Cho vay tiêu dùng - Tín chấp và bất chấp

Nhiều năm qua, cho vay tín chấp tiêu dùng là sản phẩm mang lại lợi nhuận lớn nhất cho các ngân hàng thương mại. Nổi bật nhất trong số đó là công ty FE CREDIT - một công ty tài chính trực thuộc VPBank.

Tác giả Lê Tùng Anh

Tác giả Lê Tùng Anh

Về lý thuyết, hoạt động cho vay tín chấp là hoạt động có mức độ rủi ro tín dụng cao nhất. Khách hàng tìm đến sản phẩm này phần lớn là những người không có khả năng tiếp cận với nguồn vốn vay tiêu dùng ở các ngân hàng thương mại.

Thủ tục thì cực kỳ đơn giản, chỉ cần có CMND, sổ hộ khẩu và vài số điện thoại tham chiếu. Ngay lập tức có thể được giải ngân số tiền không lớn, vài chục triệu đồng tùy vào mức độ kê khai thu nhập.

Từ khóa "Vay tín chấp" mang tới 97 triệu kết quả tìm kiếm trên Google

Tất nhiên, mọi khoản vay có tính rủi ro cao, xét duyệt dễ dàng luôn đi kèm mức lãi suất và các loại phí phạt “cắt cổ”. Mức lãi suất vay tiêu dùng tín chấp của FE CREDIT vào khoảng từ 1.75% đến 3.27%/tháng tương đương 21% đến 39,24%/năm (Nguồn website FE CREDIT). Kèm theo đó là mức phạt 300.000 đồng cho một lần trả chậm. Lãi suất được tính toán tùy theo hồ sơ vay vốn và luôn được tính trên toàn bộ thời gian vay, cộng với nợ gốc rồi chia đều trả dần hàng tháng.

Nếu bạn vay FE CREDIT số tiền 50 triệu đồng trong 3 năm, tổng số tiền phải trả cuối kỳ sẽ vào khoảng 81 triệu đồng. Trong trường hợp khách hàng quá hạn, lãi suất quá hạn sẽ được tính theo mức tối thiểu là 150% mức lãi suất trong hạn, kèm theo các khoản phí phạt.

Bảng tính lãi suất phải trả trên website của FE CREDIT.

Năm 2019, lợi nhuận trước thuế của FE CREDIT đạt 4.500 tỷ đồng, đóng góp tới 43,3% lợi nhuận của VPBank.

Lợi nhuận lớn như vậy đủ để bất chấp mọi rủi ro, nhưng thực tế các công ty tài chính có rủi ro nhiều hay không?

Theo lời một nhân viên tín dụng lâu năm, công ty cho vay 10 món, chỉ cần 4 món khách hàng trả đúng hạn gốc lãi, là đã đủ để đảm bảo 6 món còn lại quá hạn thoải mái rồi.

Trên thực tế, tất cả các khoản nợ quá hạn, nợ xấu đều được các công ty tài chính ủy quyền hoặc bán thẳng cho các công ty, tổ chức thu hồi nợ. Tình trạng đòi nợ theo kiểu bất lương, bất chấp... đã xảy ra nhiều năm nay. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đòi nợ thuê ngày càng biến tướng, móc nối với các băng nhóm côn đồ hoặc tuyển dụng nhân viên là những thành phần bất hảo, có tiền án tiền sự,…; hành vi đòi nợ thì phản cảm, gây rối, thậm chí sử dụng những thủ đoạn uy hiếp, đe dọa, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của con nợ,… với mục đích thu hồi nợ bằng mọi giá.

Bằng cách mua bán/ủy quyền xử lý các khoản nợ này, công ty tài chính đã tránh được hoàn toàn trách nhiệm khi xảy ra những điều tiếng không hay, những kiện cáo liên quan đến việc thực hiện thu nợ. Con nợ kêu cứu, báo chí lên tiếng, cộng đồng phẫn nộ nhưng cái kết chỉ là một công ty nào đó bị dừng hợp tác với chủ nợ hoặc vài nhân viên thu nợ mất việc mà thôi.

Đã vay là phải trả, đó là lẽ thường ở đời. Nhưng cho vay theo cách dụ dỗ người khó khăn vay tiền bất chấp. Rồi lại đòi nợ theo phương pháp bất chấp. Tất cả vì lợi nhuận, mọi người tham gia vào vòng xoáy đều bất chấp. Câu chuyện bi thảm về một người vay nợ của FE CREDIT tìm đến cái chết vài ngày sau khi bị đám người đòi nợ hung hãn đe dọa, trấn áp, liệu đã là sự cảnh tỉnh?

Lê Tùng Anh

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/doi-thoai/cho-vay-tieu-dung-tin-chap-va-bat-chap-174892.html