Chó săn bị xích vẫn cắn lóc da chân, đứt dây thần kinh hàng xóm

Do dây xích dài, con chó đã lao đến cắn vào chân phải của người hàng xóm đang ngồi phía sau xe máy khi đi ngang qua. Kết quả, bà bị đứt một số dây thần kinh không thể khắc phục.

Mới đây, bà V.T.H. (ở Hà Nội) được người nhà đưa đến Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội) trong tình trạng tổn thương nặng vùng cẳng chân với một mảng lóc da vạt ngược kích thước 30x20 cm kéo dài từ phía trên cổ chân tới mu bàn chân sau khi bị chó cắn. Tổn thương khiến bệnh nhân có cảm giác tê bì hoàn toàn mu bàn chân phải.

Trước đó, vợ chồng bà H. đã cố tránh con chó (thuộc giống chó săn) của nhà hàng xóm khi đi qua. Do dây xích dài, con chó đã lao đến cắn vào chân phải của bà H. đang ngồi phía sau xe máy. Nhận thấy vết thương khá rộng nên gia đình sơ cứu qua và đưa bà H. tới Bệnh viện Bưu điện khám.

Là người tiếp nhận và khám cho nữ bệnh nhân, thạc sĩ, bác sĩ nội trú Bùi Đức Ngọt - khoa Ngoại Tổng hợp - nhận thấy tính chất phức tạp của vết thương. Ngay lập tức, bác sĩ Ngọt cùng ê-kíp trực tiến hành xử lý, làm sạch vết thương, tiêm phòng uốn ván rồi thực hiện mổ cấp cứu, cắt lọc xử lý mảng da lóc với mong muốn cứu sống nhiều phần da nhất có thể.

 Vết thương bệnh nhân trước (trái) và sau khi được khâu lại. Ảnh: BVCC.

Vết thương bệnh nhân trước (trái) và sau khi được khâu lại. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ Ngọt, tổn thương dạng lóc da như ca bệnh này không phải hiếm gặp nhưng với nguyên nhân bị chó cắn thì rất hãn hữu. Thông thường, khi bị súc vật hay chó cắn, đa số sẽ gây tổn thương sâu chứ không gây lóc một mảng da lớn như thế này.

Nhìn bằng mắt thường có thể thấy vết thương không quá nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng những vết thương do súc vật cắn đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ do virus dại và các vi khuẩn ở miệng chúng, nhất là chó có độc lực cao. Các virus, vi khuẩn này có thể gây nhiễm khuẩn huyết hoặc khiến người bệnh nhiễm virus dại sau một vài ngày dẫn đến tử vong nếu không được điều trị và phòng ngừa kịp thời.

Đối với trường hợp bệnh nhân này, do được người nhà đưa đến bệnh viện sớm, bác sĩ can thiệp, xử trí kịp thời, đúng cách nên sau mổ, vết thương khô sạch, không nhiễm trùng, có dấu hiệu hồi phục tốt.

Hai tuần sau phẫu thuật, lượng da sống đạt 80%. Hiện, bệnh nhân H. đã ra viện, sức khỏe và tâm lý ổn định. Đáng tiếc, vết thương do chó cắn đã khiến bà bị đứt một số dây thần kinh không thể khắc phục, để lại di chứng tê bì ở mu bàn chân phải.

Bác sĩ Ngọt khuyến cáo người dân khi có người bị chó, mèo hay các loại súc vật khác cắn, người nhà nên dùng băng sạch băng vết thương rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. Người dân tuyệt đối không nên tự xử lý ở nhà theo cách rửa bằng xà phòng, dùng thuốc lá, thuốc lào hoặc một số loại lá cây cầm máu vì điều này có thể gây nguy hiểm cho người bệnh, khiến các loại virus, vi khuẩn độc lực cao dễ xâm nhập vết thương.

Cũng theo bác sĩ Ngọt, cách đây gần 2 năm, một bệnh nhân bị chó cắn vào động mạch cảnh vùng cổ cũng được đưa tới cấp cứu. Bệnh nhân đã không thể qua khỏi mặc dù các bác sĩ tập trung toàn lực cấp cứu.

Thuận Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cho-san-bi-xich-van-can-loc-da-chan-dut-day-than-kinh-hang-xom-post1090444.html