Ký sự: Thụy Sĩ - Thiên đường ở trời Âu Kỳ 5: Choáng ngợp với Bảo tàng Giao thông Thụy Sĩ

Cái cớ để tôi tìm đến Verkerhshaus (Bảo tàng Giao thông) ở Lucerne, bởi đấy là nơi đang lưu giữ một đầu máy xe lửa chạy hơi nước trên đường ray răng cưa hiếm hoi của Việt Nam, tuyến Đà Lạt - Krong Pha ngày trước.

Thụy Sĩ là đất nước nhỏ xíu giữa Trung Âu, nhưng có đến hơn 1.000 bảo tàng, trong số ấy, Verkerhshaus ở Lucerne được du khách tham quan nhiều nhất. Đây cũng là nơi trưng bày bộ sưu tập đồ sộ nhất thế giới với hơn 3.000 hiện vật về đề tài giao thông từ sơ khai đến hiện đại.

Các tòa nhà trưng bày mang thiết kế đặc biệt, gắn liền với đề tài giao thông

Trực thăng cứu hộ và các loại máy bay của hàng không Thụy Sĩ thời sơ khai

Bảo tàng Giao thông tọa lạc ở ngoại ô Lucerne. Tôi theo chuyến xe buýt số 2 từ nhà ga trung tâm, chỉ mất 15 phút, Verkerhshaus đã hiện hữu trước mặt. Dù đã tìm hiểu sơ bộ thông tin về Verkerhshaus, biết đây là bảo tàng hàng đầu thế giới của giao thông nhân loại, nhưng từ ngay khi đứng bên ngoài tòa nhà bảo tàng, tôi vẫn bị hớp hồn bởi một hình khối kiến trúc kỳ lạ, đậm chất đương đại. Bao bọc trên đó là hàng ngàn mâm xe hơi trang trí, cùng hình khối khổng lồ, trông như một bánh xe đến từ hành tinh khác - sau này tôi mới biết đó chính là mũi khoan phá đá của đường hầm vượt núi Gotthard, hoàn thiện từ 1/6/2016 với tổng chiều dài lên đến 57.09km, hiện đang giữ kỷ lục là hầm vượt núi dành cho đường sắt dài nhất thế giới.

Góc trưng bày xe hơi, xe máy được điều khiển theo ý người xem

Mũi khoan khổng lồ của đường hầm vượt núi Gotthard trưng bày trước Bảo tàng Giao thông

Qua cổng chính của bảo tàng vào khu tham quan, tất nhiên nơi trưng bày tôi mong chờ nhất chính là không gian quy tụ ngành giao thông đường sắt, bởi đó là nơi có một trong bốn đầu tàu hơi nước mà Thụy Sĩ mua lại từ Việt Nam (với mức giá phế liệu) năm 1990.

Kiến trúc ấn tượng của Verkerhshaus nhìn từ lối vào chính của bảo tàng

Nhắc lại chút chuyện xưa, lịch sử ngành giao thông nhân loại ghi nhận có hai địa danh sở hữu tuyến đường sắt răng cưa chạy bằng tàu hơi nước là Thụy Sĩ (tuyến đường lên núi Furka - từ cuối thế kỷ 19) và Việt Nam (tuyến đường đèo Krong Pha - đầu thế kỷ 20). Đường sắt răng cưa được hiểu nôm na là ở những đoạn vượt núi có độ dốc cao, các nhà thiết kế phải lắp thêm thêm một đường ray hình răng cưa, đặt song song giữa hai thanh tà vẹt, đầu tàu được gắn một bộ phận bánh răng móc vào răng cưa giúp di chuyển qua những đoạn đường đèo có độ dốc cao mà đầu tàu thông thường không thể kéo cả đoàn tàu lên được. Ở chiều ngược lại, khi xuống dốc núi, việc vận hành hệ răng cưa giúp đoàn tàu giảm tốc, bám đường ray theo tốc độ điều khiển và di chuyển xuống núi an toàn.

Không gian trưng bày các phương tiện giao thông của ngành đường sắt

Đường sắt răng cưa nối từ Krong Pha đến Đà Lạt được hoàn thiện từ 1932 sau 10 năm thi công. Tuyến đường dài 44km, do công ty chuyên thi công đường ray răng cưa của Thụy Sĩ là Schweizerische Lokomotiv - und Maschinenfabrik (SLM) thực hiện. 9 đầu tàu răng cưa chạy bằng hơi nước kiểu HG 4/4 của hãng SLM được nhập khẩu từ Thụy Sĩ, mỗi đầu tàu nặng đến 46 tấn, được đánh số thứ tự từ 701 - 709, vận hành trên tuyến Đà Lạt - Tháp Chàm.

Lịch sử ghi nhận ở năm 1945 - 1946, 4 trong số 9 đầu tàu đã bị phá hỏng do chiến tranh, chỉ còn lại các đầu tàu mang số hiệu 702 (Hỏa xa Việt Nam đổi thành 40-302), 703 (40-303), 704 (40-304), 706 (40-306) và 708 (40-308) vẫn còn khả năng hoạt động. Kể từ năm 1969 tuyến đường ray răng cưa dừng hoạt động vì không hiệu quả, các đầu tàu hơi nước nằm phơi sương gió ở ga Đà Lạt, đường ray răng cưa dần bị tháo sạch phần giúp khôi phục tuyến đường sắt Bắc - Nam, phần còn lại bị… bán phế liệu.

