Choáng ngợp xứ Thanh

Tôi phải cảm ơn nhà thơ Lê Tuấn Lộc và Chi hội Văn học công nhân Hội Nhà văn Việt Nam đã cho tôi cơ hội cùng đoàn nhà văn gốc xứ Thanh ở Hà Nội tham gia chương trình 'Về nguồn'.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Ảnh: CTV

“Về nguồn” với các anh, các chị có nghĩa hẹp là trở lại cố thổ. Nơi đó có khoảng trời ký ức, hoài niệm của mỗi người. Về nghĩa rộng lớn hơn là cuộc hành hương tri ân quê hương. Trong đoàn, có rất nhiều nhà văn đã từng viết, “trả nợ” quê hương bằng tác phẩm.

Tôi là thành viên duy nhất trong đoàn, xứ Thanh không phải là cố thổ, nhưng từ nhiều thế kỷ trước, dòng họ phát tích từ Thanh. Đồng Phang, xã Định Hòa, Yên Định được coi là “đất Tổ” của dòng họ Ngô.

- Các anh có quyền tự hào với những gì những người ở lại đang làm vì Sầm Sơn nói riêng và Thanh Hóa nói chung. Câu nói này của Phó Chủ tịch Sầm Sơn, Bùi Quốc Đạt làm tôi nhớ mãi.

Tại sao anh Bùi Quốc Đạt dùng từ “người ở lại”? Đoàn nhà văn từ Hà Nội về chủ yếu là những người sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, trưởng thành thì lập nghiệp và sinh sống ở Hà Nội.

- Nếu Thanh Hóa là ngôi nhà hạnh phúc thì Sầm Sơn phải là một phòng khách hạnh phúc, Bùi Quốc Đạt chia sẻ tiếp. Khuôn mặt tự tin. Căn phòng làm việc của UBND thành phố, không rộng, bàn tròn. Đủ để ấm áp.

Tôi nghĩ, bản thân từ “hạnh phúc” là khái niệm, là nội hàm. Để có hạnh phúc, chắc chắn ngôi nhà ấy phải ăm ắp không khí, mùi thơm từ vẻ đẹp về văn hóa. Sầm Sơn không chỉ có biển, với những bãi tắm trứ danh. Sầm Sơn nói riêng và Thanh Hóa ôm vào lòng mình biết bao giá trị.

Thanh Hóa, đúng là vùng đất văn hóa. Văn hóa, không chỉ tinh hoa mà thể hiện hàng ngày trong mọi công việc kiến tạo, phát triển; trong ứng xử, bộc lộ từng phần cốt cách người xứ Thanh.

***

Tôi có khá nhiều bạn bè văn chương quê Thanh, lập nghiệp và thành danh ngay trên quê hương Thanh Hóa. Thời hiện đại, tôi có thể nhắc đến các nhà văn đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật như Kiều Vượng, Từ Nguyên Tĩnh...; đến những nhà văn, nhà thơ khác mới được Giải thưởng văn học nghệ thuật mang tên Lê Thánh tông như Lê Bá Thự, Lê Ngọc Minh...

Tuy nhiên, theo quán chiếu của tôi, muốn tìm hiểu về văn hóa xứ Thanh phải đọc “Tinh hoa văn hóa xứ Thanh” (NXB Thanh Hóa, 2019) của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ; muốn biết về khí chất Thanh Hóa thì đọc “Trường ca mạch đất hồn trống đồng” (NXB Thanh Hóa, 2022) của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm.

Có thể nói, “Trường ca mạch đất trống đồng” là trường ca viết về Thanh Hóa, ngợi ca Thanh Hóa, khắc họa hình ảnh Thanh Hóa, từ trang đầu đến trang cuối là Thanh Hóa. Đó là dòng chảy của lịch sử, của văn hóa; từ thời con người xứ Thanh Làm nên văn hóa núi Đọ đến văn hóa Đông Sơn. Hay nói cách khác, trong “mạch đất” ấy, có “mạch ngầm” văn hóa.

“Khi người Đông Sơn biết nặn đất làm khuôn/ để đúc trống đồng/ lịch sử đất này đã viết bằng hồn thiêng linh khí”. Tôi thích những câu thơ này của Nguyễn Minh Khiêm: “...khi cuốc bẫm cày sâu đồng trũng đồng khô/ lưỡi cuốc lưỡi cày í a hát đúm/ hòn đất ngậm ca dao để lớn/ hạt thóc củ khoai ngậm tục ngữ để khôn”.

