Chợ Mới phát triển kinh tế - xã hội

Quý I/2023, kinh tế - xã hội huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) phục hồi và tiếp tục phát triển. Các chính sách an sinh xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; dịch bệnh được kiểm soát tốt; hoạt động sản xuất - kinh doanh phát triển, tạo đà cho Chợ Mới hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Từ đầu năm 2023 đến nay, sản xuất nông nghiệp ở huyện cù lao Chợ Mới tiếp tục khẳng định vị thế “bệ đỡ” của nền kinh tế. Nông dân đã chuyển dịch 9.369,46ha đất nông nghiệp sang các mô hình kinh tế phù hợp, như: Trồng màu, cây ăn trái, vườn tạp... Vụ đông xuân 2022 - 2023, toàn huyện Chợ Mới đã xuống giống 20.302ha, đạt 101% kế hoạch, giảm 593ha so cùng kỳ. Trong đó, cây lúa 12.665ha, đạt 100% kế hoạch, giảm 670ha so cùng kỳ; năng suất trung bình 7,51 tấn/ha.

Nhờ năng suất, giá bán cao hơn cùng kỳ 2022, nông dân đạt lợi nhuận khoảng 10 - 15 triệu đồng/ha. Cây màu xuống giống 7.637ha, đạt 102,6% kế hoạch, tăng 77ha so cùng kỳ, thị trường tiêu thụ khá ổn định. Diện tích trồng cây ăn trái tiếp tục phát triển, đến nay đạt hơn 8.010ha, trong đó có 6.415,46ha xoài (hơn 6.280ha xoài đến tuổi cho trái, chiếm tỷ lệ 97,9%). Cây xoài đang bắt đầu vào vụ, đã thu hoạch được 1.365ha, sản lượng 17.745 tấn.

Hoạt động chăn nuôi trên địa bàn huyện Chợ Mới tiếp tục phát triển, đàn bò hơn 19.000 con, đàn heo hơn 14.100 con, gia cầm gần 394.300 con. Nuôi thủy sản khởi sắc do giá cá tra ổn định ở mức cao (28.000 - 30.000 đồng/kg). Phần lớn diện tích nuôi đều có liên kết với doanh nghiệp theo các tiêu chuẩn xuất khẩu và nuôi theo hình thức thâm canh công nghiệp. Đối với các loài cá khác, giá và thị trường tiêu thụ nội địa ổn định, người nuôi có lãi, như: Cá lóc 40.000 - 42.000 đồng/kg, cá điêu hồng 38.000 - 40.000 đồng/kg...

Tăng cường xúc tiến, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có tốc độ tăng khá, ước giá trị quý I/2023 đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 9,78% so cùng kỳ 2022. Huyện phát triển mới 26 cơ sở sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm cho 52 lao động. Các hoạt động khuyến công được quan tâm, đã giải ngân hỗ trợ vốn vay cho 5 hộ, số vốn 6,49 tỷ đồng; hỗ trợ 300 triệu đồng cho 1 cơ sở đầu tư máy móc.

Trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, huyện Chợ Mới đã thi công hoàn thành 25/82 dự án, 41 dự án đang thi công, còn lại đang thực hiện các thủ tục, tiến độ giải ngân quý I đạt trên 60 tỷ đồng, chiếm 12% tổng vốn đầu tư công năm 2023. Các hoạt động thương mại, dịch vụ khá nhộn nhịp, huyện phát triển mới 151 hộ, cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, vốn đầu tư gần 21,4 tỷ đồng; hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu của người dân. Thu ngân sách gần 348,9 tỷ đồng, đạt 35% dự toán năm 2023.

3 tháng đầu năm, Chợ Mới đón hơn 12.300 lượt du khách đến tham quan, du lịch các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo ở 3 xã cù lao Giêng; gần 6.700 lượt khách đến Khu du lịch sinh thái Mỹ Luông, Khu du lịch sinh thái Cồn Én.

Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt, chi trả trợ cấp kịp thời cho các đối tượng, số tiền gần 39,6 tỷ đồng; gần 4.000 người tìm được việc làm mới, xuất khẩu lao động 19 người. Các hoạt động văn hóa, xã hội tiếp tục duy trì ổn định, chăm sóc sức khỏe nhân dân đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững. Xã Hòa Bình được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh kết quả đạt được, huyện Chợ Mới vẫn còn những khó khăn, hạn chế, như: Sự tăng trưởng “nóng” của cây sầu riêng dễ tiểm ẩn rủi ro cung vượt cầu, rớt giá khi thu hoạch. Tình hình tai nạn giao thông, tội phạm mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy và trộm cướp tài sản có chiều hướng gia tăng, gây tâm lý bất an trong xã hội. Một số ngành chuyên môn, địa phương thiếu kiểm tra, giám sát, dẫn đến phát hiện thiếu sót sau khi kết luận thanh tra chuyên ngành, nhất là công tác tài chính, xây dựng…

Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Cù Minh Trọng đề nghị trong quý II/2023, các ngành, các cấp tập trung triển khai đồng bộ kế hoạch xuống giống vụ hè thu; phòng, chống thiên tai; xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp 2 năm 5 vụ; cấp mới mã số vùng trồng 1.000ha ở các vùng đủ điều kiện cho các sản phẩm chủ lực của huyện.

Ngoài ra, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu để đảm bảo đầu ra, nâng cao chất lượng nông sản.

Chợ Mới đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Huyện điều chỉnh quy hoạch vùng của huyện trình tỉnh phê duyệt; lập quy hoạch chi tiết các khu đất công để có phương án khai thác, tạo nguồn thu cho ngân sách. Quản lý chặt chẽ công tác đầu tư xây dựng; đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm: Đường kênh Long Điền A-B, đường vòng 3 xã cù lao Giêng, Trung tâm Y tế huyện, các công trình nông thôn mới; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình, dự án trọng điểm.

Đồng thời, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án kêu gọi đầu tư; tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý về cấp phép xây dựng. Huyện thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đào tạo nghề; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội...

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/cho-moi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-a360577.html