Chợ tạm đông đúc, chợ mới tốn hàng chục tỷ xây dựng thì bị bỏ hoang

Sau gần 10 năm được xây dựng, khu chợ Tây Mỗ (Cầu Cốc, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đến nay vẫn chỉ là một khu đất hiu quạnh, hoang hóa, các tiểu thương nhiều năm qua vẫn tập trung buôn bán tại khu chợ tạm cách đó chưa đầy 200m.

Ngày 7/5/2013, UBND huyện Từ Liêm (cũ) đã có Văn bản số 228 “Chấp thuận điều kiện, bố trí kế hoạch, chuẩn bị đầu tư dự án: Xây dựng chợ dân sinh thôn Tây Mỗ, xã Tây Mỗ", diện tích 3.600m2, kinh phí đầu tư 22,5 tỷ đồng.

Đến năm 2014, UBND quận Nam Từ Liêm có văn bản số 3241/QĐ-UBND phê duyệt Dự án Xây dựng chợ dân sinh phường Tây Mỗ, đồng thời có thông báo thu hồi đất với các hộ dân liên quan.

Do bỏ hoang đã nhiều năm, khu chợ đang trong tình trạng hoang hóa, xuống cấp nghiêm trọng.

Mặc dù được đầu tư hàng chục tỷ đồng, thế nhưng tới nay theo ghi nhận của Gia đình và Xã hội, khu chợ này vẫn chưa được đưa vào sử dụng, hoang hóa, cỏ cây mọc um tùm.

Một số hạng mục như nhà chợ chính, nhà ban quản lý và các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh đã hoàn thiện, vậy nhưng do để không nhiều năm, đa số các công trình trên đều đã hư hỏng, xuống cấp.

Sau nhiều năm, đa số các hạng mục hiện đã hư hỏng, xuống cấp.

Vì nằm ở vị trí vắng vẻ, không được quản lý chặt chẽ, khu chợ trở thành nơi tập kết rác thải, vật liệu xây dựng, một số khu nhà còn rải rác bơm, kim tiêm do các đối tượng nghiện hút để lại.

Từng là sự kỳ vọng của người dân sinh sống trong khu vực, thế nhưng thực tế hiện nay các tiểu thương vẫn phải tập chung, "mở chợ" tại khu vực đường dân sinh ngay phía trước cổng đình Tây Mỗ cách đó chưa đến 200m.

Do không được quản lý, khu chợ trở thành nơi tập kết rác thải, vật liệu xây dựng, rải rác bơm kim tiêm.

Lý giải về nguyên nhân khiến khu chợ mặc dù cơ bản đã hoàn thiện nhưng lại bỏ hoang nhiều năm, bà Nguyễn Danh Mão (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm) cho biết, chợ dân sinh Tây Mỗ vẫn chưa được đưa vào sử dụng là do một phần diện tích chưa được giải phóng mặt bằng, nhưng nguyên nhân chính khiến nhiều người không chịu chuyển ra là do vị trí chợ không hợp lý, xa khu dân cư, không thuận tiện cho việc giao thương.

"Buôn có bạn, bán có phường, giờ mọi người đều đang bán hàng ổn định ở chợ trong làng, ít người muốn chuyển ra khu chợ mới vì nằm cách khá xa khu dân cư, đi lại khó khăn, xung quanh lại có nghĩa trang, công trình xây dựng, vì vậy nhiều người không muốn chuyển đi", bà Mão nói.

Khu chợ tạm được người dân "tự mở" tại đường dân sinh, cách chợ Tây Mỗ khoảng 200m.

Tương tự bà Mão, chị Hoàng Ngọc Hà (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm), một tiểu thương tại đây cho biết, khu chợ bỏ hoang khoảng 10 năm nay, trở thành nơi tập kết rác thải, vật liệu xây dựng và cũng là nơi tập trung của nhiều người ăn xin, vô gia cư.

"Chợ được xây cùng thời điểm với trường mầm non Tây Mỗ A cạnh đó, mặc dù trường học đã được đi vào hoạt động, nhưng khu chợ chỉ thấy xây xong cầu chợ và nhà điều hành rồi dừng hẳn, không thấy triển khai thêm gì. Chợ bỏ hoang từ đó đến nay, không có ai trông coi. Khu vực này cũng khá vắng vẻ, xa khu dân cư vì vậy nhiều người đã buôn bán quen ở trong làng không muốn chuyển ra đây", chị Hà chia sẻ.

Theo người dân, chủ yếu vì nằm xa khu dân cư, vị trí chưa phù hợp vì vậy các tiểu thương không mặn mà tới việc "chuyển chợ".

Ngoài chợ Tây Mỗ, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm hiện còn một khu chợ khác cũng được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn "đắp chiếu" đó là chợ Phú Đô.

Thực trạng chợ xây dựng xong rồi bỏ hoang diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn TP Hà Nội, điều này không chỉ gây lãng phí đất đai, lãng phí tiền ngân sách mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu giao thương, buôn bán của nhiều người dân trong khu vực.

Trung Sơn

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cho-tam-dong-duc-cho-moi-ton-hang-chuc-ty-xay-dung-thi-bi-bo-hoang-172231122130421694.htm