Cho vay đóng tàu theo Nghị định 67: Nợ xấu có xu hướng gia tăng

Sáng 17-11, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về kết quả sau ba năm thực hiện Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tình trạng nợ xấu đang gia tăng.

Trong buổi chất vấn sáng 17-11, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đặt câu hỏi: “Việc cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã đáp ứng được nhu cầu phát triển thủy sản trong cả nước và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong ba năm thực hiện, nghị định cũng đã đem lại một số kết quả nhất định, đề nghị Thống đốc đánh giá rõ hơn những nguyên nhân và khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện, thí dụ khả năng tiếp cận vốn, vấn đề hồ sơ thủ tục, tiêu chí xác định vốn đối ứng với ngư dân để chúng ta tin tưởng rằng Nghị định 67 tiếp tục được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới”.

Trả lời đại biểu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, cho đến nay các ngân hàng thương mại (NHTM) đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới và nâng cấp khoảng 1.055 tàu với tổng số tiền cam kết cho vay là 10.500 tỷ đồng, giải ngân cho vay theo tiến độ đóng mới và nâng cấp tàu khoảng 9.600 tỷ đồng, dư nợ đạt khoảng 9.300 tỷ đồng, tăng 22% so với tháng 31-12-2016.

Thống đốc cũng cho biết: “Cho đến nay các NHTM đã giải quyết 93% tổng số các hồ sơ đề nghị cho vay vốn của các chủ tàu, các UBND các tỉnh, thành phố đã phê duyệt hồ sơ của 1.986 tàu đóng mới hoặc nâng cấp đủ đều kiện để hưởng chính sách, và các NHTM đã nhận được 1.249 bộ hồ sơ đề nghị cho vay vốn của các chủ tàu, trong đó có hơn 100 chủ tàu chủ động rút hồ sơ đóng mới hoặc ngân hàng từ chối vì không đủ điều kiện”.

Về những khó khăn, vướng mắc, ông Lê Minh Hưng chia sẻ: “Hiện nay nợ xấu đang có xu hướng gia tăng do một số chủ tàu không có nguồn thu để trả ngân hàng. Cụ thể, đến nay đã phát sinh hơn 50 khoản vay mà dư nợ hơn 600 tỷ đồng đã quá hạn của 11/28 tỉnh và thành phố ven biển, trong đó có 16 khoản vay đã bị chuyển sang nợ xấu do tàu đóng mới không đủ bảo đảm chất lượng, hoặc do chủ tàu không có khả năng tiếp tục đóng mới hoặc khai thác do bị bệnh, do lý do sức khỏe hoặc đã qua đời ,trong khi Nghị định 67 chưa có cơ chế cho phép chuyển đổi chủ tàu, gây khó khăn cho ngân hàng khi xử lý nợ”.

Ông Lê Minh Hưng cũng đề cập đến các rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như thiết kế chưa phù hợp, môi trường, kết quả khai thác hải sản ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng trả ngân hàng của các chủ tàu, khó khăn cho các ngân hàng khi xử lý rủi ro đối các khoản vay nhưng chưa được hưởng cơ chế xử lý nợ theo nghị định. Ngoài ra, thời gian hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cũng còn quá ngắn so với thời gian vay vốn cũng gây khó khăn cho các ngân hàng khi xử lý rủi ro các khoản vay và trong quản lý nguồn tiền.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sắp tới, trong quá trình làm việc với các ngân hàng địa phương, Ngân hàng Nhà nước đã tổng hợp đầy đủ các vướng mắc và kiến nghị để kiến nghị Chính phủ các biện pháp xử lý, đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 theo hướng bổ sung những quy định để tháo gỡ các vướng mắc. Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khẩn trương hoàn thiện để báo cáo Chính phủ xem xét trong thời gian tới.

TUYẾT LOAN. Ảnh: TRẦN HẢI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/34737002-cho-vay-dong-tau-theo-nghi-dinh-67-no-xau-co-xu-huong-gia-tang.html