Choáng ngợp 'đại tiệc' ánh sáng trên sông Sài Gòn mừng xuân Quý Mão

Đúng 0h ngày 22/1, tức giao thừa tối 30 Tết Quý Mão, màn pháo hoa nghệ thuật chào đón Năm mới 2023 đã diễn ra trong sự háo hức của người dân TPHCM.

Năm nay, sông Sài Gòn "lột xác" với một sân khấu được dựng trên sà lan nằm giữa sông nhằm phục vụ đại tiệc âm thanh và ánh sáng cho người dân thành phố.

Sông Sài Gòn tối giao thừa xuân Quý Mão được BTC bố trí một sân khấu hoành tráng ngay trên mặt sông.

Tầm 20h, đoạn Tôn Đức Thắng từ Đồng Khởi đến Hàm Nghi được phong tỏa, phục vụ cho người đi bộ. Lượng người đổ về mỗi lúc một đông khi thời gian càng trôi về thời khách giao thừa.

Một số du khách may mắn đặt chỗ một số khách sạn có view nhìn ra sông khá lý tưởng. Trong ảnh, các du khách đang ngồi tại nhà hàng trên tầng 8, khách sạn Majestic hướng nhìn trực diện ra sân khấu.

Đường Tôn Đức Thắng chỉ còn lại một khoảng nhỏ dành cho người đi bộ.

Đại tiệc âm thanh, nhạc nước phục vụ người dân đã khoác lên tấm áo mới cho sông Sài Gòn.

Khán giả cuồng nhiệt hưởng ứng theo chương trình.

Một chiếc ô tô của lực lượng chức năng vất vả mở đường qua khu vực người dân ngồi đợi xem pháo hoa.

Đúng 0h, pháo hoa chào năm mới nổ vang, bung tỏa trên bầu trời TPHCM.

Từ trung tâm TPHCM, du khách hướng mắt về TP. Thủ Đức thưởng thức pháo hoa.

Đêm giao thừa mừng năm 2023, TPHCM đã tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật chào đón năm mới và bắn pháo hoa tầm cao tại đầu đường hầm sông Sài Gòn (TP.Thủ Đức).

Ngoài ra, thành phố còn có 5 điểm tầm thấp gồm: Đền tưởng niệm di tích Bến Nọc (TP.Thủ Đức), Công viên văn hóa Đầm Sen (Quận 11), xã Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi) và khu tưởng niệm liệt sĩ Mậu Thân 1968 (huyện Bình Chánh).

Sau hai năm dừng do COVID-19, TPHCM đã tổ chức bắn pháo hoa giao thừa Tết Nguyên đán ở 6 điểm, trong đó một vị trí mới tại huyện Bình Chánh.

Trong đó, một điểm bắn tầm cao tại đầu đường hầm sông Sài Gòn (TP Thủ Đức). 5 điểm tầm thấp tại: Đền tưởng niệm di tích Bến Nọc (TP Thủ Đức), Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11), thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), Khu đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi) và Khu tưởng niệm liệt sĩ Mậu Thân 1968 tại huyện Bình Chánh.

Pháo hoa được bắn trong 15 phút lúc 0h ngày 22/1 (mùng 1 Tết Quý Mão); kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

Nhạc nước phục vụ xuyên suốt chương trình.

Bắn pháo hoa là hoạt động thường xuyên vào dịp lễ lớn (30/4 và 2/9), Tết Dương lịch và Nguyên đán tại TP HCM phục vụ người dân và du khách. Tuy nhiên, hai năm qua TP HCM không bắn pháo hoa đêm giao thừa để phòng, chống dịch COVID. Tết Dương lịch vừa qua thành phố bắn ở hai điểm.

Bên cạnh bắn pháo hoa, nhiều hoạt động mừng Tết Nguyên đán thường niên tiếp tục được duy trì, như: lễ hội Đường Sách Tết Quý Mão từ 17h ngày 19/1 đến 26/1, địa điểm năm nay được di chuyển đến đường Lê Lợi (quận 1) thay vì đường sách Nguyễn Văn Bình như mọi năm. Ngoài ra còn có đường hoa Nguyễn Huệ, Hội hoa xuân, Chợ hoa Tết "Trên bến dưới thuyền"...

Thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như: Các suất diễn cải lương tại Nhà hát Trần Hữu Trang và trước Trung tâm Văn hóa thành phố từ 14/1 đến 5/2; biểu diễn đờn ca tài tử phía trước Nhà hát thành phố từ 20 đến 29/1.

Phạm Nguyễn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/choang-ngop-dai-tiec-anh-sang-tren-song-sai-gon-mung-xuan-quy-mao-post1504770.tpo