Cho những con tàu bình yên rẽ sóng

Nơi trùng khơi, lá cờ Tổ quốc tung bay trên mỗi con tàu trở thành hình tượng thiêng liêng, tự hào. Trong vùng lãnh hải Việt Nam, đồng hành cùng những 'cột mốc sống' chính là lực lượng cảnh sát biển.

“Hộ mệnh” trên biển

Đã hơn 1 năm trôi qua, nhưng bà Trương Thị Việt (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) còn nhớ như in chuyến tàu định mệnh của gia đình. Con tàu số hiệu QNg - 90499TS do bà Việt làm chủ ra khơi hành nghề lặn đánh bắt cá vào ngày 21/6/2019, đến ngày 28/6, tàu bị hỏng máy nên thả neo, phát tín hiệu cứu hộ cứu nạn. Do ảnh hưởng của sóng gió, ngày 13/7, tàu bị đứt 2 dây neo, trôi dạt đến bãi cạn cách cảng Kỳ Hà hơn 300 hải lý.

Cảnh sát biển tặng thực phẩm cho ngư dân trên tàu bị nạn. Ảnh: Nam Trung

Nhận được thông báo đề nghị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn tàu cá QNg - 90499TS, Bộ Tư lệnh (BTL) Cảnh sát biển đã lập tức điều động tàu CSB 4032 khẩn trương tìm kiếm. Sau hơn 25 giờ hành trình, vào lúc 15 giờ 30 ngày 14/7, tàu CSB 4032 đã tiếp cận được tàu cá QNg - 90499TS cách Nam đảo Bông Bay 25 hải lý.

Sau khi tiếp cận, tàu CSB 4032 cử cán bộ quân y sang thăm khám sức khỏe, động viên tinh thần các thuyền viên trên tàu cá bị nạn; đồng thời cung cấp lương thực, thực phẩm và triển khai phương án lai dắt tàu bị nạn về đất liền.

Ngay khi cập cảng Hải đoàn 21, lãnh đạo BTL Vùng Cảnh sát biển 2 và đại diện chính quyền huyện Bình Sơn đã đón, thăm hỏi và động viên các ngư dân trên tàu bị nạn. Đồng thời, BTL Vùng Cảnh sát biển 2 cử tổ kỹ thuật cơ động xuống tàu để khảo sát, khắc phục hư hỏng cho tàu cá bị nạn và tổ chức bàn giao tàu cá QNg - 90499TS cùng 6 ngư dân bị nạn cho đại diện chính quyền huyện Bình Sơn.

“Năm đó nếu không có các anh cảnh sát biển thì không biết mọi chuyện sẽ như thế nào. Suốt 14 ngày, 6 thuyền viên trôi dạt trên biển, các tàu cá khác đều không thể tiếp cận được vì bãi cạn và thời tiết biển quá xấu. Người thân chúng tôi ở nhà như ngồi trên đống lửa. Bây giờ thì mọi chuyện đều đã ổn, tàu vẫn ra khơi đánh bắt bình thường, ơn nghĩa đó chúng tôi không bao giờ quên”, bà Việt rưng rưng.

Tàu cảnh sát biển lai dắt tàu gặp nạn. Ảnh: Nam Trung

Quản lý vùng biển từ đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) đến cù lao Xanh (tỉnh Bình Định), trong những năm qua, BTL Vùng Cảnh sát biển 2 đã thực hiện 65 lượt tìm kiếm, cứu nạn. Qua đó, cứu được 61 phương tiện và 596 ngư dân. Trong đó, có nhiều vụ việc xảy ra ở các vùng biển xa, trong điều kiện thời tiết khó khăn, phức tạp.

Đối với ngư dân và bà con làng biển ở dọc các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định, hình ảnh những con tàu trắng của BTL Vùng Cảnh sát biển 2 hiện hữu giữa biển khơi như một biểu tượng vững chắc của chủ quyền. Ngư dân yên tâm đánh bắt trên biển, cùng chung tay bảo vệ từng tấc lãnh hải, vơi bớt nhiều nỗi lo mỗi khi gặp bất trắc giữa biển cả. Nhiều chuyến hải hành đáng nhớ của lực lượng Cảnh sát biển đưa những con tàu trở về trong dông gió, như một cuộc tái sinh cho biết bao phận người.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), trong nhiều năm qua, lực lượng Cảnh sát biển đã kề vai sát cánh, đồng hành cùng ngư dân.

“Ngư dân được các anh giúp đỡ rất nhiều, khi thì hỗ trợ lương thực, cấp cứu người bị nạn, lúc lai dắt tàu… Nhờ đó mà ngư dân an tâm bám biển”, ông Hùng chia sẻ.

Thương hiệu riêng

Giữa cơn nắng chói chang của những ngày đầu tháng 7, đoàn công tác của BTL Vùng Cảnh sát biển 2 cập bến cù lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Người dân xã đảo đón đoàn bằng những cụ cười thân thiện.

