Chó thả rông, lẽ nào chỉ nhắc nhở?

Hàng năm, cả nước ta có hơn nửa triệu người bị chó dại cắn, trong đó số người bị cắn chết ngay hoặc bị cắn nhưng không đi tiêm phòng dại mà chết cũng là con số hàng trăm người. Thế nhưng, chuyện chó thả rông không rọ mõm lẽ nào vẫn chỉ là nhắc nhở? Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Những con số đáng lo ngại

Theo số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), số người bị chó không rọ mõm cắn tăng thêm hơn 100.000 người mỗi năm trên cả nước. Năm 2018, cả nước có 521.831 người bị chó cắn phải tiêm vắc xin kháng dại. Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 170.000 người bị chó dại cắn phải đi tiêm phòng. Thế nhưng, đây mới chỉ là con số những người đến các cơ sở y tế tiêm kháng dại, còn những người không đi tiêm phòng sẽ là bao nhiêu? Chỉ làm phép tính nho nhỏ, mỗi ca chó cắn phải tiêm vắc xin với kinh phí từ 1,5-2 triệu đồng thì hơn nửa triệu người bị chó cắn mỗi năm sẽ tiêu tốn khoảng 800 tỷ đồng. Đó là chưa kể, chuyện bị chó cắn thường gây mất trật tự nơi công cộng, gây hoang mang trong cộng đồng, hàng xóm láng giềng mất lòng nhau.

Còn ở tỉnh ta, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong năm 2018, toàn tỉnh có 2.421 người bị súc vật cắn (chủ yếu là chó) được điều trị dự phòng (tăng 38 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017). Còn từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 684 trường hợp điều trị dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm.

Không thể xem thường

Đã mấy năm nay, bà Đặng Thị Hương Mạch, thị trấn Tiên Yên, cứ hàng ngày phải tập đi và không còn khả năng lao động.

Đã mấy năm nay, bà Đặng Thị Hương Mạch, thị trấn Tiên Yên, cứ hàng ngày phải tập đi và không còn khả năng lao động.

Đã mấy năm nay, bà Đặng Thị Hương Mạch, khu phố Tam Thịnh, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, bỗng dưng trở thành người tàn phế, dù mới chỉ hơn 60 tuổi. Nguyên nhân do một buổi sáng cũng như bao buổi sáng khác, bà Mạch đạp xe chở hàng ra chợ bán, bỗng đâu có mấy con chó đuổi nhau xô vào chiếc xe đạp của bà. Bà Mạch loạng choạng tay lái rồi ngã xuống. Bà bị gãy xương chân phải vào bệnh viện điều trị lắp xương giả. Số tiền tiêu tốn khá nhiều, thế nhưng cái mất mát lớn hơn của bà là không còn đi lại lao động được, cuộc sống bây giờ phụ thuộc vào con cháu. Trong lúc ngã, bà gần như ngất lịm do quá đau nên cũng không nhận ra chó nhà ai và quanh khu vực đó cũng chẳng có ai nhận là chó nhà mình đã làm bà ngã, vì thế mọi chi phí tốn kém cho việc chạy chữa, bà đành phải tự chi trả.

Anh Vi Hùng Thắng, phố Long Tiên, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, thì bị chó thả rông cắn vào đùi, khiến anh phải vào viện điều trị một thời gian dài. Tuy chân vẫn đi lại được bình thường nhưng anh Thắng suốt đời phải mang vết sẹo lớn ở đùi. Khi đi tìm hiểu chuyện chó thả rông cắn người, tôi còn gặp cảnh thương tâm, người phụ nữ suốt mấy chục năm góa chồng vì chồng bị chó dại cắn, nhưng do chủ quan không tiêm phòng dại mà dẫn đến tử vong. Chị từ chối không muốn đưa câu chuyện lên báo, vì chuyện giữa gia đình chị và gia đình nuôi chó phải mất rất nhiều năm mới dàn xếp ổn thỏa, nay chị không muốn khơi gợi lại chuyện cũ nữa.

Ngày 10/5 vừa qua, Công an huyện Kim Động (Hưng Yên) đã ra quyết định khởi tố bị can tại thôn Đồng Lý, thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, vì đã vô ý để đàn chó nhà mình cắn chết cháu bé 7 tuổi. Đây là trường hợp hiếm hoi trong cả nước, chủ nuôi chó bị khởi tố do vô ý để chó cắn người. Còn đa phần các gia đình tự hòa giải với nhau, rất nhiều trường hợp người bị chó cắn phải chịu hoàn toàn thiệt hại, do chẳng biết chủ chó là ai.

Nỗi lo ở các khu du lịch

Chó thả rông ở khu vực thị trấn Cô Tô. (Ảnh chụp ngày 28/4/2019).

