tín thừa nhận Công ty Lê Gia đã bỏ vốn đầu tư nhiều hơn kê khai. Theo Điều 4 của hợp đồng liên doanh liên kết, không bên nào được đơn phương chấm dứt hợp đồng, nếu có tranh chấp mà thương lượng giải quyết không được thì yêu cầu tòa án giải quyết. Hợp đồng liên doanh liên kết giữa hai công ty vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Như vậy, Công ty Lê Gia vẫn còn quyền lợi và trách nhiệm liên quan đến diện tích đất đã nhận. Đồng thời, công ty này đang làm các thủ tục xin được thuê đất (điều kiện để được cấp giấy đỏ) dự án. Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng có văn bản xác nhận và hứa sẽ cho công ty thuê đất trực tiếp thực hiện dự án.

Theo C44, số tiền bà V. giao cho ông Phùng là tiền đặt cọc. Thỏa thuận mua bán cổ phần cũng chưa hoàn thành. Không có tài liệu chứng minh ông Phùng, bà Tuyết chiếm đoạt tiền của bà V. Hồ sơ thể hiện bà V. là người am hiểu về đất đai. Trước khi ký thỏa thuận, ông Phùng đã cho bà V. xem hồ sơ đất, dự án. Bà V. cùng thống nhất với ông Phùng về việc mua bán thông qua mua cổ phần. Do đó không có căn cứ chứng minh ông Phùng, bà Tuyết đã có hành vi gian dối.

Từ đó, C44 nhận định với hồ sơ hiện tại mà Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông cung cấp thì sự việc này hoàn toàn chỉ là tranh chấp dân sự.

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/cho-gop-von-bi-quy-ket-lua-dao-661971.html