Chờ tới mùa… quýt

Người ta thường nói 'có mà tới mùa quýt' hay 'chờ tới mùa quýt', ý chỉ những sự việc khó có thể xảy ra, hoặc thậm chí không xảy ra. Có người nói ngụ ý 'tới mùa quýt' xuất phát từ một bộ phim truyền hình, cũng có người giải thích bởi mùa quýt là mùa cuối năm, ý chờ tới mùa quýt thì còn lâu vì cả một năm cũng đằng đẵng mà.

Mùa quýt hồng. Ảnh: NSNA BÙI QUỐC SỸ

Mùa quýt hồng. Ảnh: NSNA BÙI QUỐC SỸ

Nói gì thì nói, trái cây để chưng cúng hay để ăn, trái quýt vẫn là lựa chọn nhanh - gọn - nhẹ, dễ mua mà cũng dễ ăn. Nhất là sắp nhỏ trong nhà, được cho trái quýt dù chua hay ngọt thì cái miệng nhóp nhép một lúc cũng hết. Lột quýt cũng là cách để người lớn trong nhà dạy con trẻ cách khéo léo, vỏ quýt lột ra xòe như hình cánh hoa đều đặn.

Tết ở Nam bộ, người ta chuộng mâm ngũ quả: cầu - dừa - đủ - xài (trái xoài), thêm mấy trái sung như nguyện ước một năm sung túc và thêm mấy trái quýt căng mọng, chút cam vàng trong nhà để một năm tươi tắn, khởi sắc.

Dẫu cùng họ với nhau, nhưng quýt và bưởi là hai trái được “chọn mặt gửi vàng” trong việc chưng cúng, còn cam chỉ để ăn hoặc pha nước uống. Không cồng kềnh như trái bưởi, trái quýt vừa tay cầm, không gian thờ cúng nhỏ thì một ký quýt, sắp ra dĩa cũng thấy đủ đầy, nhà rộng thì mua vài ký quýt, chia ra mỗi chỗ vài trái, miễn có lòng thành.

Ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, mùa quýt bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Đất Lai Vung (Đồng Tháp) nổi tiếng với giống quýt hồng từ tháng Chạp đến cuối tháng Giêng sang năm. Quýt hồng Lai Vung được trồng nhiều ở các xã nằm bên bờ sông Hậu: Tân Phước, Tân Thành và Long Hậu.

Với kỹ thuật canh tác mới, giống quýt đường gần như có thể cho trái quanh năm, còn quýt hồng chỉ thu hoạch một mùa trong năm. Vào tháng Chạp, khi trái quýt trên cành bắt đầu ửng vỏ, miệt vườn vào mùa thu hoạch rộn ràng. Những năm gần đây, sắc vàng cam óng ánh của trái quýt căng mọng cũng trở thành chủ đề cho những tay săn ảnh, những tour du lịch miệt vườn dịp cuối năm.

Quýt hồng vào mùa, nhà vườn tất bật với mối lái, vì tết năm nay có trọn vẹn hay không cũng nhờ vào vụ quýt. Cả năm chăm sóc, lấy công làm lời, chờ ngày quýt chín. Và trong cái ngọt, cái thơm của trái quýt trồng nơi đất phù sa Chín Rồng, còn có vị ngọt tình thương của tía má miệt vườn. Bởi tiền ăn tết, tiền học hành cho tụi nhỏ và sơn phết hay sắm sửa trong nhà cũng trông vào mùa quýt.

Trong hành trang xa nhà của những đứa con xa xứ, đâu đó còn có mùi thơm vị ngọt của trái quýt pha lẫn chút đắng đắng như lớp tinh dầu ở vỏ. Để có được trái quýt chín mọng, căng tròn là cả năm trời chăm cây, chăm lá, chăm hoa… để đậu trái chờ ngày tết đến xuân về, cũng bởi thế mà trong vị ngọt có cả nhọc nhằn nắng mưa của người nông dân.

Nhiều năm trở lại đây, trái cây ngoại nhập ngày càng nhiều và người ta cũng lựa những loại sang xịn, trái cây bạc triệu tặng nhau xem như chuyện bình thường. Nhưng đằng sau giỏ trái cây sang chảnh, trái quýt, chùm nho bạc triệu đó, còn đeo mang theo những áp lực vô hình phải lấy lòng người này, chiều lòng người kia.

Nó khác xa với quả ngọt nhà quê, nơi cây trái tới mùa thì trổ bông đậu quả, người ta quý mến tặng nhau, chỉ cần lựa trái còn tươi, không dập không héo là đủ đong đầy tấm lòng hào sảng ở đất phù sa. Chẳng ai phải đong đếm trái quýt nhãn hiệu nào, giá thị trường bao nhiêu.

“Chờ tới mùa… quýt” hẳn cũng đáng là một mùa để chờ trong năm, một mùa quýt vàng ươm chín mọng cận kề một mùa xuân mới. Sau những tất bật, bộn bề của một năm đã qua, hẳn lòng người cũng dịu lại như vị ngọt nơi miệt vườn để đón mừng thêm 1 tuổi, đủ trải nghiệm để nhận ra vị ngọt sau lớp vỏ the the cũng như cuộc sống bộn bề, hạnh phúc luôn mỉm cười sau những gian truân.

THANH DƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cho-toi-mua-quyt-post676947.html