Chở mẹ đi câu cá

Chị có tướng tá nhìn như một gã trai và thú vui rất khác biệt so với phần đông phụ nữ. Những lúc buồn, chị thường vác cần đi câu cá.

Một nửa làm đầy thế giới là tập truyện ngắn gồm 19 tác phẩm được tuyển chọn từ cuộc thi viết về phụ nữ do NXB Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM tổ chức.

Các tác phẩm này đã vẽ nên chân dung, những vấn đề mà phụ nữ trong xã hội hiện nay phải đối mặt.

Được sự đồng ý của NXB Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM, Zing trích đăng một số truyện trong sách.

Mẹ chị vừa qua đời. Bà già ra đi vào một ngày cuối mùa hạ. Con người dù già, trẻ gì rồi cũng tới ngày làm một chuyến đi xa... mãi mãi! Xóm trọ bờ kè mới vừa tiễn một người già, một người trẻ qua cầu Vĩnh Hằng để lên đài hỏa táng trên hoa viên. Ai đang ở đời này rồi cũng sẽ đến ngày kết thúc sự sống!

Hôm nay là chủ nhật, bốn mươi chín ngày mẹ chị mất! Ba bữa trước, anh Hai gọi điện kêu chị cuối tuần này về nhà để cúng thất cho bà già, nhưng chị chỉ ậm ừ chứ không trả lời rõ ràng là sẽ về hay không, dù thâm tâm chị đã chắc chị sẽ không về nhà.

Chị đã dự tính trước sẽ đi câu cá vào chủ nhật này. Chị đã ủ mẻ chua và chuẩn bị các thứ cần thiết cho chuyến đi câu từ mấy hôm trước. Nhưng tại sao chị lại đi câu cá vào cái ngày lẽ ra nên phải về nhà để cúng thất cho mẹ!?

Sách Một nửa làm đầy thế giới. Ảnh: Q.M.

Chị đã dọn ra khỏi căn nhà mấy chục năm in đầy ký ức khắp các ngõ ngách, sau khi căn buồng mẹ chị đang ở được sửa sang cho cháu chuẩn bị cưới vợ.

“Mẹ già cả, đâu cần ở phòng ốc làm gì cho tù túng, cho mẹ ra phòng khách nằm cho rộng rãi”. Anh Hai chị lý giải như vậy khi dọn những món đồ của bà già ra khỏi căn phòng.

Chị không muốn nhìn thấy những chuyện vừa ngứa mắt vừa ngược đời. Người già không còn được nhiêu thời gian, trong khi những đứa trẻ còn thò lò mũi xanh thì được chăm đến tận khi cưới vợ cưới chồng.

Kiểu nào thì cũng là ở trọ cuộc đời này. Nhà trọ hay nhà mình thật ra chỉ khác nhau ở cách nghĩ. Chỉ là chị không can tâm nhìn cái cây mấy chục năm oằn nặng trái to, trái nhỏ đến khi già cỗi thì không được tưới tắm, vun bồi.

Sau khi chị tự giác bứng mình ra khỏi căn nhà, mẹ chị cũng được sắp xếp một chuyến vòng quanh. Mỗi cuộc dịch chuyển, bà già “tạm trú” ngắn hạn lại nhà mỗi người con hai tuần lễ. Hết một vòng đầu, bà già được “neo” lại luôn “nhà” đứa con Út - là chị!

Mấy anh chị của chị đã làm cuộc hội nghị... bàn chữ nhật giữa nhà, như vầy: “Út sống một mình, không vướng bận con cái, mẹ ra ở với Út là hợp tình hợp lý nhất. Chờ anh cất lại cái nhà cho đàng hoàng rồi rước mẹ về, giờ tạm thời vậy, tới tháng anh phụ tiền Út lo cho mẹ...!” - anh Hai chị nêu lý do và rõ ràng có trách nhiệm!

“Chị cũng vậy đi, tới tháng chị đưa tiền Út lo cho mẹ luôn dùm chị, chứ chị mắc bán suốt ngày, đâu thể ngó chừng mẹ hai bốn trên hai bốn được, còn phải đưa rước hai đứa nhỏ đi học thêm, học bớt” - chị Ba chị đưa ý kiến!

