Chơi 'ampli bóng đèn'

Từ Hà Nội, 9 người bay vào TP Hồ Chí Minh bằng tiền túi, kèm theo 'bài thi' là cặp ampli bóng đèn tự chế sau bao ngày lao tâm khổ tứ và rinh ra giải nhất là… một chiếc cúp bằng thủy tinh mà không kèm một đồng tiền mặt nào! Đó là thành tích của 'Hắc Long Giang', một nhóm chơi âm thanh DIY ở Hà Nội.

Dân chơi âm thanh ampli bóng đèn Việt Nam, nhất là những ai ở Sài Gòn hẳn còn chưa quên cuộc thi dành cho ampli bóng đèn tự chế loại khủng mang tên Sumo Contest 2009 do mạng www.vnav.net tổ chức tháng 12 vừa qua ở Trung tâm văn hóa quận Phú Nhuận.

"Hoa hậu Hắc Long Giang"

Bằng phương pháp “test mù” (blind test - nghe kiểm tra mà không nhìn thấy thiết bị), ban giám khảo đã "chấm" một bộ ampli có sức mạnh đủ để “đánh” cho một hội trường rộng với chất âm dịu dàng, ấm áp của tăng âm bóng đèn mà vẫn mạnh mẽ, sống động. Khi cánh rèm sân khấu mở ra, người ta mới ồ lên khi thấy mặt “hoa hậu”, đó là một cặp monoblock (tạm dịch: tăng âm hai khối cho hai vế riêng biệt) có vẻ ngoài xấu xí nhất trong số 14 ampli của các nhóm DIY từ các nơi trong cả nước gửi về tham dự.

“Sumo Contest 2009 không cho điểm “nhan sắc” thí sinh mà chỉ chấm “giọng hát” của các “nàng” nên giải nhất được trao là hoàn toàn xứng đáng, dù ampli của chúng em so với các “thí sinh” khác thì như Chung Vô Diệm đứng cạnh Tây Thi vậy!”. Một thành viên của Hắc Long Giang lấy hai người nổi danh vì xấu và đẹp trong lịch sử cổ đại Trung Hoa để nói về sản phẩm của mình. Không đẹp, nhưng nghe hay và đoạt giải, tôi hiểu niềm tự hào của họ là vậy.

DIY (Do It Yourself) là thuật ngữ thể hiện xu hướng của những người muốn thỏa mãn nhu cầu của mình bằng cách tự làm ra những gì mình muốn thay vì sử dụng những sản phẩm có sẵn. Trong cuộc chơi âm thanh (audio), dân chơi DIY khoái nhất là tự lắp cho mình những bộ tăng âm (ampli) sử dụng bóng đèn điện tử (tube) để nghe nhạc. Thú chơi này đã lan đến Việt Nam khoảng hơn 10 năm nay và Hắc Long Giang là một trong nhiều nhóm chơi âm thanh bóng đèn tự chế. Họ gồm nhiều người, sống ở nhiều nơi trong cả nước. Hầu như mọi người chỉ biết nhau trên mạng trước khi gặp mặt, “trụ sở” của họ là một quán cà phê trên đường Võ Thị Sáu, Hà Nội.

“Hoa hậu” Sumo Contest 2009 đang khoe mình

Thú đam mê tốn kém

Trong một ngõ nhỏ ở phố Trần Quốc Toản (Hà Nội) phóng viên TNTT> đã được gặp những thành viên chủ chốt của Hắc Long Giang và tác phẩm đoạt giải của họ. Danh bất hư truyền, họ hầu hết đều là những người am hiểu, thậm chí được đào tạo bài bản về điện, điện tử, cùng chung một máu mê âm thanh và câu chuyện với họ mở ra cho người viết những thông tin thú vị.

Ý tưởng tham gia cuộc thi hóa ra bắt đầu trong một cuộc… nhậu. Khi đó người khởi xướng là Tùng, một thành viên làm nghề… xây dựng. Khi đọc được thông báo cuộc thi trên mạng thì thời gian đã cận kề, nhóm quyết định huy động toàn lực để làm sao có sản phẩm nhanh nhất.

