Cho phép nghiên cứu, đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử làng K130

Ngày 7-4, thông tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vừa có văn bản số 1635/UBND-XD1 đồng ý chủ trương, cho phép nghiên cứu để đầu tư xây dựng Khu Di tích lịch sử làng K130 xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc.

Dấu tích bến phà dã chiến (cũ) ở cuối làng K130 bên sông Già

Để kịp thời khởi công công trình vào lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng làng K130 (13-8-1968 – 13-8-2018), UBND tỉnh Hà Tĩnh giao UBND huyện Can Lộc (chủ đầu tư) hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo quy định hiện hành; tổ chức khảo sát, lập quy hoạch chi tiết xây dựng Khu Di tích đảm bảo tương xứng với Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và công lao đóng góp của nhân dân làng K130; đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau noi theo.

Khoảng những năm 1966-1968, trên tuyến quốc lộ 1A, đặc biệt là đoạn từ huyện Thạch Hà, Can Lộc, thị xã Hồng Lĩnh... (tỉnh Hà Tĩnh), máy bay Mỹ cày xới cả ngày lẫn đêm làm tắc nghẽn hệ thống bến phà Thượng Gia, cầu Cổ Ngựa, cầu Già, cầu Nghèn… Các phương tiện cơ giới lưu thông qua đây buộc phải vòng tránh đi theo quốc lộ 8A, 15A.

Nhưng từ ngày 10 đến ngày 13-8-1968, cả 2 tuyến đường này cũng bị cắt đứt. Đúng vào thời điểm ác liệt này, có một đoàn xe chở hàng đặc biệt vào chi viện cho chiến trường miền Nam cần được đi ngay.

Chỉ thị của cấp trên truyền xuống Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh là phải mở một tuyến đường xế mới (đường tránh) xuyên qua tim làng Hạ Lội, xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc.

Ngay sau đó, 100% người dân làng Hạ Lội đã ủng hộ, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “tất cả cho tiền tuyến miền Nam”, “xe chưa qua nhà không tiếc…”.

Chỉ trong vòng chưa đầy 8 giờ, ngày 13-8-1968 đã có 130 căn nhà của người dân đã tình nguyện được hạ xuống. Gỗ, tre, gạch, phên nứa, ngói, cánh cửa, kèo, cột, bàn ghế... biến thành nền đường.

Được sự giúp đỡ của bộ đội, Thanh niên xung phong và hàng ngàn người dân, đoạn đường xế mới rộng từ 4m - 5m, trong đó có khoảng 1km qua tim làng Hạ Lội đã được hoàn thành.

Nửa đêm hôm đó, chiếc xe đầu tiên lăn bánh từ quốc lộ 1A rẽ vào con đường xế mới trong làng Hạ Lội đến bến phà dã chiến cuối làng trên bờ Bắc sông Già. Từ đây đoàn xe được chở bằng phà xuôi xuống bờ Nam sông Già qua cầu Sông (xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà) tiếp tục nhập vào quốc lộ 1A. Hàng ngàn người dân tay cầm đèn chai được ngụy trang làm cọc tiêu cho đoàn xe đi qua.

Rạng sáng ngày 14-8-1968, đoàn xe chở hàng đặc biệt đã vượt qua làng Hạ Lội an toàn. Kể từ hôm đó, từng đoàn xe đi qua đường xế vận chuyển hàng hóa ra tiền tuyến không còn bị ùn tắc, sa lầy như trước nữa.

Để bảo vệ bí mật và che mắt địch, hàng ngày cứ sáng ra một bộ phận dân quân ngụy trang lại đường, tối đến lại cất giấu ngụy trang. Cứ như vậy, đường Xế được giữ bí mật cho đến ngày ngừng bắn.

Để ghi nhớ sự hy sinh to lớn của nhân dân trong một đêm dời dọn 130 nóc nhà làm đường xế cho đoàn xe chở hàng ra tiền tuyến, làng Hạ Lội sau đó đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định đặt tên là làng K130 và chiến dịch di dời, tháo dỡ nhà cửa là chiến dịch K130.

Năm 2006, làng K130 đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

DƯƠNG QUANG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cho-phep-nghien-cuu-dau-tu-xay-dung-khu-di-tich-lich-su-lang-k130-510433.html