Chợ phiên vùng cao - Sắc màu Lai Châu

Chào mừng ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế lao động 1/5, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam từ ngày 27/4/2019 - 1/5/2019 đã tổ chức chợ phiên vùng cao 'Sắc màu Lai Châu', tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc.

Sắc màu phiên chợ vùng cao

Sắc màu phiên chợ vùng cao

Không gian chợ phiên Lai Châu đã tạo không khí ấn tượng cho du khách đi chợ và thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường, Khơ Mú, Tày, Hà Nhì, Si La...

Không gian xuống chợ

Múa khèn dân tộc Mông

Đồng bào Thái tại phiên chợ

Múa lên nương của đồng bào Si La

Đến với chợ vùng cao tại Làng Văn hóa, du khách được đắm mình vào cảnh sắc phiên chợ rực rỡ sắc màu. Du khách thực sự cảm nhận được không gian văn hóa chợ phiên vùng cao tại Làng Văn hóa là sự kết hợp giữa không gian xuống chợ, vui chơi gắn với dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Lai Châu và vùng Đông Bắc, Tây Bắc.

Không gian ẩm thực

Sắc màu trang phục truyền thống

Bên cạnh việc giới thiệu không gian văn hóa đặc trưng chợ phiên vùng cao Lai Châu, phiên chợ còn giới thiệu, bán rất nhiều các sản vật đặc trưng địa phương, vùng miền như: Thổ cẩm, nhạc cụ, đồ khô, sản vật, rượu, măng, miến, rau, củ, quả tươi…; giới thiệu các nghề thủ công truyền thống: Đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác đồ trang sức dân tộc, làm nhạc cụ… Trải nghiệm văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: Thắng cố, mèn mén, thịt dê, giã bánh dày đồng bào Mông, xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng dân tộc Thái, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu…của dân tộc Mường; gà nấu mọ, gà nướng…của dân tộc Khơ Mú; mật ong rừng, phấn hoa, cà phê, ca cao…của dân tộc Ê Đê; khâu nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi…của dân tộc Tày…Du khách có thể lựa chọn cho mình và làm quà cho người thân các sản vật đặc trưng địa phương như: Thổ cẩm, nhạc cụ, đồ khô sản vật, rượu, măng, rau rừng…

Sản vật của đồng bào Hà Nhì

Gian hàng của đồng bào Thái

Mận Mộc Châu của đồng bào Khơ Mú

Gian hàng của đồng bào Tày Cao Bằng

Tỏi Lý Sơn cũng được bày bán tại chợ vùng cao

Chị Ngọc Mai nhà ở quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên chị được trải nghiệm chợ vùng cao ngay tại Hà Nội. Chị rất bất ngờ khi không gian văn hóa chợ tại đây không khác là mấy so với chợ phiên “xịn” vùng cao Tây Bắc. Các sản vật, rau củ quả trên rừng, đồ dùng thực phẩm được bà con chế biến được bày bán rất nhiều, giá cả phải chăng, giá bán tại đây chỉ chênh so với chợ vùng cao Tây Bắc chỉ từ 5-10 nghìn đồng. Giá gà đồi nướng giá 350 nghìn đồng - 400 nghìn, măng khô các loại giá từ 150 nghìn đến 400 nghìn/kg, mận Mộc Châu khoảng 90-100 nghìn/kg, rau các loại từ 20-30 nghìn/bó. Chị Mai khoe đã mua được một con gà nướng mật ong, cá nướng và xôi ngũ sắc để chiều nay về cả nhà liên hoan.

Biểu diến nghề dệt truyền thống của dân tộc Pà Thẻn

Giã bánh dày dân tộc Mông

Đến với Làng Văn hóa trong những ngày này, du khách còn được tham gia các hoạt động dân ca dân vũ và trò chơi dân gian với nhiều tiết mục đặc sắc mừng quê hương đất nước mang đậm nét truyền thống của các dân tộc. Du khách được hòa mình vào không khí vui tươi phấn khởi với múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng của dân tộc Mường, Thái; nghệ thuật hát then, đàn tính của dân tộc Tày, các điệu múa chuông, múa rùa của dân tộc Dao (Dao quần chẹt); diễn tấu cồng chiêng, đinh năm của dân tộc Ê Đê; loại hình kịch Rô Băm dân tộc Khmer, biểu diễn nhạc cụ truyền thống từ tre nứa của dân tộc Xơ Đăng…

Nhảy sạp

Biểu diễn nhạc cụ truyền thống của đồng bào Xơ Đăng

Lễ Pang A của dân tộc La Ha

Đặc biệt nghi lễ Pang A (lễ cầu an) của dân tộc La Ha - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng được tái hiện tại Làng Văn hóa. Theo đồng bào La Ha, khi cây măng đắng trong rừng bắt đầu nhú, cây ban chúm chím khoe sắc trên núi là bà con La Ha bắt đầu tổ chức lễ Pang A để cầu cho mùa màng tốt tươi, cầu sức khỏe, may mắn cho dân làng đồng thời tỏ lòng cảm tạ tri ân thần linh, các thầy lang đã có công bảo vệ dân bản. Hoạt động này sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm thú vị về nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc La Ha.

Phạm Tiệp

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cho-phien-vung-cao-sac-mau-lai-chau-118994.html