Chợ Sắt - niềm kiêu hãnh một thời của thành phố Cảng

'Chưa vào chợ Sắt coi như chưa đến Hải Phòng', 'Đến chợ Sắt còn có thể lắp được cả một chiếc máy bay', đó là những câu của người xưa nói về ngôi chợ nức tiếng ở Hải Phòng.

UBND Hải Phòng đang lên phương án để thực hiện dự án xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê tại khu vực chợ Sắt. Khu vực này có vị trí đắc địa, sát sông Tam Bạc và nằm trên tuyến đường Quang Trung.

Cảnh buôn bán tấp nập ở chợ Sắt xưa. Ảnh tư liệu.

Nguyên nhân là nhiều năm qua, hoạt động của Trung tâm thương mại chợ Sắt không hiệu quả. Công trình được xây dựng từ năm 1992 đến nay đã xuống cấp. Chủ đầu tư cũng chưa hoàn thành các công trình theo dự án được duyệt.

Chủ trương này của thành phố Hải Phòng nhằm “đánh thức” tiềm năng của nơi từng là niềm kiêu hãnh của người dân thành phố Cảng. Điều đó làm người dân thành phố Cảng vừa kỳ vọng vào tương lai vừa nhớ đến một thời vang bóng của chợ Sắt.

Tên gọi chợ Sắt có từ bao giờ?

Cuốn sách Lược khảo Đường phố Hải Phòng của Hội đồng lịch sử Hải Phòng đang được lưu giữ tại Bảo tàng thành phố này có đoạn viết về lịch sử hình thành của chợ Sắt.

Theo đó, từ thế kỷ 19, lúc đầu chưa có chợ Sắt, một phụ nữ Việt Nam lấy chồng Pháp có xin đất phía trước chợ bây giờ. Sau đó, bà cho dựng một lớp 14 gian, mái lợp lá để thuyền từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Yên tới bán gạọ, tre nứa và nón lá... mỗi tháng có 6 phiên vào các ngày mùng 4, 9, 14, 24 và 29 Âm lịch.

Hàng năm, cứ đến mùa mưa bão là quật đổ. Thấy thế, vào khoảng năm 1888, một người Pháp có tên Balô (Balaurd) mới xin được một khoảng đất hoang gần chợ và thuê dựng chợ mới hoàn toàn bằng sắt, xây xung quanh, có ba gian, bốn cổng.

Tiến sĩ Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử TP Hải Phòng. Ảnh: Nguyễn Dương.

Cổng giữa có nhà và gác cho gia đình Balô ở. Thấy chợ mới sạch sẽ, nhân dân ta vào vào đấy họp chợ, chợ cũ bỏ từ đó. Tên chợ lúc đó là chợ Lớn (Grande Marché) nhưng người dân thường gọi là chợ Sắt.

Thời Balô, chợ có 6 người lấy vé chợ, gọi là “ông kí” và 6 người bảo vệ, quét chợ gọi là culi. Bốn giờ sáng bắt đầu họp, năm giờ chiều "đuổi" chợ sau một hồi chuông dài. Chỉ có 5 gian hàng bát đĩa, 5 gian hàng nồi, chum, vại đất và 10 gian hàng mã là để lại còn không có một hàng nào được để qua đêm.

Chợ Sắt là nơi buôn bán của dân chúng nội thành đồng thời là đầu mối của các thuyền buôn từ các nơi tới trao đổi hàng hóa.

Hồi đó chợ Sắt bị cháy một lần nên chợ còn có tên gọi là chợ Sắt Cháy. "Chắc có lẽ để phân biệt với một chợ khác cũng làm bằng sắt", cuốn sách có đoạn.

Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử TP Hải Phòng, cho biết nguồn gốc tên gọi chợ Sắt đến giờ có một số luồng ý kiến khác nhau. Ví dụ như do chợ này có thể buôn bán nhiều vật liệu, chủ yếu bằng sắt nên dân gian thường gọi vậy.

"Về thông tin chợ được làm chủ yếu bằng sắt thép nên được gọi là chợ Sắt, tôi đồng tình. Bởi, dân gian xưa gọi tên một địa danh thường theo đặc điểm của cái đó", ông nói.

Sầm uất, nức tiếng một thời

Tiến sĩ Đoàn Trường Sơn cũng cho biết chợ Sắt nằm ở ngã ba sông, nơi có con sông Tam Bạc - nhánh bắt nguồn từ sông Lạch Tray, đổ ra sông Cấm. Trước đây, chợ Sắt nằm trên bến nhỏ của làng An Viên.

