Cho nước ngoài thuê đất rừng là rất nguy hiểm

TP - “Đất rừng ở ta không phải là nhiều, trong khi có nơi còn lấy đất rừng của dân để cho nước ngoài thuê là rất nguy hiểm”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên khẳng định, khi trả lời phỏng vấn Tiền Phong.

L.T.S: Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) vừa có thư gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng, Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cảnh báo về việc các tỉnh cho nước ngoài thuê đất đầu nguồn trồng rừng nguyên liệu dài hạn. Tiền Phong có cuộc trò chuyện với ông, xung quanh câu chuyện này. Ông Đồng Sỹ Nguyên nói: “Tôi có thư gửi vì một số anh em ở các tỉnh báo cáo với tôi. Các anh em ở Nghệ An không đồng ý việc cho nước ngoài thuê đất để trồng rừng ở các huyện miền núi, đầu nguồn. Sau khi nhận được thông tin, tôi có hỏi lại Chủ tịch tỉnh và họ công nhận. Trong khi đó, tại tỉnh, Công an tỉnh và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh phản đối. Mà sự phản đối ấy là đúng. Vì sao tôi đi sâu vấn đề này? Vì tôi có 7 năm làm chương trình 327. Từ những ngọn núi cao trên 1.000 m đến các đồi núi rừng khác, đâu tôi cũng lội hết”. Bức thư đã được ông gửi từ bao giờ? Tôi gửi từ trước Tết. Từ khi gửi thư đến nay ông đã nhận được hồi âm? Sau khi tôi gửi lên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có điện thoại cho tôi nói là đã nhận được thư và giao Bộ NN&PTNT kiểm tra. Sau khi Bộ NN&PTNT kiểm tra đã có báo cáo gửi Thủ tướng và có gửi cả cho tôi. Báo cáo có thừa nhận cho 11 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng tại 10 tỉnh. Việc các tỉnh cho thuê đất rừng được thực hiện theo Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Đất đai. Điều gì khiến ông lo ngại và gửi thư? Qua 7 năm làm công tác trồng, bảo vệ rừng phòng hộ, càng đi vào thực tế tôi thấy đất nước ta chiều dài rất dài trong khi chiều ngang rất hẹp. Núi với biển rất gần. Độ dốc lớn. Cho nên khi có lũ quét thì sẽ phá hủy rừng núi, đồng ruộng, nhà cửa nhanh như tiếng động. Do đó, phải làm sao phát động đồng bào dân tộc miền núi tập trung trồng rừng. Cả ở đồng bằng và ven biển nữa. Chỉ có trồng rừng theo đặc điểm địa hình Việt Nam thì mới hạn chế được phần nào tác động của thiên tai. Vậy mà nay mình cho nước ngoài vào thuê đất trồng rừng, liệu ta trông mong gì được ở họ? Nhà đầu tư nước ngoài họ chỉ quan tâm lợi nhuận mang về nước họ. Kết quả kiểm tra của Bộ NN&PTNT ra sao, thưa ông? Nội dung báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, họ đã trực tiếp kiểm tra hai tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và tổng hợp báo cáo của 8 tỉnh về việc cho nước ngoài thuê đất rừng. Báo cáo có thừa nhận cho nước ngoài thuê, hoặc liên doanh để trồng rừng tại 10 tỉnh với diện tích trên 300.000 ha. Các diện tích cho thuê đó cụ thể là thế nào, thưa ông? Như tôi đã nói, đặc điểm của nước ta là dài, núi và biển cận kề, vì vậy việc trồng, bảo vệ rừng đầu nguồn ở miền núi là vấn đề cấp bách. Việc này ai làm. Phải để cho người dân Việt Nam làm. Do đồng bào miền núi đất ruộng ít, đất rừng nhiều. Tại sao không chia đất rừng cho đồng bào miền núi làm, khắc phục cái đói cho họ để cho người cày có ruộng. Đây là yêu cầu bức bách. Cách mạng sở dĩ thành công cũng là nhờ khẩu hiệu “người cày có ruộng”. