Cho HS đi hoạt động trải nghiệm tham quan, ai là người hưởng lợi nhiều nhất?

Khi nhà trường mang thi đua của giáo viên ra hù dọa và trói buộc gần như tất cả giáo viên buộc phải tham gia.

Sau khi rò rỉ đoạn tin nhắn của Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa, Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh nhắn tin đến toàn thể giáo viên chủ nhiệm khoản hỗ trợ của công ty tổ chức với giáo viên chủ nhiệm đưa học sinh đi Hoạt động trải nghiệm, dư luận đã dậy sóng và đặt nhiều thắc mắc về khoản tiền mà hiệu trưởng sẽ được nhận.

Ảnh minh tin nhắn: giaoduc.net.vn

Tin nhắn của hiệu trưởng có nội dung như sau: "Đây là logo dán trên xe và băng rôn toàn đoàn để chụp hình. Nói là không bắt buộc để phụ huynh họ khỏi phàn nàn và làm phiền, rồi thưa kiện không hay.

Nhưng đây không phải là chuyến tham quan bình thường mà là một buổi học ngoại khóa của môn giáo dục địa phương.

Giáo viên chủ nhiệm bằng mọi giá phải cho lớp tham gia đầy đủ (trừ những phụ huynh nào họ kiếm chuyện thì thôi). Bên du lịch họ sẽ mời một xe là 2 giáo viên cùng đi và gởi lại cho giáo viên chủ nhiệm là 10.000 đồng/học sinh. Lớp nào sĩ số đi ít quá thầy (hiệu trưởng) sẽ xem xét đánh giá đối với giáo viên chủ nhiệm trong quý 2".

Giáo viên “nằm giữa 2 lằn ranh”

Đọc dòng tin nhắn của lãnh đạo gửi với nội dung: “Giáo viên chủ nhiệm bằng mọi giá phải cho lớp tham gia đầy đủ… Lớp nào sĩ số đi ít quá thầy (hiệu trưởng) sẽ xem xét đánh giá đối với giáo viên chủ nhiệm trong quý 2” cũng đủ thấy các thầy cô phải chịu áp lực đến mức nào.

Việc vận động học sinh tham gia Hoạt động trải nghiệm nhưng thực tế như thầy hiệu trưởng này này nhắn "không phải chuyến tham quan bình thường "hiện nay không hề đơn giản. Nhiều phụ huynh cương quyết không cho các con tham gia vì lo lắng và bất an.

Bởi, đã có không ít trường hợp đau lòng xảy ra khi các con đi tham quan du lịch với nhà trường.

Thầy cô nào trong hoàn cảnh này cũng sẽ rất rối. Một mặt phải tìm mọi cách thuyết phục học sinh, phụ huynh để đảm bảo sĩ số học sinh tham gia một lớp sao cho đầy đủ.

Mặt khác, lo sợ không vận động đủ chỉ tiêu tham gia sẽ bị cắt thi đua. Đây chính là yếu tố chính, là lý do quan trọng nhất buộc giáo viên phải thật sự cố gắng.

Khi nhà trường mang thi đua của giáo viên ra hù dọa và trói buộc gần như tất cả giáo viên buộc phải tham gia.

Khi bị đánh giá xếp loại chưa đạt hoặc đạt ở mức trung bình, không chỉ xóa bỏ toàn bộ nỗ lực, phấn đấu trong giảng dạy của một năm học và danh dự nhà giáo bị tổn thương mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập tăng thêm theo quý của giáo viên tại thành phố.

Một số đồng nghiệp cho biết trong những trường hợp tương tự như thế này, giáo viên thường phải dùng đủ mọi cách như năn nỉ, hù dọa học sinh, rồi không có điểm trải nghiệm, sẽ xếp loại hạnh kiểm…để lôi kéo học sinh tham gia.

Thầy cô bỗng rơi vào tình thế kẹt giữa 2 lằn ranh giữa gia đình học sinh và giữa sức ép của nhà trường.

Giáo viên có phải vì tiền được hỗ trợ mà tích cực vận động học sinh?

