Cho phép thu hồi tài sản, chây ì chống đối trả nợ giảm hẳn

Ông Đỗ Giang Nam – Phó Giám đốc VAMC cho rằng, sau khi có quy định về xử lý nợ xấu, hiện tượng khách hàng chây ỳ, chống đối, không chịu trả nợ đã giảm đi rất nhiều...

Nhiều tài sản đảm bảo như bất động sản, ô tô... được ngân hàng rao bán đấu giá (ảnh minh họa).

Nhiều tài sản đảm bảo như bất động sản, ô tô... được ngân hàng rao bán đấu giá (ảnh minh họa).

Kể từ khi Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD ra đời và có hiệu lực từ 15/08/2017, có thể thấy hiệu quả trong xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng là hết sức tích cực.

Trả lời báo chí bên lề diễn đàn “Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách” diễn ra tại Hà Nội ngày 30/9, ông Đỗ Giang Nam – Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) – cho rằng, có thể nhìn nhận sự hiệu quả của Nghị quyết này trên hai vấn đề chính: Nghị quyết 42 cho phép bán nợ đối với mọi tổ chức, cá nhân, giải pháp này giúp cho việc thu hồi nợ bằng biện pháp bán nợ của các TCTD đạt trên 40 nghìn tỷ đồng, gấp 4 lần so với giai đoạn trước khi có Nghị quyết 42; ý thức trả nợ của khách hàng cũng đã được nâng lên rõ rệt, kết quả thu hồi nợ đã đạt con số gấp 1,5 lần so với giai đoạn từ 2013-2017.

Nghị quyết này khẳng định một lần nữa quyền của chủ nợ, trong trường hợp cần thiết nếu trong hợp đồng có quy định được quyền thu giữ tài sản, VAMC cũng như các TCTD được quyền thu giữ.

Cũng theo ông Nam, việc Nghị quyết 42 khẳng định quyền thu giữ tài sản của chủ nợ là biện pháp rất mạnh, làm thay đổi ý thức của khách hàng trong việc trả nợ. Hiện tượng khách hàng chây ỳ, chống đối, không chịu trả nợ đã giảm đi rất nhiều. Do đó tỷ lệ khách hàng tự giác trả nợ đã tăng lên rất nhiều sau khi Nghị quyết 42 ra đời.

Nếu như trước đây, xã hội vẫn mặc định cho rằng nợ xấu là của ngân hàng, nhưng Nghị quyết 42 cho thấy nợ xấu không chỉ của riêng ngành ngân hàng mà là của cả nền kinh tế. Do đó, trách nhiệm thu hồi nợ xấu còn thuộc về các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương.

“VAMC đã nhận được sự phối hợp của các bộ, ngành, đặc biệt trong vấn đề thu giữ tài sản đảm bảo, sang tên, các thủ tục tố tụng theo trình tự rút gọn,… qua đó rút ngắn thời gian xử lý nợ xấu và việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng đã đạt kết quả rất tích cực”, ông Vũ Giang Nam nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thế Huân, Thành viên HĐQT Ngân hàng VietinBank, cho biết, với việc tích cực, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu, đến thời điểm hiện nay tỷ lệ nợ xấu của VietinBank được kiểm soát dưới 3%. Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực cho đến nay, VietinBank đã xử lý, thu hồi hơn 28.000 tỷ đồng nợ xấu được xác định là nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Theo ông Đỗ Giang Nam, vẫn còn những vướng mắc nhất định, đặc biệt khi áp dụng các quy định của pháp luật có liên quan. Nghị quyết 42 có điều khoản quy định: “Trong trường hợp các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác trái hoặc không phù hợp với Nghị quyết 42 thì sẽ áp dụng Nghị quyết 42”.

Tuy nhiên, cách hiểu và vận dụng tại các địa phương lại không thống nhất, chẳng hạn như quá trình chuyển nhượng các dự án BĐS dở dang, theo quy định tại Luật Kinh doanh BĐS, việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án BĐS đòi hỏi yêu cầu phải có Giấy chứng nhận QSD đất, hoặc hoàn thiện hạ tầng.

Thực tế, các dự án BĐS dở dang có thể có một phần nào đó chủ đầu tư chưa thực hiện đền bù xong. Chiếu theo Luật Kinh doanh BĐS thì dự án đó chưa đủ điều kiện chuyển nhượng. Tuy nhiên nếu vận dụng theo Nghị quyết 42 thì hoàn toàn có đủ điều kiện chuyển nhượng.

“Chúng tôi cũng mong muốn rằng tất cả các quy định pháp luật hiện nay chưa phù hợp với Nghị quyết 42 cũng cần thiết sửa đổi để khơi thông hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nữa, đảm bảo sự đồng bộ trong quá trình xử lý nợ xấu”, Phó Giám đốc VAMC kiến nghị.

Ngân Giang

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/thi-truong/24h/cho-phep-thu-hoi-tai-san-y-thuc-tra-no-cua-nguoi-dan-tang-vot-265609.html