'Cho vàng tỏa sáng'

Tại kỳ họp Quốc hội, tớ thấy các đại biểu khá lo ngại về vấn đề nợ công… - Muốn phát triển hạ tầng và phát triển xã hội, việc huy động mọi nguồn vốn là cần thiết mà bác.

- Tớ hiểu, tất nhiên là vậy, dưng tớ nghĩ cái sờ lô gân này đúng này: “Cái gì cần thì tiền tỷ cũng chi, cái gì không cần (hoặc chưa cần thiết) thì 1 xu cũng không chi”.

- Em có nói gì đâu. Phần lớn nợ công là chi cho phát triển hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn, cũng là cần đấy bác ạ.

- Sau việc hàng loạt các tỉnh đề xuất làm sân bay, xây tượng đài… Nhiều ý kiến cho ràng, tiền ngân sách (tiền nộp thuế của dân) cũng còn đầu tư vào nhiều hạng mục chưa thực sự cần thiết, rất lãng phí. Vậy mà mới đây anh Đăk Nông lại tiếp tục xin 9.000 tỷ đồng để làm quảng trường.

- Nếu nói như bác, thì anh Đăk Nông đã ăn thua gì. Anh Giáo dục còn đang đề nghị xin 12.000 tỷ để đào tạo 9.000 tiến sĩ kia kìa.

- Có chuyện đó hả chú? Mà thấy bảo ta đang thừa tiến sĩ cơ mà.

- Nói thừa là do số tiến sĩ này không phát huy được mấy tác dụng thôi, chứ “nhân tài là nguyên khí quốc qia” càng nhiều tiến sĩ càng tốt chứ bác.

- Thế sao chú lại kêu cái 12.000 tỷ của anh Giáo dục?

- Vấn đề là đào tạo như thế nào, các tiến sĩ có phát huy được tác dụng không, chứ cứ như thực trạng hiện nay, nhiều tiến sĩ cả đời chả có công trình khoa học nào.

- Chú nói lạ, để đủ điều kiện làm tiến sĩ phải có ít nhất một công trình khoa học chứ. Có điều là công trình ấy có được đưa vào thực tiễn cuộc sống không, hay cứ đút ngăn kéo dài dài.

- Em nói không lạ đâu. Chuyện giữa học và hành ở ta vênh nhau thế nào chắc bác làm khoa học bác biết. Những công trình ấy, có để “làm tiến sĩ” thôi còn chả có tẹo thực tiễn nào thì sao áp dụng được.

- Nói đi phải nói lại, cũng nhiều công trình có tính thực tiễn cao mà muốn đưa vào cuộc sống khó quá. Hình như mắc nhất là vấn đề ngân sách.

- Đấy ngân sách còn khó khăn, chưa phát huy hết được chất xám sẵn có, giờ xin đầu tư một đống tiền như thế cho cái gọi là đào tạo tiến sĩ liệu có hợp lý không bác?

- Chú chả nói đất nước nào cũng cần nhân tài, vậy đào tạo nhân tài là cần thiết. Tớ nhắc lại vấn đề là đào tạo như thế nào và phát huy nó ra sao thôi.

Chứ nếu đúng như anh Giáo dục nói: “Hy vọng sau khi triển khai đề án, các cơ sở giáo dục đại học sẽ nâng cao năng lực và trình độ của đội ngũ giảng viên, qua đó đáp ứng được yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng trong quá trình quy hoạch lại và phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo mới theo nhu cầu xã hội”, thì tớ thấy cũng cần lắm.

- Vấn đề em băn khoăn là, đào tạo tiến sĩ mà giao kế hoạch thì dễ “vơ bèo ngạt tép”, chạytheo số lượng, khó mà đảm bảo được chất lượng. Theo em ai có tư chất tốt và đam mê nghiên cứu thì đào tạo tiến sĩ. Còn "thúc ép" cho đủ số lượng thì e rằng chỉ để cho “oai” thôi.

- Thì thế, tớ nói là vấn đề đào tạo thế nào. Vì vậy nên đặt chỉ tiêu về chất lượng, chứ đừng đặt chỉ tiêu về số lượng. Có như thế các tiến sĩ mới phát huy được hết khả năng cho xã hội.

- Cũng cần phải nói thêm một vấn đề nữa, đó là phải biết sử dụng, tạo điều kiện cho cái chất lượng ấy phát huy như thế nào. Trong thực tế ối tiến sĩ có công trình khoa học rất thực tiến mà vác đi các “cửa” đều không được áp dụng.

- Như vậy là vừa lãng phí tiền của đào tạo mà vừa lãng phí “chất xám”.

- Tóm lại ý bác muốn nói, cái 12.000 tỷ là chấp nhận được, dưng phải đúc ra được nhưng “tiến sĩ vàng ròng” chứ không phải “tiến sĩ giấy”?

- Rõ là thế. Và đừng để “vàng thau lẫn lộn”.

- Và nữa, phải làm thế nào “cho vàng tỏa sáng”.

Thiện Tâm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cho-vang-toa-sang-64222.html