Chiếc Lockheed Orion còn lại duy nhất của hàng không Thụy Sĩ từ năm 1932

Tiếc cho những đầu máy hơi nước vẫn còn khả năng hoạt động nhưng bị xếp xó, người Thụy Sĩ đã tìm sang Việt Nam, thương lượng mua lại bốn trong số những đầu máy cổ ở ga Đà Lạt, đưa về Thụy Sĩ trong một chiến dịch hồi hương có tên gọi “Trở về Thụy Sĩ” (Back to Switzerland). Năm 1990, bốn đầu máy rời ga Đà Lạt, xuống cảng Vũng Tàu và lên đường trở lại Thụy Sĩ, được phục chế và một trong số ấy đã vận hành trên tuyến đường núi Furka từ 1993. Hiện Thụy Sĩ tự hào là nước duy nhất trên thế giới có tuyến đường sắt răng cưa chạy bằng đầu máy hơi nước này.

Tôi hồi hộp bước vào không gian trưng bày lịch sử hỏa xa, với hy vọng gặp lại một chút yếu tố Việt trong những ngày rong ruổi, hỏi cô nhân viên trực bảo tàng hôm ấy về đầu máy hơi nước từ Việt Nam, thật thất vọng khi nhận được câu trả lời rằng chiếc đầu máy vừa được đưa về xưởng để phục chế lại, hy vọng vẫn còn khả năng vận hành như người anh em của nó đang ngày ngày chạy trên tuyến đường núi Furka.

Thấy vẻ mặt không vui của tôi, cô nhân viên chia sẻ: “Để phục chế các đầu tàu này rất phức tạp, chúng tôi phải kêu gọi những thợ máy cũ, họ là các chuyên gia trong ngành hỏa xa nhưng về hưu lâu rồi, hầu hết nay cũng đã trên 80 tuổi, chỉ có họ mới có khả năng làm các cỗ máy này sống lại. Và thật may khi chúng tôi nhận được sự hưởng ứng từ các bậc tiền bối ấy”. Nói rồi cô an ủi thêm: “Lần sau bạn đến Thụy Sĩ, có khi không cần phải vào bảo tàng này để kiếm nó đâu, mà đến Furka hoặc các vùng núi nổi tiếng nào đó trên dãy Apls, nơi chiếc đầu máy răng cưa chạy bằng hơi nước từ Việt Nam đã được hồi sinh”.

Không gian trưng bày ở Verkerhshaus với thiết kế và trang trí rất lạ mắt

Ở Verkerhshaus, mỗi không gian trưng bày theo chuyên đề riêng, ngoài đường sắt với hàng loạt các loại đầu máy sắp đặt trên đường ray dài đến 1km, các tuyến đường núi của ngành đường sắt Thụy Sĩ cũng được giới thiệu theo mô hình để người xem hình dung về một đất nước có ngành đường sắt phát triển với hoạt động hiệu quả nhất thế giới. Mỗi phút ở Thụy Sĩ có khoảng 150 chuyến tàu đang vận hành, chuyên chở trung bình 1,25 triệu hành khách mỗi ngày.

Không gian trưng bày hấp dẫn khác ở Verkerhshaus là các phương tiện giao thông đường bộ, với xe máy, xe hơi đủ loại, điều lý thú là không gian này được trưng bày hiện đại, người xem chỉ cần đứng một chỗ, chọn vào chiếc xe yêu thích và sử dụng bảng điều khiển để chiếc xe theo hệ thống cẩu nâng xuất hiện trước mặt. Bên cạnh đó, các không gian trưng bày về đường thủy, về đường hàng không với hàng loạt các máy bay gắn liền với lịch sử phát triển hàng không Thụy Sĩ từ những ngày đầu tiên… như chiếc Dufaux 04, ra đời từ 1906 với trọng lượng chỉ vỏn vẹn 17kg, cũng là những điểm nhấn gây choáng ngợp bởi số lượng hiện vật, kiểu trưng bày hiện đại, cùng câu chuyện từng phương tiện giao thông hiện hữu tại Verkerhshaus.

Máy bay phản lực Coronado 990 (đã "nghỉ hưu") của Swiss Air trưng bày trong sân bảo tàng

Du khách trải nghiệm bay trên đôi cánh trong không gian trưng bày các phương tiện hàng không

Chỉ một ngày ngắn ngủi để tham quan Verkerhshaus, nhưng tôi có được những hình dung bao quát về thế giới các phương tiện giao thông đa dạng không chỉ riêng với đất nước Thụy Sĩ mà cả toàn cầu. Trong không gian trưng bày rộng đến 20.000m2, mỗi hiện vật là một phát minh giá trị của nhân loại, một ghi nhận của lịch sử ngành giao thông, bởi thế Verkerhshaus hàng năm luôn là bảo tàng có lượng người tham quan đông nhất trong số hơn 1.000 bảo tàng ở Thụy Sĩ.

THIÊN AN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/choang-ngop-voi-bao-tang-giao-thong-thuy-si-17638.html