Choáng váng, suýt ngất vì ăn lẩu, bác sĩ chỉ ra sai lầm tai hại

Mặc dù được khuyến cáo trên các phương tiện truyền thông, nhưng hàng năm vẫn xảy ra những án mạng do ngộ độc than.

Vừa qua, một nhóm người đàn ông Trung Quốc phải nhập viện cấp cứu đồng loạt sau khi xuất hiện triệu chứng đau đầu, choáng váng và nôn mửa… khi đang ăn lẩu ở nhà hàng.

Ảnh minh họa

Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm cho thấy họ đã bị nhiễm độc khí CO (carbon monoxit). Các bác sĩ đã tìm hiểu nguyên nhân và khuyến cáo mọi người cần rút kinh nghiệm để phòng tránh những tai nạn rủi ro đáng tiếc.

Thông thường tại các nhà hàng, những nồi lẩu đa phần được sử dụng bằng bếp điện hoặc bếp từ, nhưng nơi họ chọn lại sử dụng than, rất có thể hệ thống thông khí của nhà hàng lẩu đã gặp trục trặc dẫn đến việc nồng độ CO tăng cao và khiến khách hàng ngộ độc.

Trước đó, nhiều trường hợp tử vong vì ngộ độc khí CO xảy ra. Mặc dù được khuyến cáo trên các phương tiện truyền thông, nhưng hàng năm vẫn xảy ra những án mạng do ngộ độc than rất thương tâm.

Các bác sĩ khuyến cáo không nên dùng bếp than để ăn lẩu hoặc sưởi ấm hay đun nấu trong phòng, đặc biệt là những phòng khép kín, hệ thống thông khí không tốt vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Dấu hiệu và cách xử trí khi bị nhiễm độc khí CO

Theo các bác sĩ, các triệu chứng nhiễm độc khí CO biểu hiện khác nhau và tùy theo mức độ hít phải khí này ít hay nhiều, nạn nhân có những triệu chứng như:

Nếu ăn lẩu hay nướng đồ ăn bằng than tốt nhất nên để ngoài trời, nơi thoáng khí. Ảnh minh họa.

-Đối với ngộ độc nhẹ, nạn nhân đau đầu nhẹ, thở dốc, hơi buồn nôn, các triệu chứng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe trong thời gian dài.

-Nhiễm độc ở mức độ trung bình sẽ khiến nạn nhân đau đầu dữ dội, chóng mặt, buồn nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy, bị tê nhiều nơi trên cơ thể, ngất, thậm chí có thể tử vong nếu mức độ ngộ độc này kéo dài.

-Đối với nhiễm độc nồng độ CO tăng dần, nạn nhân sẽ bị co giật, bất tỉnh, tổn thương não vĩnh viễn, tim ngưng đập và tử vong.

Khi có dấu hiệu ngộ độc khí CO cần phải biết cách xử lý sơ cứu như: đưa nạn nhân ra chỗ thoáng khí để thở không khí trong lành; mở toang tất cả các cửa chính và cửa sổ; tắt bếp gas, khóa bình gas hay tắt ngay các lò đang đốt nhiên liệu….

Ngoài ra, cần thực hiện hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt, nếu nạn nhân thở yếu hoặc ngừng thở. Sau đó chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cấp cứu.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/choang-vang-suyt-ngat-vi-an-lau-bac-si-chi-ra-sai-lam-tai-hai-2019091815093431.htm