Cho thuê đất làm du lịch nhưng không cho làm bến, doanh nghiệp kêu trời

Được cho thuê đất để khai thác du lịch trên một đảo biệt lập, nhưng doanh nghiệp không được phép xây dựng bến, dù là bến tạm, chỉ có thể đưa đón khách từ bến tàu ở một đảo khác(?)

Các đảo ở Điệp Sơn chưa có đường bộ, nên muốn đi qua đảo khác, chỉ còn cách quốc bộ qua bãi biển đầy những đá và san hô lổn nhổn.

Các đảo ở Điệp Sơn chưa có đường bộ, nên muốn đi qua đảo khác, chỉ còn cách quốc bộ qua bãi biển đầy những đá và san hô lổn nhổn.

Ba hòn đảo biệt lập nhưng chỉ được chung một bến!
Tháng 2/2017, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp nghe các sở, ngành báo cáo việc quản lý du lịch tại thôn đảo Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, đã kết luận: Điệp Sơn đang thu hút đông khách du lịch, tuy nhiên công tác quản lý an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... còn hạn chế. Do vậy, trong khi chờ đợi Trung ương phê duyệt Đề án Đặc khu HC-KT Bắc Vân Phong, giao UBND huyện Vạn Ninh chủ trì, phối hợp các ban, ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai phương án quản lý, khai thác du lịch Điệp Sơn. Ý kiến còn nhấn mạnh: “có thể xã hội hóa việc quản lý, khai thác nhằm đảm bảo tốt an ninh trật tự, bảo vệ môi trường sinh thái…”.
Trước đó, từ giữa năm 2016, Công ty TNHH Đầu tư & Du lịch Nha Trang Đông Đô (Công ty Nha Trang Đông Đô) được UBND xã Vạn Thạnh cho thuê đất tại hòn Ó và hòn Quạ, thuộc thôn Điệp Sơn, để khai thác du lịch.
Hòn Ó (hay Đảo Phật nằm), hòn Quạ (hay hòn Đuốc) cùng với hòn Bịp là 3 đảo nằm theo vệt giữa vịnh Vân Phong, nơi đang là địa chỉ “hot”, điểm đến hấp dẫn nhờ những doi cát nối giữa các đảo, được dân mạng “phong” là “con đường trên biển độc đáo nhất Việt Nam”.

Để đưa đón khách, Công ty Nha Trang Đông Đô đã xây dựng tại hòn Ó một bến tạm.
Ngày 15/9/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa có Văn bản số 8439/UBND-KT yêu cầu UBND huyện Vạn Ninh không để các phương tiện thủy đón, trả khách tại những bến thủy nội địa không được cấp giấy phép; chủ trì phối hợp với các ban, ngành tìm vị trí để xây dựng bến thủy nội địa dùng chung cho cả khu vực Điệp Sơn.
Sau khi khảo sát thực địa, tham mưu về phương án “bến dùng chung”, Phòng Quản lý đô thị Vạn Ninh có báo cáo, ghi rõ: Điệp Sơn hiện có một cầu đò dân sinh tại hòn Bịp. Bến này cách điểm du lịch của Công ty Nha Trang Đông Đô tại hòn Ó gần 4 km. Mặt khác, hai đảo này có địa hình riêng biệt, cách biệt và không có đường bộ, nên không thể dùng chung bến được. Từ đó đề nghị cho phép hai công ty du lịch tại Điệp Sơn xây dựng hai bến tạm tại hòn Bịp và hòn Đuốc.
Thế nhưng, ngày 27/10/2017, tại Thông báo số 729/TB-UBND, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa có ý kiến: “chỉ sử dụng cầu đò dân sinh hiện có để vận chuyển khách du lịch, không cho thuê mặt bằng để làm cầu đò thứ hai”.
Tại Văn bản số 2438/UBND-QLĐT, ngày 30/10/2017 gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, sau khi phân tích sự cách biệt, chia cắt về địa lý và giao thông giữa các đảo ở Điệp Sơn, cũng như sự không “tương thích” của ca nô du lịch với kết cấu của bến đò tại hòn Bịp, vốn thiết kế cho tàu gỗ, UBND huyện Vạn Ninh nhiều lần khẳng định, một bến tàu duy nhất dùng chung tại Điệp Sơn là không hợp lý và không thực hiện được.
Tại Văn bản số 760/SGTVT, ngày 28/3/2018, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổng hợp ý kiến các sở, ngành và huyện Vạn Ninh tại một cuộc họp liên ngành do Sở này chủ trì, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa. Sau khi khảo sát thực địa, các sở, ngành thống nhất nhận định: không thể di chuyển bằng đường bộ từ bến thủy nội địa Điệp Sơn đến điểm du lịch tại hòn Ó. Vì vậy, việc bố trí một bến thủy chung tại khu vực Điệp Sơn là không khả thi!

Do biệt lập với hòn Bịp, nơi có bến đò dân sinh duy nhất,Công ty Nha Trang Đông Đô phải dựng một bến tạm để đưa đón khách.