Mấy năm gần đây, huyện Cô Tô phát triển du lịch rất mạnh, năm 2018 vừa qua, Cô Tô đón 240.000 lượt khách. Trong tuần lễ du lịch 30/4 và 1/5 mới đây, Cô Tô đón hơn 10.000 khách lưu trú/ngày. Thế nhưng vào những ngày này, người ta vẫn thấy những con chó thả rông xen lẫn khu vực du lịch khiến nhiều du khách lo ngại. Anh Đỗ Hoài Nam, một du khách đến từ TP Hà Nội, chia sẻ: “Chúng tôi đi du lịch nên tâm lý chung chỉ mong muốn sự bình an, đồng nghĩa với một chuyến đi vui vẻ, tạo ấn tượng, chứ chẳng ai muốn xảy ra chuyện nọ, chuyện kia. Trong mỗi chuyến đi đều có phụ nữ và trẻ em là các đối tượng dễ bị chó tấn công. Nếu như xảy ra sự việc xử lý cũng khó vì chúng tôi là người ở địa phương khác đến, không thể biết được đó là chó nhà ai để bắt chủ chó cùng chịu trách nhiệm… Nói chung là du khách chúng tôi rất ngại chó thả rông”.

Trong mấy năm gần đây, huyện Bình Liêu cũng đã mở các tuyến, điểm du lịch. Năm 2018, Bình Liêu đón 72.000 lượt khách du lịch. Du khách đến với Bình Liêu rất ấn tượng với các thác nước, đường biên giới, mùa hoa sở, hoa bông lau… Tuy nhiên, du khách đến Bình Liêu cũng “ấn tượng” với chó thả rông. Đi trên các con đường ở thị trấn Bình Liêu, người ta đều dễ dàng gặp chó thả rông, có chỗ chó đi thành đàn, nghênh ngang trên đường coi thường giao thông, nhiều chỗ người tham gia giao thông không biết đi kiểu gì.

Tôi đến Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Bình Liêu để tìm hiểu về chó thả rông. Một cán bộ đơn vị cho biết: “Hàng năm, Trung tâm có 2 đợt tiêm phòng dại cho chó vào tháng 4 và tháng 10. Tuy nhiên, việc xử phạt các gia đình thả rông chó thì nằm ngoài khả năng của chúng tôi”. Bình Liêu hiện đang đẩy mạnh phát triển du lịch, nên việc giải quyết chó thả rông thiết nghĩ cũng là việc phải làm.

Chó thả rông ở khu phố Bình Công, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu.

Mới dừng ở nhắc nhở...

Thực hiện mục tiêu khống chế bệnh dại trên đàn chó nuôi trên người vào năm 2021 và tiến tới loại trừ bệnh dại, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt chương trình quốc gia về khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành Chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh, với các nội dung: Hỗ trợ các địa phương vắc xin tiêm phòng cho đàn chó, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn chó, phát hiện và xử lý kịp thời theo đúng quy định, tăng cường quản lý và tổ chức thống kê đàn chó, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức phòng, chống bệnh dại trong cộng đồng… Nghị định 90/2017NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y với những hành vi, như: Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng, không tiêm phòng dại cho chó, mèo sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng, tiêu hủy chó mèo thả rông sau 72 giờ nếu chủ không đến nhận… Chủ tịch UBND cấp xã, phường có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi chủ nuôi không rọ mõm hoặc không tiêm phòng bệnh dại cho chó…

Qua tìm hiểu của chúng tôi tại một số phường, xã ở các địa phương trong tỉnh thì chuyện xử lý chó thả rông hầu như mới chỉ dưới hình thức nhắc nhở, chưa có địa phương nào tiến hành bắt chó hoặc xử phạt chủ nuôi chó. Một phần vì công việc không phải cứ muốn là làm được. Nhiều người coi con chó như những người bạn nên phản ứng gắt gao khi “bạn” của họ bị bắt nhốt, vì vậy những buổi đi bắt chó thả rông phải thành lập đoàn phối hợp nhiều đơn vị. Để thực hiện, các phường, xã còn phải có xe riêng chuyên dụng để nhốt chó, sau đó lại có nhà để nhốt chó trong 72 giờ (3 ngày), người cho chó ăn trong thời gian đó để chờ chủ đến nhận chó hoặc mang đi tiêu hủy. Đó là quy trình khá tốn kém và hầu hết các phường, xã đều chưa có các khoản chi cho việc này. Vì vậy, hiện nay việc để các chủ chó thực hiện việc nuôi nhốt, rọ mõm chó… vẫn chủ yếu là tuyên truyền, để chờ đợi các giải pháp mạnh tay hơn.

Anh Vũ

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201905/cho-tha-rong-le-nao-chi-nhac-nho-2441016/