Huy động toàn lực anh em tại Hà Nội, gọi một thành viên từ Hải Phòng lên để tham gia làm “khung sườn”, một thành viên nữa cũng từ thành phố cảng có nick là Kienaudio thì được phân công quấn các loại biến áp nguồn, biến áp xuất âm. Bóng đèn do một kỹ sư tin học tên Long đóng góp, những thành viên khác đóng góp điện trở, tụ điện và công lao động, bao gồm cả việc bưng bê, thuốc nước cho những người đang làm việc.

“Khó nhất là việc thực hiện phần khung máy, trong đó có việc phải khoan nhiều lỗ để bắt linh kiện, chân đèn”, anh Hoàng Minh Đức, một thành viên trong nhóm cho biết, khi đó đã gần cuối năm, các cơ sở gia công cơ khí đều từ chối.

May mắn, họ tìm được một xưởng nguội ở Nhổn, họ cho mượn máy phay, máy khoan, anh em kéo đến tự chế. Việc thiết kế mạch thì không khó vì nhiều người đều có nghề điện tử. Tuy nhiên, tốn kém nhất là thời gian, và chi phí cho… bia bọt sau mỗi giờ làm việc!

Theo Xuân Anh, một người được phong là thư ký “trù bị” của Hắc Long Giang thì cặp monoblock đi thi có trị giá khoảng 3.000 đô la, nhưng khoảng gần 100 công lao động và đôi chục bữa bia tổng kết, rút kinh nghiệm, chi phí di chuyển, ăn ở trong cuộc thi và nhất là công khuân chiếc cúp giải thưởng trong Sài Gòn ra thì không có cách gì để thống kê được!

Trong xưởng thực nghiệm của Hắc Long Giang

Danh bất hư truyền

Theo đề nghị của tôi, các anh vật ngửa hoa hậu Sumo Contest 2009 cho nhà báo "khua khoắng". Phải nói đó là một thiết bị khá ly kỳ. Vỏ gỗ, sơn đen, mặt thép bóng loáng gắn các chi tiết khác thường so với các thiết bị chế tạo công nghiệp. Cùng với những biến áp đóng logo Kienaudio đỏ chói rất pro, lại có những biến áp khác trông bụi bặm, khườm khì như mới ở trong cửa hàng phế liệu đi ra. “Không sao, đó là đồ quân sự và có phẩm chất rất tốt về kỹ thuật". Một thành viên Hắc Long Giang giải thích.

Chúng tôi ngạc nhiên khi biết cặp monoblock này được thiết kế trên một sơ đồ nguyên lý kinh điển nhưng rất khoa học, vừa sử dụng bóng đèn (tube) theo phong cách cổ điển để cho chất âm truyền cảm, sâu lắng, vừa sử dụng những linh kiện công nghệ mới như các đèn mosfet, một loại bóng bán dẫn đặc biệt sử dụng hiệu ứng trường kim loại để tạo ra chất âm trong sáng đặc trưng.

“Đó chính là cái thú của DIY”, một chàng trai trẻ có tên là Ninh cho biết. Anh này là thành viên Hắc Long Giang nhưng du học ở Trung Quốc. Đang kỳ nghỉ phép, Ninh đến đây cùng mọi người lắp một bộ ampli nhỏ để nghe trong phòng ngủ.

Trong căn phòng mà tôi đến hôm ấy, còn là một kho đĩa hát khổng lồ với khoảng 5.000 đĩa than mà chủ sở hữu là Xuân Anh. Trong kho đĩa ấy, có những chiếc sản xuất từ những năm 1920, có bản nhạc ghi trong đĩa gồm cả tiếng súng đại bác. Đó là tiếng đại bác được bắn thật để ghi đĩa! Nắn nót đặt nó vào máy quay, một bản nhạc chầm chậm vang lên từ đôi loa lớn để ở góc phòng.

Tất cả lặng im, đăm chiêu, không gian hình như lắng xuống. Đó chính là đam mê của những người DIY, chế ra những món đồ chơi để tự chơi, có lẽ đó là đỉnh cao của sự chơi thời hiện đại...

Lưu Quang Phổ

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/choi-ampli-bong-den-348430.html