Cho vay tiền trực tuyến và cái chết được dự báo trước

Dịch vụ cho vay tiền trực tuyến tại Việt Nam hiện nay còn được gọi là cho vay ngang hàng (P2P) thông qua các nền tảng công nghệ như website, ứng dụng di động kết nối trực tuyến người vay và người cho vay. Đến thời điểm này những 'tiếng kêu lãi nặng' đã xuất hiện từ người vay.

Một website cho vay tiền trực tuyến có hàng triệu lượt đăng kí vay.

Một số website cho vay P2P hiện nay được quảng cáo là cho “vay nhanh”, duyệt hồ sơ vay “siêu nhanh”, không thông qua các tổ chức tín dụng. Trung gian kết nối là các đơn vị, doanh nghiệp nắm giữ công nghệ hoặc thiết lập nền tảng cho bên vay và bên cho vay giao dịch.

Tuy nhiên, cho vay P2P tại Việt Nam đã có những biến tướng khó lường. Trước hết là mức lãi suất, mức lãi suất cho vay từ 19%/năm lên đến hàng chục phần trăm/tháng.

Mức 19%/năm được cho là nhằm tránh “đụng” Bộ luật Dân sự 2015 qui định lãi suất cho vay không được quá 20%/năm. Thế nhưng cũng có website đưa ra mức lãi suất áp dụng thẳng với người vay lên đến hàng chục phần trăm mỗi tháng, chẳng khác gì hoạt động tín dụng “đen” cho vay nặng lãi “bóp cổ” người tiêu dùng.

Một sự biến tướng khác là sử dụng khái niệm “phí dịch vụ” hay phí quản lí” đối với khoản vay thay vì sử dụng khái niệm lãi suất. Thế nhưng mức phí dịch vụ lại còn “bóp cổ” người vay hơn cả những mức lãi suất cao ngất. Có những trường hợp, website cho vay trực tuyến áp dụng mức phí quản lí khoản vay lên đến 2%/ngày, tính ra mỗi tháng lên đến 60% và 12 tháng là 720%. Mức “phí” như thế người vay khó mà chịu nổi, khi tính đường “bùng chạy” thì bên cho vay cũng gặp thất thoát tiền vốn.

Cần biết rằng, P2P phát triển khá mạnh tại thị trường Trung Quốc từ năm 2011 với tổng giá trị giao dịch lên đến hơn 260 tỉ USD. Nhưng 5 năm sau đó, chính phủ nước này đã phải siết chặt vì những hệ lụy và hậu quả nó gây ra. Tại Việt Nam, hiện chưa có hành lang pháp lí cho hoạt động P2P, và trên thực tế hoạt động P2P của một số website tại Việt Nam hiện nay cũng không hề được các tổ chức tín dụng chính thức đầu tư hay hậu thuẫn. Chính vì thế khi tranh chấp xảy ra, việc giải quyết sẽ gặp nhiều phức tạp và rắc rối, và cũng có thể xảy ra khả năng những cuộc đòi nợ thuê kiểu xã hội đen.

P2P cũng có gần với kiểu cho vay nóng, xét duyệt hồ sơ nhanh và thuận tiện, với đa phần là các món vay nhỏ từ vài triệu đồng đến chục triệu đồng. Phía cho vay ăn vào số đông người vay, còn phía vay thường số tiền không quá lớn nên cũng dễ được giải ngân. Song với mức lãi suất cắt cổ, “cái chết” nhãn tiền đối với phía vay thường là dân lao động nghèo rất dễ vướng vào tình trạng lãi mẹ đẻ lãi con rồi không còn khả năng chi trả. Trên một số website, số lượt đăng kí vay lên đến hàng triệu.

Về bản chất, cho vay tiền trực tuyến chính là hoạt động cho vay nóng, cho vay nặng lãi khoác lên mình nền tảng công nghệ có khả năng kết nối và lan tỏa mạnh hơn xưa.

Dạ Thảo

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/cho-vay-tien-truc-tuyen-va-cai-chet-duoc-du-bao-truoc-631945.ldo