Thông thường, trong những lần đưa học sinh đi tham quan du lịch kiểu này, giáo viên chỉ không phải đóng tiền cho bản thân còn chuyện được bồi dưỡng tiền như hiệu trưởng trường Nguyễn Văn Bứa nhắn cũng không phổ biến.

Tuy nhiên, với một lớp khoảng 40 học sinh, giáo viên được hỗ trợ khoảng 400 nghìn đông cho một ngày đưa học sinh đi tham quan cũng chẳng giáo viên nào hứng khởi. Nếu là nhiệm vụ, là trách nhiệm các thầy cô buộc phải đi, còn với số tiền ấy chắc chắn không giáo viên nào muốn đi để nhận.

Ai đã từng dẫn học sinh đi tham quan sẽ hiểu. Không chỉ đơn giản là vất vả, mệt nhọc mà tinh thần luôn trong trạng thái căng thẳng. Do các em đang ở độ tuổi nghịch ngợm, hay quên lời dặn dò của giáo viên nên nhiều nỗi lo sợ vây quanh thầy cô như học sinh vui chơi bị tai nạn, học sinh bị thất lạc…thì trách nhiệm đổ lên đầu hết sức nặng nề.

Ai mới là người hưởng lợi nhất trong những chuyến tham quan du lịch kiểu này?

Một hiệu trưởng (đề nghị không nêu tên) thổ lộ “Khi các công ty du lịch mời gọi tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm đều hứa sẽ trích lại phần trăm hoa hồng cho hiệu trưởng.

Tùy vào từng công ty du lịch mà phần trăm hoa hồng trích lại cao hay thấp. Cũng tùy theo số lượng học sinh tham gia và số tiền gói du lịch.

Càng đông học sinh tham gia, số tiền gói du lịch càng lớn thì phần trăm trích lại càng nhiều. Tôi từng nhận được những lời hứa sẽ được trích lại là 5%.

Khi có tiền hoa hồng lại tùy từng hiệu trưởng xử lý. Có trường, hiệu trưởng nhận riêng 3%, còn 2% còn chia đều cho giáo viên tham gia.

Có trường thì hiệu trưởng nhận hết, giáo viên tham gia là trách nhiệm. Lại có trường, số tiền hoa hồng được trích lại, hiệu trưởng công bố giữa hội đồng và đưa vào quỹ phúc lợi để dùng chung”.

Trong câu chuyện của Trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa trước thông tin giáo viên được hỗ trợ 10.000 đồng/học sinh tham gia, nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi, vậy hiệu trưởng nhận được bao nhiêu? Lẽ nào hiệu trưởng lại không nhận được gì?

“Giáo viên chủ nhiệm bằng mọi giá phải cho lớp tham gia đầy đủ”, yêu cầu cương quyết này làm nhiều người phải băn khoăn vì sự học của học sinh hay vì điều gì khác phải buộc học sinh tham gia như vậy?

Không đi tham quan du lịch lẽ nào không học được trải nghiệm?

Trong khi Hoạt động trải nghiệm được thể hiện ở khá nhiều hình thức khác nhau như trò chơi, hội thi, diễn đàn, giao lưu, tham quan du lịch, sân khấu hóa, thể dục thể thao, câu lạc bộ,…

Phạm vi tổ chức của hoạt động trải nghiệm cũng phong phú. Có thể tổ chức tại nhiều địa điểm khác nhau ở trong hoặc ngoài nhà trường mà không nhất thiết phải đi đến các nơi xa, địa điểm vui chơi giải trí.

Khi chọn hình thức tổ chức Hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường, để tránh gây áp lực về tài chính cho những gia đình khó khăn, đảm bảo được an toàn cho học sinh, theo người viết chỉ nên chọn những địa điểm quanh khu vực xã/phường, quận/huyện mà trường đang đóng là đủ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ngân Hoa

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/cho-hs-di-hoat-dong-trai-nghiem-tham-quan-ai-la-nguoi-huong-loi-nhieu-nhat-post234150.gd