“Tao cũng vậy đi. Có gì tao đưa tiền mày lo cho mẹ dùm, chứ tao đi công tác suốt đâu có ở nhà. Giao mẹ cho vợ tao, nó cứ gọi điện cử nhử, cằn nhằn tao tối ngày, không họp hành gì được. Mà mẹ ruột nó, nó còn không lo, thì lấy đâu mà nó chịu lo cho mẹ chồng? Tao cũng khó xử lắm” - anh Tư chị trần tình!

“Thôi thì phần nuôi mẹ của chị nhờ Út lo luôn dùm. Tới tháng lãnh lương chị phụ tiền, khỏi mất công chở mẹ đi tới đi lui để người ngoài nhìn vô dị nghị, bêu rếu xấu hổ...!” - chị Năm chị thì nhẹ nhàng và tình cảm hơn!

Chị đón nhận người đàn bà héo hắt, gầy nhom sau những chuyến vòng quanh bằng cái nhìn và sự cảm thông giữa một người phụ nữ với một người phụ nữ, rồi chợt thấy mình may mắn!

May mắn vì đã chọn cảnh giới: Một mình, để nếu có hên hên, có lỡ sống đến già giống như người đàn bà này cũng không phải tủi thân vì... có con, có cháu!

Cuối cùng thì mẹ chị cũng được ở yên một chỗ. Cư dân xóm trọ bờ kè chửi chị khùng, nói bà già có nhà có cửa đàng hoàng mà cuối đời đi sống cảnh nhà trọ chật chội, nóng bức.

Từ ngày được “chuyển khẩu” ra nhà trọ, mẹ chị có vẻ tươi tỉnh hơn. Giống như cái cây đang thiếu nước được tưới tắm thì tỉnh tươi trở lại. Nên hễ có người kêu đi phụ bán thì chị đi, chứ mà rảnh là chị xách xe chở mẹ đi chơi.

Mỗi lần chở mẹ đi câu cá, lần nào chị cũng nhớ mang theo cái võng dù, và một cần câu tay. Tới chỗ, chuyện đầu tiên là chị đi tìm chỗ mắc võng cho mẹ mệt, có chỗ nằm.

Chị gạt chống xe, rồi xách võng mắc vào gốc cây si. Lần cuối cùng, ba tháng trước, chị đã chở mẹ đến chỗ này câu cá một lần. Hôm đó mẹ đã nằm võng ngủ một giấc ngon lành đến chiều.

Lúc sáng, trước khi soạn sành các thứ lên xe máy, chị không quên thắp nhang lên bàn thờ. Lúc ra xe, chị chất hộp đồ nghề câu phía trước, đeo bao cần ở vai bên trái, hệt như mọi khi... Mắc võng xong, chị bóp mồi, vo từng viên mắc vào từng chiếc lưỡi chùm nho, rồi ngược cần, bung nhợ...

Véo...! Sau tiếng véo là một cái vòng tròn nước to đùng loang ra nước giữa mặt hồ. Vòng tròn nước to dần, to dần rồi loãng mất! Nhìn nắng soi mặt hồ, chị đoán, giờ này chắc ông thầy tụng đang đọc kinh ứ ừ, kêu tên mẹ chị ở nhà. Khói nhang đang tỏa nghi ngút, nghi ngút...

Mấy người chị dâu đang xì sụp lạy sau mỗi tiếng gõ chuông nghe “beng, beng, beng”... Chị Ba và chị Năm chắc đang khóc tu tu, gương mặt họ chắc đang giàn giụa nước mắt. Anh Hai và anh Tư chị chắc đang bận tiếp khách ở ngoài.

Họ đang ngồi nhắc lại những chuyện cũ về mẹ với mấy người bạn, mà cũng có khi là họ nói chuyện về công việc làm ăn. Chỉ có một điều chị không đoán mà chắc rằng là mẹ chị đang không có ở nhà! Bởi lúc còn sống không được ở nhà thì chết bà già “về đó” để làm gì?

Một con chuồn chuồn bỗng từ đâu bay đến đậu ngay đọt cần. Chị nhìn con chuồn chuồn cánh mỏng rồi... rùng mình! Chị đang nghĩ đến mẹ!

Lê Ngọc Hạnh / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cho-me-di-cau-ca-post1145915.html