Cuối thế kỷ 19, người Pháp xây dựng thành phố thì khu vực chợ Sắt thành nơi “trên bến dưới thuyền”. Tàu thuyền về đây chủ yếu là thuyền buôn của người Hoa. Họ mang vải vóc, tơ lụa qua. Còn người Việt có gạo, cau, nhiều sản vật từ miền núi đến miền xuôi mang đến để trao đổi.

Chợ Sắt nằm ở vị trí đắc địa. Ảnh: Quốc Nam.

Sang thời bao cấp, chợ không chỉ có buôn cau, buôn vải như thuở xa xưa, mà còn kinh doanh vàng bạc và đủ thứ hàng trên trời dưới biển. Đặc biệt, thứ gì "mậu dịch" không có, ra chợ Sắt là có.

Hàng nhập lậu từ nước ngoài theo chân thủy thủ viễn dương, hàng "móc" từ kho nhà nước, hàng "đánh" từ những đoàn xe vận tải, xà lan, tàu đẩy... trên đường hành trình, đều đổ về chợ Sắt.

Điều đó khiến ngôi chợ này trở thành trung tâm buôn bán lớn nhất cả miền Bắc.

"Chợ Sắt nổi tiếng từ cuối thế kỷ 19 cho đến sau này. Sài Gòn có chợ Bến Thành, Huế có chợ Đông Ba, Hà Nội có chợ Đồng Xuân, Nam Định có chợ Rồng, Thái Bình có chợ Bo thì Hải Phòng có chợ Sắt. Đấy là một điểm nhấn của đô thị xưa", ông Sơn nói.

Nói về nơi này, dân gian thường có câu "chưa vào chợ Sắt coi như chưa đến Hải Phòng" hay "cần mua bất cứ thứ gì từ những cỗ máy tàu thủy, ôtô tới cái đĩa ca nhạc mới nhất trên thế giới, nếu chợ Sắt không có thì chẳng ở đâu có".

Thậm chí, người dân ngày đó còn ví von rằng "Đến chợ Sắt còn có thể lắp được cả một chiếc máy bay” để nói về sự hưng vượng, đủ đầy của mặt hàng ở chợ.

Chợ Sắt bán hàng cho khắp cả nước và làm giàu cho Hải Phòng. Nơi đây trở thành niềm kiêu hãnh, tự hào một thời của Thành phố Cảng.

Chợ Sắt hiện nay có hình dạng như một chiếc bánh Gato cắt dở và rơi vào thảm cảnh. Ảnh: Quốc Nam.

Đến năm 1992, trong xu thế đổi mới, chợ được xây dựng thành một trung tâm thương mại, dịch vụ 6 tầng. Tuy nhiên, sự tác động của cơ chế thời mở cửa và một số nguyên nhân khác đã khiến chợ Sắt ngày càng mất đi vị thế của mình. Các tiểu thương rơi vào cảnh làm ăn thua lỗ chỉ sau ít năm.

Chợ Sắt hiện nay là một tòa nhà khối như hình bánh gato cắt dở với cảnh đìu hiu, nhếch nhác. Chỉ còn tầng 1 là còn những hộ kinh doanh các thiết bị dân dụng, điện tử và đồ cũ. Tầng 2 được một số hộ thuê để "mông" loa, còn các tầng trên bỏ hoang.

Phải chứng kiến cảnh này suốt nhiều năm qua, người dân Thành phố Cảng không khỏi xót xa, tiếc nuối.

Với việc UBND Hải Phòng mới đây có phương án xây Tổ hợp trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê tại khu vực chợ Sắt, tiến sĩ Đoàn Trường Sơn chia sẻ rằng điều đó là hợp lý để phù hợp với hiện nay và xu thế mới của thời đại.

Tuy nhiên, ông Sơn nêu quan điểm rằng, UBND thành phố cần lưu ý việc xây dự án mới này làm sao cho kết nối với phố Tam Bạc, Vườn hoa Tam Kỳ và toàn bộ khu vực dải trung tâm. Đặc biệt, trong việc xây dựng khu trung tâm vui chơi giải trí phải cố gắng kết hợp với văn hóa Hải Phòng để tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch.

"Để làm được điều này, tôi cho rằng khi bắt đầu thiết kế phối cảnh dự án ở khu vực đó, chính quyền nên tham khảo thêm ý kiến các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và quần chúng nhân dân để chỉnh trang khu vực nằm ở vị trí được đánh giá là đẹp nhất thành phố", ông Sơn nói.

Nguyễn Dương

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cho-sat-niem-kieu-hanh-mot-thoi-cua-thanh-pho-cang-post1016454.html