“Ở đây, Cảnh sát biển không xa lạ gì với dân hết. Họ hay đến cù lao, khi thì cấp thuốc, khi thì tặng quà…”, chị Trần Thị Hương (thôn Cấm, xã Tân Hiệp) chia sẻ.

Đại tá Lê Huy Sinh - Chính ủy BTL Vùng Cảnh sát biển 2 tặng quà cho gia đình chính sách.

Đợt công tác kéo dài 3 ngày (9 - 11/7/2020) nằm trong chương trình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân” với nhiều hoạt động như: Khám chữa bệnh, tặng quà cho gia đình chính sách; tổ chức cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”; trao học bổng, xe đạp cho học sinh; tặng cờ, túi sơ cấp cứu cho ngư dân... Chương trình đã làm cho mối quan hệ giữa Cảnh sát biển và vùng hậu phương của ngư dân càng thêm gắn bó.

Ông Đặng Viện (67 tuổi, thôn Bãi Ông) vui vẻ cho biết: “Ở đảo, điều kiện đi lại khó khăn nên ít khi được thăm khám, kiểm tra sức khỏe. Nghe thông tin có bác sĩ của BTL Vùng Cảnh sát biển 2 về khám, cấp phát thuốc miễn phí, bà con chúng tôi đều thu xếp công việc để đến. Các cán bộ, y bác sĩ không chỉ tận tình khám, tư vấn, mà còn hướng dẫn cụ thể về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi”.

"Thực sự rất vinh dự khi được Chính ủy BTL Vùng Cảnh sát biển 2 trao tận tay Quốc kỳ. Cờ Tổ quốc trên con tàu không chỉ giúp cho bạn tàu dễ nhận ra nhau, mà còn là sự tri ân của ngư dân với máu thịt ông cha đã đổ xuống để giữ vững chủ quyền quốc gia. Nhìn ngọn cờ tung bay mỗi khi ra khơi, chúng tôi được tiếp thêm tinh thần, sản xuất phấn chấn hơn, bám biển lâu dài hơn", ngư dân Bùi Văn Dũng (thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp) tự hào.

Cảnh sát biển tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân.

Mô hình “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân” được BTL Vùng Cảnh sát biển 2 thực hiện từ năm 2017 tại huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, xã Triệu An (huyện Triệu Phong) và huyện đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị. Đây là mô hình dân vận mới, tuyên truyền để ngư dân nâng cao hiểu biết pháp luật, giúp đảo gần bờ hơn, đồng thời cũng tạo thêm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển.

“Cám ơn sự quan tâm, đóng góp của BTL Vùng Cảnh sát biển 2 trong việc gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương nói chung, đảo cù lao Chàm nói riêng. Trong thời gian tới, mong rằng BTL Vùng Cảnh sát biển 2 và các đơn vị liên quan sẽ tổ chức nhiều hoạt động để đồng hành cùng ngư dân và xây dựng, bảo vệ biển, đảo”, bà Phạm Thị Mỹ Hương - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp bày tỏ.

Đại tá Lê Huy Sinh - Chính ủy BTL Vùng Cảnh sát biển 2 chia sẻ: “Kể từ khi chương trình “Cảnh sát biển đồng hành cùng với ngư dân” được thực hiện đã luôn được người dân địa phương và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao và có sức lan tỏa sâu rộng. Chương trình này trở thành “thương hiệu riêng” của lực lượng Cảnh sát biển”.

Cán bộ, chiến sĩ BTL Vùng Cảnh sát biển 2 trong chương trình ''Đồng hành cùng ngư dân'' ở cù lao Chàm.

Theo Đại tá Lê Huy Sinh, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển, sự hiện diện của ngư dân trên biển còn khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Mỗi tàu, thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Các tổ, đội đánh bắt hải sản như những "làng, bản" trên biển là cột mốc chủ quyền Việt Nam và là "tai mắt" để thông báo cho Cảnh sát biển Việt Nam, các cơ quan chức năng về tình hình trên biển. Khi có tình huống xảy ra, ngư dân sẽ hỗ trợ cùng Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng chức năng đấu tranh trên thực địa, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển.

“Mỗi con tàu là cột mốc sống trên biển, lá cờ trên tàu đi đến đâu là thấy Tổ quốc ở đó. Trong vùng lãnh hải Việt Nam, ngư dân đi đến đâu thì cảnh sát biển đi đến đó để hỗ trợ. Giữa cảnh sát biển và ngư dân chính là mối quan hệ máu thịt, không thể thiếu một trong 2 yếu tố. Khi ngư dân cần, có cảnh sát biển; khi cảnh sát biển cần, có ngư dân”, Đại tá Lê Huy Sinh - Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 khẳng định.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cho-nhung-con-tau-binh-yen-re-song-389833.html