Choáng: Công nhân Trung Quốc ở Pakistan mang súng AK-47 đi làm!

Những bức ảnh về công nhân Trung Quốc đang làm việc tại Pakistan, đã phải mang súng trường tấn công AK-47 khi làm việc, đã gây bão mạng trong những ngày qua. Tại sao những công nhân này phải làm như vậy?.

Vài ngày sau vụ nổ xe buýt ở Pakistan, khiến 9 kỹ sư và công nhân Trung Quốc thiệt mạng ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa; những bức ảnh về “công nhân Trung Quốc” mang súng trường tấn công AK-47, đang được tung lên mạng. Một số phương tiện truyền thông đã đăng những bức ảnh kèm những lời bình luận với "sự nghi ngờ ngày càng tăng", giữa Trung Quốc và Pakistan.

Vụ nổ xe buýt, được Trung Quốc gọi là “một cuộc tấn công khủng bố”, cũng được coi là thất bại của Pakistan, trong việc cung cấp an ninh đầy đủ cho các công dân Trung Quốc, đang làm việc trong nhiều dự án ở nước này.

Hai bức ảnh lan truyền cho thấy, hai người đàn ông châu Á, được cho là công dân Trung Quốc, trong trang phục công nhân, mang theo thiết bị đo đạc, thường được sử dụng tại các công trường xây dựng.

Khẩu súng trường tiến công AK-47 đeo trên vai của hai người đàn ông trong ảnh, các mạng truyền thông và các bài đăng trên mạng xã hội cho rằng, những công nhân Trung Quốc đã bắt đầu mang súng để bảo vệ an ninh của họ, sau vụ nổ bom xe buýt.

Công nhân Trung Quốc thường xuất hiện tại một số công trường xây dựng và được biết đến với trang phục đặc biệt, hoặc thiết bị an toàn như mũ bảo hiểm. Trong tình huống như vậy, sẽ không hợp lý khi họ làm việc trên một công trường xây dựng, khi cầm một khẩu Kalashnikov hạng nặng, thông tin cho biết.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết vào ngày 23/7, thi thể của 9 nhân viên Trung Quốc thiệt mạng, trong một cuộc tấn công khủng bố ở Pakistan, đã trở về đất mẹ trên một chiếc máy bay thuê của Hàng không Pakistan.

Sau cuộc tranh cãi ban đầu giữa Trung Quốc và Pakistan về bản chất của vụ tấn công, Islamabad xác nhận vụ nổ là một “hành động khủng bố”; mặc dù chưa có nhóm khủng bố nào tuyên bố đứng ra nhận trách nhiệm.

Suy đoán vai trò của lực lượng ly khai Taliban ở Pakistan và Balochistan trong vụ việc, các nhà phân tích Trung Quốc cũng không loại trừ khả năng có một “bên thứ ba”, mà không đề cập đến bất kỳ quốc gia nào.

Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) trị giá 50 tỷ USD đã gây mất lòng tin đối với người dân ở Balochistan, khu vực giàu tài nguyên của Pakistan; những người dân coi đây là một kiểu “chủ nghĩa thực dân mới”.

Vừa qua đã có các cuộc giao tranh đã diễn ra đặc biệt dữ dội ở tỉnh phía nam Pakistan, nơi có cảng chiến lược Gwadar, một phần quan trọng của CPEC. Người bộ tộc Balochs đã cáo buộc chính quyền Pakistan, cưỡng bức di dân và đàn áp phong trào ly khai địa phương.

Tình hình trở nên phức tạp đến mức, Pakistan phải điều động hai Sư đoàn An ninh Đặc biệt (SSD), để bảo vệ các địa điểm dự án và công dân Trung Quốc đang làm việc, khỏi các cuộc tấn công bạo lực.

Trong khi Pakistan tuyên bố đã đầu tư gần 6 triệu USD để nâng cao các đơn vị đặc nhiệm, thì Trung Quốc đang bơm một khoản tiền khổng lồ, để đào tạo và trang bị cho các lực lượng này. Bất chấp những nỗ lực như vậy, các cuộc tấn công của các nhóm cực đoan vẫn tiếp diễn.

Vào tháng 6/2020, Quân đội Giải phóng Balochistan (BLA), đã tấn công Sở giao dịch chứng khoán Pakistan ở Karachi, nơi đặt trụ sở của một số công ty Trung Quốc tham gia vào dự án CPEC.

Một số thông tin cho thấy, có các mâu thuẫn giữa công nhân Trung Quốc và các sĩ quan SSD. Điều này đã dẫn đến một số tình huống gần như bạo loạn, trong đó các cuộc giao tranh trở nên tồi tệ. Một phần những rắc rối của Pakistan, là kết quả của việc Trung Quốc can dự vào các vấn đề nội bộ của nước này.

Thông tin các bức ảnh lan truyền, đã đặt câu hỏi về mối quan hệ Trung Quốc-Pakistan, sau phản ứng dữ dội của xã hội trong các cộng đồng người Pakistan và những rủi ro an ninh, mà công nhân Trung Quốc phải đối mặt. Tuy nhiên, hai bên vẫn bất chấp những thách thức an ninh và tiếp tục là đối tác chiến lược.

Trong một bài báo do Thời báo Hoàn Cầu ấn hành, tác giả Mu Lu viết rằng, bất chấp sự hợp tác chặt chẽ của Bắc Kinh và Islamabad trong các nỗ lực chống khủng bố, một số nhóm cực đoan ở Pakistan, có thể đã nhận được sự hỗ trợ từ nước ngoài, khiến tình hình an ninh trở nên “phức tạp”.

Tuy nhiên theo Mu Lu, Islamabad có khả năng và ý chí chính trị, để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố, nhằm vào nhân viên Trung Quốc ở Pakistan, bất chấp những thách thức đối với tình hình an ninh và bạo lực tiềm tàng, nhắm vào các lợi ích và đầu tư của Trung Quốc ở đó.

Mu Lu cũng nhắc lại lời nhắc lại của Thủ tướng Pakistan Imran Khan vào tháng 7/2020 rằng, Chính phủ của ông sẽ hoàn thành Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) “bằng mọi giá”.

Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí nói với phóng viên Hoàn Cầu rằng, Pakistan đã được yêu cầu điều tra đầy đủ các rủi ro an ninh đối với nhân viên, tổ chức và dự án của Trung Quốc tại Pakistan.

Pakistan phải bịt các lỗ hổng, tăng cường hệ thống cảnh báo sớm, các biện pháp an ninh và nỗ lực tối đa, để đảm bảo sự an toàn của nhân viên Trung Quốc và ngăn chặn những sự cố tương tự tái diễn.

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục hợp tác với Pakistan trong cuộc điều tra. Các thông tin cho rằng, Bộ Công an Trung Quốc đã cử các chuyên gia điều tra tội phạm đến Pakistan để hỗ trợ điều tra vụ tấn công khủng bố. Nguồn ảnh: QQ.

Cận cảnh cách thức hoạt động đơn giản mà cực kỳ hiệu quả của khẩu súng trường tiến công AK-47 huyền thoại. Nguồn: HIW.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/choang-cong-nhan-trung-quoc-o-pakistan-mang-sung-ak-47-di-lam-1568637.html