Chợ quê - Nơi lưu giữ hồn Việt

Kinh tế - xã hội phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra ở mỗi vùng quê với tốc độ ngày càng nhanh. Tuy nhiên, giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, chợ quê vẫn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống mang đậm chất quê, hồn Việt. Không đơn thuần chỉ là nơi trao đổi, buôn bán hàng hóa, chợ quê còn ẩn chứa nhiều mặt của đời sống, mang giá trị văn hóa của mỗi vùng miền, in đậm trong tâm trí mỗi người dân.

Bánh đa được bày bán tại chợ Xốm, xã Hùng Lô.

Trong ký ức, mỗi lần mẹ đi chợ Dầu (Dữu Lâu, Việt Trì) là chúng tôi vô cùng thích thú bởi mẹ mua rất nhiều đồ ăn, trong đó có những món quà yêu thích, đó là chiếc kẹo bột hay chiếc bánh rợm, có khi là manh áo mới, mặc vào vô cùng hãnh diện với bạn bè.

Trong ý nghĩ trẻ thơ hồi ấy, với tôi, chợ Dầu là một nơi có đủ mọi thứ kỳ diệu, quý giá nhất trên đời. Khi lớn lên, có ít nhiều hiểu biết, tôi biết thêm rằng chợ Dầu có những điều đặc biệt mà không phải nơi nào cũng có bởi làng Trầu xưa trồng rất nhiều cây trầu không nên chợ Dầu trở thành nơi cung cấp lá trầu cho các tỉnh trung du, đồng bằng và cả Kinh thành Thăng Long sau này.

Chợ Dầu xưa họp ngay ven sông Lô trên đồi Mỏ Cú, nay chợ chuyển về trên đường Trần Phú nhưng vẫn lấy tên là chợ Dầu để nhớ về vùng quê Trầu. Ngày nay, chợ vẫn đông vui tấp nập, huyên náo ồn ào với đủ thứ âm thanh và mùi vị trộn lẫn vào nhau, tạo nên sự phát triển của một vùng quê yên bình.

Bà Nguyễn Thị Dậu (73 tuổi) khu Bảo Đà, phường Dữu Lâu cho biết: Chợ Dầu thường bày bán các loại hàng hóa phong phú để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong và ngoài địa bàn. Ngày nay, chợ tuy có thay đổi so với ngày xưa nhưng vẫn giữ được nét hoài cổ, cho nên người dân chúng tôi vẫn luôn gắn bó với chợ. Đến chợ gặp được nhiều người quen, giá cả hợp lý, đồ ăn thì tươi ngon, dân dã, gần gũi với cuộc sống...

Người bán, người mua tại chợ quê dễ dàng trao đổi, thương lượng về giá cả.

Có mặt tại chợ Xốm, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, chúng tôi cảm nhận được nét chợ quê nơi đây với những con người thật giản dị, bộc trực. Đó là những tiếng cười nói rôm rả giữa tiểu thương với khách hàng, giữa khách hàng với nhau về giá cả, cuộc sống... nghe gần gũi đến thân thuộc.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, chợ Xốm vẫn giữ được nét đặc sắc của chợ quê, đó là chợ thường họp theo phiên: Phiên chính và phiên xép. Trong phiên chính, chợ họp vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch hàng tháng, số lượng người đến mua bán, chơi chợ, trao đổi hàng hóa đông hơn, phong phú hơn, đa dạng, rộn ràng hơn so với ngày thường; còn ở phiên xép thì số lượng người và các mặt hàng ít hơn.

Chợ Xốm bán đủ thứ, trong đó có nhiều đặc sản của địa phương như: Mỳ gạo, bánh đa nướng, bánh chưng... đã được bàn tay khéo léo của người dân quê sản xuất nên mang đậm chất thôn quê đậm đà, thơm thảo, trở thành hàng hóa, một phần bày bán ở chợ quê, phần nhiều được chuyển đến các địa phương trong và ngoài tỉnh...

Ngày nay có nhiều siêu thị hình thành và phát triển, cùng với đó là dịch vụ mua hàng qua mạng nhưng với những nét đặc trưng vốn có, chợ quê không chỉ có ý nghĩa trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa mà còn có đóng góp không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển với bao đổi thay, biến thiên của lịch sử, nhưng chợ quê vẫn ổn định những nét độc đáo, đặc sắc riêng biệt... Qua khảo sát phần lớn các chợ quê ở Phú Thọ cho thấy một thực tế là các chợ dù có là chợ của nhiều làng, nhiều xã hay chợ vùng đi chăng nữa thì chợ đó vẫn thuộc vào sự quản lý của làng, của xã ấy. Đây chính là một nét nổi bật và rất độc đáo của chợ quê vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Ánh Dương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phong-vi-dat-to/cho-que-noi-luu-giu-hon-viet/205349.htm