Cho Mỹ dùng căn cứ, cái giá đắt với Na Uy

Theo tờ Dagsavisen, Na Uy có thể sẽ phải trả một cái giá không hề rẻ cho việc đồng ý để lực lượng Mỹ sử dụng sân bay quân sự Rigge.

Hai ứng viên đại biểu Quốc hội Na Uy là Hannah Berg và Lars Tveiten đã chỉ trích thỏa thuận hợp tác bổ sung do Bộ trưởng Quốc phòng nước này Frank Bakke-Jensen ký với Mỹ. Theo thỏa thuận đó, sân bay Rigge của Na Uy sẽ phải chuyển cho quân đội Mỹ sử dụng.

Phi đội B-1B Lancer Mỹ đến Na Uy hồi đầu năm.

Phi đội B-1B Lancer Mỹ đến Na Uy hồi đầu năm.

"Thỏa thuận được giới thiệu như một món quà sẽ bảo vệ lợi ích đất nước chúng ta, nhưng nếu vậy thì giá của nó quá đắt. Chúng tôi lo ngại rằng việc xây dựng căn cứ quân sự Mỹ ở Na Uy sẽ làm gia tăng căng thẳng ở Bắc Âu, và chúng tôi coi đây là nỗ lực leo thang trong khu vực của chúng ta", các ông Berg và Tveiten nói.

Hai ông Berg và Tveiten nhấn mạnh rằng họ không muốn Na Uy biến thành chiến trường của các nước NATO và Nga. Trong khi đó, Chính phủ Na Uy cho biết, thỏa thuận mới được ký kết sẽ tạo điều kiện để Mỹ xây dựng các công trình tại 3 sân bay và 1 căn cứ Hải quân Na Uy.

"Thỏa thuận này điều chỉnh và tạo điều cho sự hiện diện của quân đội Mỹ trong huấn luyện, tập trận tại Na Uy, từ đó hỗ trợ triển khai nhanh chóng lực lượng Mỹ tại Na Uy trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc chiến tranh", tuyên bố của chính phủ Na Uy.

Cùng với đó, Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soereide cũng nhấn mạnh rằng: "Hợp tác của chúng tôi với đồng minh dựa trên phát triển không ngừng. Thỏa thuận củng cố mối quan hệ thân thiết của Na Uy với Mỹ và chứng thực vị trí then chốt của Na Uy tại sườn Bắc của NATO".

Ngoài thỏa thuận vừa được ký kết, Na Uy còn đồng ý cho lực lượng Mỹ tăng số quân đóng trên lãnh thổ của mình từ 300 lên tới 700 người. Những quyết định này đã vấp phải sự phản ứng từ phía Nga.

"Chúng tôi chú ý đến các báo cáo của Bộ Quốc phòng Na Uy, trong đó có thỏa thuận của Oslo tăng gấp đôi Thủy quân lục chiến Mỹ đóng quân trên lãnh thổ Na Uy từ 330 đến 700 người, kéo dài sự hiện diện luân phiên của họ ở đó trong 5 năm, mở rộng quân sự ở phía bắc, gần biên giới với đất nước chúng tôi và tạo ra cơ sở hạ tầng cho các máy bay chiến đấu bằng chi phí của Mỹ dưới sự thực hiện của cái gọi là sáng kiến châu Âu để ngăn chặn Nga.

Nga tin rằng những quyết định như vậy sẽ làm suy yếu chính sách truyền thống của Na Uy về việc không triển khai trên lãnh thổ của các căn cứ quân sự nước ngoài trong thời gian hòa bình ở cơ sở thường trú. Rõ ràng là hành động của chính quyền Na Uy hiện nay làm suy yếu lòng tin, gây bất ổn trong quan hệ song phương và gây ra lo ngại về những cam kết trước đó", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga.

Gần như tất cả lực lượng Mỹ tại Na Uy đều đồn trú ở vùng Inner Troms gần với lãnh thổ Nga. Việc luân chuyển cũng sẽ kéo dài đến 5 năm thay vì 6 tháng như trước đây.

Nga cho rằng, hành động của Na Uy đi ngược lại cam kết của nước này vào năm 1949 là không cho phép nước ngoài lập căn cứ trên lãnh thổ trừ trường hợp bị tấn công hoặc đe dọa. "Quyết định trên của Na Uy có thể làm leo thang căng thẳng, gây ra cuộc chạy đua vũ trang và làm mất ổn định tại vùng Bắc Âu", Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Moscow xem động thái trên là không thân thiện và cảnh báo sẽ có hậu quả. "Chúng tôi thấy động thái trên của Na Uy rõ ràng là không thân thiện và sẽ phải chịu hậu quả kèm theo", thông báo nêu rõ.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/cho-my-dung-can-cu-cai-gia-dat-voi-na-uy-3431518/