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, ở ta bình quân chỉ 0,15 ha rừng trên đầu người, thấp hơn nhiều mức bình quân thế giới 0,6 ha/đầu người. Qua kiểm tra thực tế tại huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh và huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, nếu chia tổng diện tích đất quy hoạch làm rừng sản xuất cho các hộ dân thì cũng chỉ 4 - 5 ha/hộ. Diện tích này không lớn đối với sản xuất lâm nghiệp. Như vậy sao lại phải cho nước ngoài thuê? Tôi nghĩ, nếu mỗi hộ ở miền núi được giao 4 - 5 ha đất rừng sản xuất, thì người miền núi còn dễ làm giàu hơn đồng bằng, do có thể thực hiện đa cây, đa con. Một cây trồng đất rừng giá trị lắm. Ví dụ nếu bán một cây xà cừ như ở trước cửa nhà tôi là phải 50 triệu đồng. Nên nếu một hộ dân trồng 10 cây xà cừ thì tha hồ thế chấp, vay ngân hàng. Rồi cấp sổ đỏ cho họ thay vì cho người nước ngoài thuê. Người nước ngoài thuê vì họ trồng rừng nguyên liệu. Quan điểm trồng rừng của tôi khi tôi phụ trách chương trình 327 cũng có người phản đối do không hiểu đặc điểm rừng Việt Nam. Quan điểm của tôi, đã là đất rừng, cả rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và cả rừng kinh tế là phải kết hợp. Rừng phòng hộ thì cứ 1ha đất chỉ cần dành trồng 500 cây lim, gụ, táu, lát… Còn 1.000 cây nguyên liệu là keo. Cứ đan xen với nhau thì lúc nào cũng có rừng khai thác và phòng hộ cho các đời con cháu. Đây cũng là điều kiện để đồng bào xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Có ý kiến cho rằng, việc các tỉnh cho nước ngoài thuê rừng cũng do áp lực tăng trưởng, tăng thu cho ngân sách? Tôi cũng băn khoăn nhiều nhưng nói không biết có ai nghe không. Tại sao dân mình, đất mình mà không giao làm. Sao không cho nông dân vay khá hơn thay vì cho nước ngoài vay để kinh doanh bất động sản, xây dựng cao ốc. Cho nông dân vay để trồng rừng thì không sợ mất tí nào. Mỗi hộ chỉ cần trồng một ít cây xà cừ, một ít cây lát thì tha hồ trả tiền vay. Việc đó phải tập trung lo cho dân trước, thay vì tăng thu ngân sách. Trên thế giới, qua từng thời kỳ, có nhiều nước, nước Mỹ cũng vấp phải bong bóng bất động sản làm cho nước Mỹ bao lần suy thoái kinh tế. Ngay Trung Quốc cũng phải thừa nhận các tỉnh thi nhau bán đất để tăng thu ngân sách, phô trương tăng GDP 13 đến 14%. Để đạt mức tăng này nhanh nhất là bán đất. Điều đó chỉ có lợi trước mắt nhưng tương lai thì vô cùng nguy hiểm. Bán đất để tăng thu ngân sách, theo tôi là điều ngớ ngẩn, không hiểu kinh tế. Họ muốn phô trương thành tích thật nhanh mà không tính lâu dài. Còn dưới góc nhìn về an ninh quốc phòng thì sao, thưa ông? Kháng chiến chống Pháp ta có căn cứ Việt Bắc. Kháng chiến chống Mỹ ta có rừng Trường Sơn, rừng đước ở miền Nam...Rừng đã che chở cho cách mạng. Khi chiến tranh là phải có căn cứ để sơ tán nhân dân, đối phó với địch… Giờ những đất đầu nguồn, đất rừng này đều thuộc về đất căn cứ cả. Nghệ An cho thuê ở Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp..., những vùng khi có chiến tranh thì phải lên đó. Tại sao dân ta thiếu việc làm, phải đi làm thuê ở Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan...Ta sang họ thì làm thợ, còn họ sang ta làm thầy. Tại sao không giảm bớt phần tiền đầu tư vào bất động sản đưa sang trồng rừng, giảm lượng thất nghiệp, giúp người dân làm giàu. Ngay như khu Ciputra ở Hà Nội, chúng ta cho thuê 50 năm rồi họ khoanh lại xây biệt thự, bán lại cho dân ta. Phần lợi nhuận hốt được thì họ mang về nước. Không chỉ có vậy, họ còn dựng hàng rào, biến khu đất thuê này thành khu biệt lập, mà không phải ai muốn vào là vào được. Ở ngay Thủ đô còn vậy, huống chi ở miền núi xa xôi, hẻo lánh. Nhưng thưa ông, lãnh đạo một số địa phương cho thuê đất rừng khẳng định việc cho nước ngoài thuê đất rừng đã được cân nhắc rất kỹ về vấn đề an ninh quốc phòng rồi? Từ báo cáo của Bộ NN&PTNT, tôi thấy có điều khá nhạy cảm là doanh nghiệp nước ngoài họ lại chọn thuê ở nhiều địa điểm trọng yếu về an ninh quốc phòng. Cụ thể, họ thuê đất ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng là các tỉnh biên giới. Tại Nghệ An, họ thuê ở các địa điểm gần với đường 7 và 8 sang Lào. Họ thuê ở Quảng Nam, có đường thuận tiện đi lên