Trong những ngày ở Thanh Hóa, anh em bảo, chưa đến “tứ sơn” thì coi như có lỗi với xứ Thanh. Thật may, duyên như hẹn trước. Đoàn nhà văn “về nguồn”, đã có cơ hội thăm Đông Sơn, Nghi Sơn, Sầm Sơn, Lam Sơn. Phải lâu lắm rồi, tôi mới trở lại Lam Sơn, nếu tính từ lần đầu tiên, năm 1996, Giám đốc Nhà máy Đường Lam Sơn, ông Lê Văn Tam mời về.

Bao nhiêu năm đã qua!

Lần này trở lại Lam Sơn, trời lắc rắc mưa. Bước vào cổng khu nhà điều hành của Ban Quản lý Di tích Lam Kinh, nhận ra nhiều bề bộn. Nếu như Thanh Hóa là vùng đất “địa linh nhân kiệt” thì Lam Kinh, “huyệt đạo” của vùng đất ấy. Lam Kinh ôm vào lòng mình cả một kho báu. Đó là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử quan trọng về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc.

Lam Kinh được đánh giá như một “bảo tàng lịch sử” về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Chỉ riêng bia đá, ở đây đã có 5 tấm bia được công nhận Bảo vật quốc gia, gồm: Vĩnh Lăng (bia vua Lê Thái tổ), Khôn Nguyên Chí Đức (bia Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao), Chiêu Lăng (bia vua Lê Thánh tông), Dụ Lăng (bia vua Lê Hiến tông) và Kính Lăng (bia vua Lê Túc tông)...

Mỗi lần đến đây tôi đều xúc động. Khi chúng tôi đến Lam Kinh, đúng thời điểm 605 năm trước, vào mùa xuân Mậu Tuất năm 1418, tại núi rừng Lam Sơn, Lê Lợi cùng nhiều hào kiệt đã dựng cờ khởi nghĩa, truyền hịch chiêu mộ anh hùng bốn phương, kêu gọi Nhân dân đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Gần 10 năm chiến đấu gian khổ, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, chấm dứt 20 năm cai trị của nhà Minh, giành lại độc lập cho nước Đại Việt. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, mở ra triều đại nhà Hậu Lê.

Với những giá trị nổi bật, cách đây hơn 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là di tích quốc gia đặc biệt. Bên cạnh những cung điện uy nghi, cổ kính, Lam Kinh còn biết đến với những câu chuyện, hiện vật đầy bí ẩn như mối tình cây đa thị, cây lim hiến thân. Đặc sắc hơn cả có lẽ chính là cây ổi cười được trồng trước mộ vua Lê...

Từ đó đến nay biết bao nguồn lực được huy động. Lam Kinh thay đổi đến không ngờ. Ngồi trên chiếc xe điện do hướng dẫn viên Hoàng Thị Hiền lái trên đường nội bộ của khu Lam Kinh rợp bóng cây, tôi miên man nghĩ đến một thời huy hoàng trong lịch sử dân tộc.

Tôi nhớ đến Diên ý Dụ Vương Ngô Từ, người lo việc quân, lương; là cộng sự của Lê Lợi khi dấy binh khởi nghĩa Lam Sơn. Những người con trai của Thanh Quốc công “cư biệt quán” mà thành các chi, phái họ Ngô trong cả nước. Ngô Từ chính là thân phụ của Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao - người sinh ra Lê Tư Thành, tức vua Lê Thánh tông. Đây được xem là vị vua anh minh, tài giỏi nhất triều Hậu Lê.

- Công lao của vua Lê Thánh tông đối với đất nước thật là lớn lao. Ông chính là người minh oan cho Nguyễn Trãi. Riêng về mặt văn hóa ông đã sáng lập ra hội Tao Đàn tập hợp 28 nhà thơ lớn đương thời, hướng dẫn viên Hoàng Thị Hiền giới thiệu.

***

Người Thanh Hóa có quyền tự hào về quê hương. Người Việt có quyền tự hào về xứ Thanh. Từ Lam Kinh, nhìn rộng ra, Thanh Hóa có cả ngàn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, kiểm kê bảo vệ. Trong số gần ngàn di tích đã được xếp hạng các cấp, đã có 1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 139 di tích cấp quốc gia.

Tôi có người anh kết nghĩa là nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Ông tài thơ, chỉ riêng các bài thơ viết về các tỉnh, thực sự là thi phẩm. Trong số này có bài “Thanh Hóa”. “Nếu Lê Lợi không khởi binh đuổi giặc/ Tên nước Nam đã biến khỏi địa cầu/ Nếu Thanh Hóa không Nguyễn Hoàng mở đất/ Tổ quốc mình sao tới được Cà Mau” (Thanh Hóa, thơ Trần Mạnh Hảo). Xứ Thanh địa linh nhân kiệt là vậy!

Tùy bút của Ngô Đức Hành

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/choang-ngop-xu-thanh/206513.htm