Báo cáo của Sở GTVT cũng nhấn mạnh: “Nếu không cho phép làm thêm bến thủy nội địa thứ hai tại hòn Ó, thì buộc phải chấm dứt hoạt động du lịch của Công ty Nha Trang Đông Đô tại hòn Ó, hòn Quạ”.
Từ phân tích trên, Sở GTVT đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép Công ty Nha Trang Đông Đô sử dụng bến tự làm tại hòn Ó để đưa đón du khách lên đảo.
Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 9/4, ông Trần Sơn Hải- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa kết luận: Không đồng ý cho xây dựng, vận hành bến thủy nội địa tạm để phục vụ du lịch, lý do khu vực Điệp Sơn chưa được quy hoạch điểm du lịch và không quy hoạch bến thủy phục vụ du lịch (!).

Bà Đào Thị Long- Giám đốc điều hành Công ty Nha Trang Đông Đô, chia sẻ: “Để khai thác du lịch, thời gian qua, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, dịch vụ, doanh nghiệp đã tập trung thu dọn vệ sinh, giải quyết lượng rác khổng lồ cả trăm tấn, gồm cả xác động vật chết, trôi nổi, tích tụ từ trước đến nay tại hòn Ó, hòn Quạ. Chưa đi vào kinh doanh thì cơn bão số 12 năm 2017 khiến khu du lịch bị xóa sổ gần như hoàn toàn, Công ty phải đầu tư hàng tỷ đồng khôi phục lại. Muốn giữ chân du khách phải có chỗ chơi, có các dịch vụ đi kèm, do đó phải đầu tư tương đối bài bản, kết hợp việc cải tạo môi trường, cảnh quan. Thế nhưng, hợp đồng thuê đất 5 năm mới ký, còn chưa ráo mực, tỉnh lại yêu cầu điều chỉnh sang thuê đất hàng năm, để có thể thu hồi bất cứ lúc nào”.
Cơ chế, chính sách liên tục thay đổi!
Ngày 1/7/2016, UBND xã Vạn Thạnh ký hợp đồng (số 05/HĐ-UBND) cho bà Đào Thị Long, trú Phương Sài, Nha Trang, thành viên Công ty Nha Trang Đông Đô thuê đất tại hòn Ó, hòn Quạ để khai thác du lịch. Thời hạn thuê đất 3 năm, đến ngày 1/7/2019.
Giữa tháng 6/2017, UBND huyện Vạn Ninh ban hành Phương án tạm thời về phối hợp quản lý, khai thác du lịch tại Điệp Sơn, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, trong đó tiếp tục giao UBND xã Vạn Thạnh trực tiếp ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân để khai thác mặt đất, mặt nước phục vụ du lịch tại Điệp Sơn. Theo phương án này, thời gian thuê đất là “không quá 5 năm”.
Thực hiện phương án, ngày 29/6/2017, khi hợp đồng số 05/HĐ-UBND mới triển khai chưa đầy một năm, UBND xã Vạn Thạnh và bà Đào Thị Long tiến hành thanh lý hợp đồng này. Cùng ngày, hai bên ký hợp đồng thuê đất số 04/HĐ-UBND. Tại hợp đồng này, giá thuê đất tăng gấp đôi. Thời hạn thuê đất được điều chỉnh từ 3 năm lên 5 năm.
Bốn tháng sau, ngày 27/10/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Thông báo số 729/TB-UBND, chỉ đạo UBND huyện Vạn Ninh điều chỉnh Phương án tạm thời về quản lý, khai thác du lịch tại Điệp Sơn, trong đó lưu ý chỉ thực hiện hợp đồng cho thuê đất theo thời hạn hàng năm, thay vì 5 năm. Mặt khác, cấm các doanh nghiệp du lịch kinh doanh dịch vụ lưu trú tại Điệp Sơn.
Về chủ trương này, bà Đào Thị Long cho biết, hòn Ó gần như biệt lập với hòn Quạ, hòn Bịp, chỉ lưu thông được trong khoảng thời gian thủy triều xuống. Sau cơn bão số 12 năm 2017, một số vị trí trên doi cát nối hòn Bịp với hòn Quạ, hòn Ó bị xói sâu hàng mét, thủy triều xuống cũng không qua lại được. Do vậy, nếu chỉ cho khai thác chung bến dân sinh hiện hữu tại hòn Bịp thì xem như doanh nghiệp… hết đường!
“Không có đường vào thì khu du lịch chúng tôi chỉ có nước giải tán. Địa phương cho thuê đất, chúng tôi đã bỏ bao tâm sức, vốn liếng cả chục tỷ đồng đầu tư để có Điệp Sơn hôm nay, giờ lại không được tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi nhất. Chúng tôi đang mong mỏi ở lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa sự chia sẻ và một phương án giải quyết hợp lý, mở lối cho nhà đầu tư, như tinh thần “khởi nghiệp”, đồng hành với doanh nghiệp của Chính phủ” - bà Long thiết tha.

Văn Nguyễn

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-luat-ban-doc/bao-chi-cong-dan/cho-thue-dat-lam-du-lich-nhung-khong-cho-lam-ben-doanh-nghiep-keu-troi-53153.html