Tây Nguyên, qua Campuchia. Như vậy là nắm những con đường trọng yếu của mình. Bây giờ nói như thế nhưng nay mai họ đưa người đến. Kinh nghiệm cho thấy khi làm các dự án, họ đều đưa người đến thành các làng mạc, thị trấn. Thưa ông, trong báo cáo của Bộ NN&PTNT, quan điểm của họ về vấn đề này thế nào? Bộ NN&PTNT kiến nghị với Chính phủ 5 vấn đề, thì trong đó có hai nội dung tôi hoàn toàn đồng ý: Một là do đất lâm nghiệp bình quân trên đầu người của ta quá ít (chỉ 0,15 ha/người), trong khi nhu cầu đất lâm nghiệp của dân rất lớn. Vì vậy, nên hạn chế việc cho các doanh nghiệp nước ngoài thuê đất lâm nghiệp, chỉ nên khuyến khích thu hút đầu tư thông qua liên doanh, liên kết với dân và doanh nghiệp trong nước; Hai là khẩn trương giao đất, giao rừng cho người dân, đồng thời nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho dân để họ có tư liệu sản xuất và có thể liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để trồng rừng... Nếu làm được như trên là rất tốt. Trên cơ sở đó chỉ đạo, hướng dẫn cho dân vay vốn phát triển, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT vẫn chưa dứt khoát, họ cũng mới chỉ kiến nghị theo kiểu khuyến cáo, đề nghị hạn chế cho nước ngoài thuê. Ý ông là phải cấm hẳn? Trong thư gửi Bộ Chính trị tôi đã nói rõ, với những tỉnh đã lỡ ký cho doanh nghiệp nước ngoài thuê, thì phải tìm cách thuyết phục họ khoán cho đồng bào tại chỗ trồng, với những tỉnh thuộc vùng xung yếu mà chưa ký thì đình chỉ ngay. Tôi cho rằng, phải giao đất rừng đến hộ. Sau đó, Nhà nước phải cho họ vay vốn để trồng rừng, đảm bảo kinh tế cho người dân. Điều đó là cần. Còn cho nước ngoài thuê thì họ đi theo lợi nhuận. Của mình thì lợi nhuận phải kết hợp với lợi ích lâu dài của đất nước. Tốt nhất là để cho các doanh nghiệp trong nước làm. Điều này có thể làm được. Xóa đói giảm nghèo là phải tổ chức được sản xuất của nông dân. Nông dân phải tự đứng mà sản xuất, tự mình làm chủ thì mới xóa đói giảm nghèo bền vững được. Thỉnh thoảng ti vi có các chương trình, các tổng công ty lên ủng hộ, tặng quà cho người nghèo 1 hay 2 tỷ đồng nhưng làm thế không ra đâu cả, vì nó như là bố thí. Như thế làm sao xóa đói giảm nghèo vững chãi được. Tôi cũng đề nghị cấp sổ đỏ, giao đất khoán rừng cho dân, Nhà nước bớt đầu tư, cho vay không cần thiết để cho dân miền núi vay nhiều hơn, đạt một công đôi việc: Vừa làm kinh tế vừa làm rừng phòng hộ. Quan niệm của tôi, tách rừng làm kinh tế và rừng phòng hộ riêng là một sai lầm nghiêm trọng. Phòng hộ phải kết hợp từ trên núi cho đến biển cả, làng mạc, đô thị. Nhưng có ý kiến cho rằng, những nơi cho nước ngoài thuê lâu nay là đồi núi trọc, có giao dân cũng không mặn mà? Lý đó không chấp nhận được. Đất mình, dân mình. Mình phải rất kiên trì giáo dục, thuyết phục. Khi tôi làm Chương trình 327, muốn mở rộng dự án nhưng không có đất. Đất không còn. Bây giờ làm như thế này và trong báo cáo của Bộ NN&PTNT có nói, có nơi như ở Lạng Sơn giao cho nước ngoài chồng lấn lên cả đất của dân. Điều này rất nguy hiểm. Còn họ nói các nơi đó không có ai làm thì phải hỏi họ: Anh lãnh đạo chính quyền làm gì? Đảng và chính quyền là phải lo cho dân làm. Thế tại sao anh đi xuất khẩu lao động được mà không đưa dân đến những vùng đó để làm được. Giờ sông Mê Kông nước chặn đầu nguồn, đồng bằng sông Cửu Long ngày càng cạn kiệt trong khi nước mặn xâm lấn thì hiểm họa ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng là đã ở trước mắt. Không thể chủ quan. Phải thấy trước được điều đó. Muốn giữ được an ninh lương thực thì phải giữ được đất đai. Đất đai là tài nguyên quý nhất của đất nước và là tư liệu sản xuất chủ yếu của nông dân. Bá Kiên - Phạm Tuyên Thực hiện

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=187520&channelid=3