Cho thuê lòng đường, vỉa hè có giảm được tình trạng lấn chiếm?

Với hơn 3,87 triệu xe gắn máy; 386 ngàn xe ôtô, lại tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, TP HCM đang phải đối mặt với vấn đề thiếu bãi đậu xe công cộng; thiếu các điểm kinh doanh dịch vụ trông giữ ôtô, xe máy trầm trọng, nhất là tại khu vực trung tâm thành phố.

Nguyên nhân này cũng đã dẫn tới tình trạng người dân liên tục phải vi phạm các quy định về trật tự đô thị, ATGT mỗi khi phát sinh nhu cầu dừng, đậu xe hoặc buôn bán, kinh doanh. Để giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân, chính quyền thành phố buộc phải "hy sinh" một phần lòng đường, vỉa hè để lấy chỗ dừng đậu xe, để hàng, buôn bán, kinh doanh dịch vụ. Với quyết định này, sẽ có 133 tuyến vỉa hè được phép sử dụng tạm một phần làm bãi giữ xe công cộng có thu phí; 42 tuyến đường sẽ cho phép sử dụng tạm một phần vỉa hè vào việc buôn bán, kinh doanh dịch vụ. Tại các đoạn quy định trên 41 tuyến đường, sẽ tổ chức cho xe ôtô được đậu dưới lòng đường có thu phí… và như vậy, những đoạn vỉa hè, lòng đường nào được dừng đậu, gửi xe, buôn bán đã được quy định cụ thể, những người dân chấp hành sẽ không còn lo lắng chuyện bị xử phạt do lấn chiếm lòng lề đường. Nhưng phía sau việc cho phép tổ chức, cá nhân được sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè vào mục đích khác ngoài giao thông này còn tồn tại nhiều phát sinh mà các cấp, ngành chức năng tại thành phố cần giải quyết. Một cảnh chiếm dụng vỉa hè. Ảnh: Đ.T.. Tại 133 tuyến đường của 8 quận, huyện, vỉa hè hầu hết chỉ rộng 3 - 6m, được cho phép sử dụng một phần vỉa hè vào việc trông giữ xe có thu phí, địa bàn quận 1 chiếm tới 63 tuyến; quận 5 là 42 tuyến đường. Nhưng trên mỗi tuyến chỉ có từ 1 - 2 đoạn ngắn vỉa hè được lập bãi giữ xe. Khi có nhu cầu gửi xe ở những đoạn, những khu vực không có bãi giữ xe công cộng, người dân sẽ phải gửi xe gắn máy, đi bộ một đoạn đường dài. Như vậy sẽ khó chấm dứt được tình trạng dừng đậu xe lấn chiếm lòng lề đường. Theo ông Lê Hồng Việt, Phó chánh thanh tra Sở GTVT, sau khi có ý kiến phản biện của Hội đồng khoa học, xe máy để trên vỉa hè sẽ chỉ sử dụng phần phía ngoài, sát với lòng đường; 1,5m vỉa hè bên trong sẽ dành làm lối cho người đi bộ. Tuy nhiên, khi cho phép để xe gắn máy ở phần vỉa hè sát lòng đường, người dân sẽ dẫn xe trực tiếp xuống lòng đường gây cản trở giao thông và phát sinh nguy cơ gây TNGT. Tại những tuyến vỉa hè đã kẻ vạch sơn, cho phép sử dụng tạm phần phía trong nay cũng sẽ phải đo, kẻ lại. Với những tuyến đường được cho phép sử dụng tạm một phần vỉa hè làm nơi kinh doanh dịch vụ, buôn bán cũng chỉ dừng lại ở mức cho họp chợ, để hàng. Cụ thể, 14 đoạn vỉa hè cho phép sử dụng tạm tại quận 5 dành cho việc họp chợ; 10 tuyến vỉa hè tại quận 6 và 11 chỉ được phép sử dụng tạm để xếp hàng hóa hoặc bán hoa kiểng vào ngày Tết. Như vậy, khi vỉa hè được dùng làm nơi họp chợ hoặc bày hàng hóa thì lòng đường nghiễm nhiên trở thành nơi người dân dừng lại để mua bán, xếp dỡ hàng hóa. Tương tự, tại những đoạn được phép sử dụng lòng đường cho việc đậu xe ôtô có thu phí, chỉ cần đậu xe ôtô 1 bên đường đã gây cản trở không nhỏ tới giao thông. Song ngay cả với những đoạn đường 2 chiều như đường Trần Cao Vân, đoạn từ Phùng Khắc Khoan tới Mạc Đĩnh Chi, mặt đường chỉ rộng 8m nhưng vẫn cho phép đậu xe ôtô 2 bên và ôtô, xe máy lưu thông 2 chiều. Ôtô dừng đậu đã chiếm hết 1/2 lòng đường nên khi lưu thông qua đây, nguy cơ va quệt luôn rình rập. Tại nhiều đoạn đường rộng từ 8 - 12m cho phép đậu xe ôtô một bên khác như các tuyến: Cao Bá Quát, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu… trên vỉa hè đã được phép giữ xe gắn máy, dưới lòng đường lại cho ôtô dừng đậu, nguy cơ ách tắc giao thông và TNGT là không tránh khỏi. Ngành GTVT đang tính toán đến việc vạt góc vỉa hè ở những tuyến có lòng đường hẹp để ôtô được đậu nửa trên, nửa dưới. Nhưng theo anh Tiến, một tài xế xe taxi: Nếu cho phép ôtô đậu kiểu quay ngang như vậy, tầm nhìn của người đi đường sẽ bị hạn chế, biển báo giao thông sẽ bị che khuất… Cùng với quyết định này, hàng trăm bãi trông giữ ôtô, xe máy, điểm kinh doanh dịch vụ, tập kết hàng hóa sẽ hình thành trên vỉa hè. Khi đó, việc kiểm tra, quản lý cũng là cả một vấn đề. Để đảm bảo người dân không lấn chiếm thêm những lúc không có mặt lực lượng chức năng, ngoài xử phạt, chế tài rút giấy phép vĩnh viễn khi tổ chức, cá nhân không chấp hành cũng cần phải được đặt ra

Nguồn CAND: http://ca.cand.com.vn/vi-vn/thoisuxahoi/tintucsukien/2009/8/150209.cand